Nói không với rác thải nhựa- Hãy hành động trước khi quá muộn!

Kỳ cuối: Giải bài toán rác thải nhựa- thay đổi từ ý thức

Cập nhật, 07:59, Chủ Nhật, 13/10/2019 (GMT+7)

>> Kỳ 1: Tiện vài phút hại... trăm năm!

>> Kỳ 2: Mỗi ngày xả 2.500 tấn rác thải nhựa

Hạn chế rác thải nhựa là chuyện có thể làm được từ việc mỗi người có ý thức bảo vệ môi trường. Ở tầm vĩ mô, hạn chế rác thải nhựa cần sự vào cuộc thường xuyên, liên tục của tất cả các ban, ngành, tổ chức trong xã hội.

Đó là khuyến khích các sản phẩm thay thế, có chế tài đối với những hành động xả thải nhựa ra môi trường, có biện pháp tái chế nhựa và cần thiết nhất là xây dựng một xã hội “hạn chế tối đa rác thải nhựa”. Vì môi trường xanh- sạch- đẹp và cuộc sống, sức khỏe của chúng ta, hãy cùng hành động ngay bây giờ.

 

Học sinh Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng Cần Thơ trang bị cho mình phích nước và khay đựng thức ăn sử dụng nhiều lần.
Học sinh Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng Cần Thơ trang bị cho mình phích nước và khay đựng thức ăn sử dụng nhiều lần.

Từ xây dựng hệ sinh thái ý thức cá nhân

Tháng 8/2018, CLB Zero Waste- “Trường học không rác thải nhựa” do Đoàn Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ) được thành lập và đi vào hoạt động. Cô Mai Ánh Tuyết- Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn trường, giáo viên Tổ Sinh học là chủ nhiệm- cho biết: “Sau hơn 1 năm hình thành CLB, chúng tôi đã chính thức giảm thiểu được rác thải nhựa. Nếu bạn lỡ cầm túi ny lông, chai nhựa vào trường, tự bạn sẽ thấy mình kỳ dị”.

Hình ảnh học sinh Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng ra về thật đẹp với những phích nước bằng innox, túi sử dụng nhiều lần đủ kiểu. “Nói không với rác thải nhựa” là chuyện mà học sinh trường này đã làm được. Cô Tuyết cho biết thêm: “Không chỉ các em mà phụ huynh, học sinh- sinh viên các trường lân cận cũng làm theo, hạn chế tối đa sản phẩm nhựa một lần”.

11 giờ 30 hàng ngày, nhóm học sinh không vội vã ra về sau giờ tan học mà các em vào “ca trực” phân loại rác. Người thì cầm kẹp gắp từng loại rác, người thì cầm sổ ghi lại trọng lượng, người thì sắp xếp rác phân loại cho vào từng thùng. Dãy thùng rác xếp ngay ngắn với 3 màu khác nhau.

Em Quan Phương Khánh (lớp 10D) vừa vào trường không lâu nhưng khi biết có CLB, Khánh tham gia ngay: “Em tiếp nhận được nhiều điều rất hay từ khi tham gia CLB. Hiểu được tác hại của rác thải nhựa, biết cách phân loại rác, tái chế rác… từ nguyên tắc “bước vào cổng, nói không với rác thải nhựa”, tụi em cũng tập thói quen này khi về nhà, luôn ưu tiên lối sống xanh, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường”.

Từ ý thức về môi trường và mong muốn tìm sản phẩm thay thế ống hút nhựa, Công ty TNHH Thực phẩm Hùng Hậu- làng bột Sa Đéc (Đồng Tháp)- đã cho ra đời ống hút làm từ bột. Ống hút bột gạo được kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm với các chỉ tiêu hóa học, vi sinh.

Có thể sử dụng trong môi trường nước, trà, sữa, cà phê, nước ngọt,... đến 60 phút mà không bị gãy vỡ, chỉ dần mềm đi và ăn được luôn, vị thơm thơm mùi gạo. Ngoài màu trắng từ bột, ống hút có thêm các màu như xanh lá cây chiết xuất từ lá rau dền. Ống màu tím, màu đen được làm từ màu của củ dền và mè đen.

Bắt đầu chưa lâu nhưng việc chuẩn bị hộp, tô hay ly cho vào giỏ nhựa xách đi chợ trở thành thói quen của bà Lê Thị Lý cũng như nhiều phụ nữ trên địa bàn Phường 2 (TP Vĩnh Long). Những vật dụng này nhằm thay túi ny lông trong việc mua thực phẩm tại chợ.

Bà Lý cho biết: “Mỗi ngày mình đi chợ là có cả chục cái túi ny lông. Nếu bỏ thùng rác thì hơn trăm năm mới phân hủy gây ra biến đổi khí hậu nên khi hội phát động “chống rác thải nhựa” thì mấy chị đều đồng lòng hết mỗi người một cái giỏ đi chợ. Khi đi chợ tôi còn đem theo hộp mua đồ ăn, cá, thịt hoặc đem theo ca mua nước chứ không đựng túi ny lông nữa”.

Đến sự vào cuộc của cả cộng đồng

Hưởng ứng phát động của Thủ tướng Chính phủ “Toàn quốc chống rác thải nhựa”, gần đây tại các cuộc họp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Long cũng sử dụng ly, tách bằng sứ, thủy tinh... để thay thế chai nhựa, ống hút sử dụng một lần. Đây là việc làm cụ thể của tỉnh Vĩnh Long hưởng ứng phát động của Thủ tướng Chính phủ “toàn quốc chống rác thải nhựa”, được đông đảo cán bộ đảng viên đồng tỉnh ủng hộ.

Tỉnh Đoàn Vĩnh Long cũng vừa phát động cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên thay đổi thói quen bằng cách sử dụng sản phẩm thủy tinh thay thế sản phẩm nhựa trong các cuộc họp. Hạn chế sử dụng sản phẩm được làm bằng chất liệu nhựa, tích cực tuyên truyền tổ chức các phong trào thi đua, hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa và ny lông. Vận động người thân nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

Nhằm chung tay cùng các cấp, các ngành trong phong trào chống rác thải nhựa, Hội LHPN tỉnh đã phát động phong trào “chống rác thải nhựa” với nhiều hoạt động, mô hình thiết thực. Trong đó, mô hình xách giỏ nhựa đi chợ được hàng ngàn chị em hưởng ứng với 60 mô hình tại khắp các chi- tổ hội trong tỉnh và trên 2.400 giỏ nhựa đã được trao tặng cho hội viên.

Mô hình “nói không với sản phẩm nhựa trong hội nghị” cũng được các cấp Hội phụ nữ thực hiện tốt. Chai nước suối, ống hút nhựa đã được thay bằng ly thủy tinh, tách sứ để phục vụ nước uống cho đại biểu.

Nhựa là nguyên liệu làm ra vật dụng rất tiện lợi cho con người nên nói bỏ ngay nhựa là rất khó. Hiện, chưa có một giải pháp gì thay thế hết được nên việc sử dụng nhựa là việc đương nhiên.

PGS.TS. Nguyễn Hiếu Trung- Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ)- cho rằng: “Rác thải nhựa thải ra ngoài môi trường thường là rác sử dụng một lần như túi ny lông, chai lọ… Muốn giải quyết thì chúng ta cần đi từ gốc của vấn đề. Làm sao để giảm nguồn rác thải ra”.

Vấn đề xử lý rác tái chế từ những vật dụng cao cấp đến loại dễ phân hủy… là lâu dài. Điều nên làm là cần có quy định nghiêm ngặt, tính chi phí xử lý sau khi sử dụng vật dụng nhựa. “Ở một số nước, siêu thị có chỗ thu lại chai nhựa và tính tiền. Nếu ai vứt chai rỗng ra đường thì người đi đường sẽ lượm để đổi thành tiền. Nó tạo thành ý thức thu lại vật dụng nhựa chứ không phải tuyên truyền suông”- PGS.TS. Nguyễn Hiếu Trung nói thêm.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng nhựa và giảm thiểu rác thải nhựa, trước hết, mỗi chúng ta có thể tự ý thức giảm thiểu rác thải nhựa. Hơn thế nữa, hạn chế tác hại rác thải nhựa cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng. Ở tầm vĩ mô, đòi hỏi những chính sách ưu đãi sản phẩm thay thế và chế tài phù hợp với những hành vi xả rác ảnh hưởng môi trường. Vì một hành tinh xanh hãy nói không với rác thải nhựa!

PGS. TS Nguyễn Hiếu Trung

Ở các nước tiên tiến, khi một nhà máy sản xuất ra một món đồ, họ sẽ đưa ra tất cả các chi phí từ khâu vật liệu đầu vào đến khâu sản xuất, phân phối bán sản phẩm và thu gom, tái chế và xử lý vấn đề môi trường. Do đó, thường giá thành sản phẩm ở các nước tiên tiến khá cao, họ sẽ trích một phần tiền đưa thành giải pháp xử lý rác. Nước chúng ta chưa có nên chi phí được sử dụng để giải quyết xử lý rác, các vấn đề môi trường thấp, công nghệ xử lý một cách triệt để thì không đủ, không hấp dẫn được nhà đầu tư để họ làm công việc đó.

TS. Nguyễn Xuân Hoàng

Trước hết phải giảm dần việc cung cấp nhựa, tăng dần sản xuất vật liệu thay thế,... Dùng các vật liệu thay thế cho các dụng cụ, thiết bị bằng nhựa sẽ làm giảm được lượng dùng và thải vật liệu nhựa. Cần có chính sách quốc gia trong việc hạn chế sản xuất nhựa, khuyến khích sản xuất và dùng các loại vật liệu thay thế này”.

Bài, ảnh: CAO THÚY QUYÊN