Về ấp Kỳ Son nghe chuyện nghĩa tình đồng bào Khmer

Cập nhật, 05:26, Thứ Năm, 18/07/2019 (GMT+7)

Đến ấp Kỳ Son (xã Loan Mỹ- Tam Bình) vào một ngày nắng nhẹ, chúng tôi mới cảm nhận được nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer nơi đây. Dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ lẫn nhau của bà con là rất lớn.

Chính sức sống hơn 20 năm của phong trào gây quỹ hỗ trợ tang lễ của bà con nơi đây đã minh chứng cho điều đó.

Anh Thạch Long xúc động khi được hỗ trợ kịp thời từ địa phương.
Anh Thạch Long xúc động khi được hỗ trợ kịp thời từ địa phương.

Thấy khó khăn nên… quyên góp hỗ trợ

Mở đầu câu chuyện về việc vận động đồng bào dân tộc xây dựng phong trào gây quỹ hỗ trợ tang lễ, chú Thạch Phước- Thư ký Hội Hỗ trợ tang lễ ấp Kỳ Son- cho biết: Ấp Kỳ Son có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đông nhất trên địa bàn xã.

Trước năm 1995, kinh tế địa phương chưa phát triển, giao thông nông thôn chưa thuận tiện, đời sống của đồng bào còn gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, khi hộ gia đình có người thân qua đời thì việc lo tang lễ cũng “khó mà xoay xở”. Thậm chí có những hộ nghèo phải đi cầm cố tài sản để lo toan hoàn tất chuyện hậu sự cho người thân.

“Thấy hoàn cảnh khốn khó của đồng bào mình, lúc đó tôi cùng với ông Thạch Mon, Thạch Tén, Thạch Riêng suy nghĩ tìm cách hỗ trợ và đề xuất với Ban nhân dân ấp họp dân để vận động quyên góp quỹ hỗ trợ bà con khi có người trong gia đình mất.

Thế là Hội Hỗ trợ tang lễ ra đời và phong trào gây quỹ được đông đảo bà con đồng tình”- chú Thạch Phước kể lại.

Ban nhân dân ấp Kỳ Son họp triển khai, tổ chức phong trào gây quỹ.
Ban nhân dân ấp Kỳ Son họp triển khai, tổ chức phong trào gây quỹ.

Theo chú Thạch Phước, khi đó mỗi hộ quyên góp 2.000đ và 1 lít gạo. Còn nhớ gia đình đầu tiên có hậu sự, bà con đã thực hiện quyên góp hỗ trợ trên 500.000đ và 13,5 giạ gạo.

Tuy số tiền không lớn nhưng đã giúp gia đình giải quyết được phần nào khó khăn trong việc lo tang lễ. Đây là thành quả bước đầu của tinh thần đoàn kết, nhân ái của đồng bào dân tộc nơi đây.

Qua thời gian, xét thấy việc quyên góp, vận chuyển gạo không mấy thuận tiện cho các thành viên tham gia vận động cộng với đời sống của đồng bào từng bước được phát triển, thế là bà con họp bàn và đồng thuận nâng mức hội phí ủng hộ lên 10.000 đ/hộ rồi 20.000 đ/hộ. Và đến nay tăng lên 30.000 đ/hộ.

“Đồng bào dân tộc đời sống còn chật vật nhưng hầu hết bà con đều đồng tình quyên góp tiền gây quỹ tang lễ, vì đây là việc làm ý nghĩa mà. Như tui nè, mỗi khi được quyên góp là tui ủng hộ liền”- chị Thạch Thị Hương cho hay.

Theo ông Thạch Sô Phát- Bí thư kiêm Trưởng ấp Kỳ Son, đến nay phong trào đã hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cho các hộ gia đình. Và phong trào đã tạo niềm tin trong cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đồng bào cùng nhau đoàn kết giúp nhau vượt qua khó khăn cùng
phát triển.

Ông Thạch Sô Phát chia sẻ, Ban nhân dân ấp Kỳ Son luôn phát huy vai trò trong việc vận động đồng bào tham gia, thường xuyên nắm bắt thông tin, nguyện vọng của đồng bào. Cùng với đó là ghi chép đầy đủ, công khai rõ ràng những kết quả thực hiện được.

Đó chính là “bí quyết” để phong trào được duy trì và hiệu quả ngày càng lan rộng. Và “có được kết quả như hôm nay cũng phải kể đến sự nỗ lực, quyết tâm, đoàn kết của tập thể Ban nhân dân ấp và sự ủng hộ của đồng bào dân tộc”- ông Thạch Sô Phát khẳng định.

Ấm nghĩa tình, thắm lòng nhân ái

Chạy dọc theo con đường đá rồi rẽ vào đoạn đường đất ngoằn nghèo khó đi, chúng tôi tìm đến thăm gia đình anh Thạch Long. Trong căn nhà nhỏ hiu quạnh, anh Long nét mặt đượm buồn cho hay, hoàn cảnh gia đình anh rất khó khăn.

Chị Nguyễn Thị Út sẵn lòng quyên góp tiền gây quỹ hỗ trợ tang lễ.
Chị Nguyễn Thị Út sẵn lòng quyên góp tiền gây quỹ hỗ trợ tang lễ.

Trước kia, cha anh tuổi già “nay ốm mai đau”, còn bản thân anh thì tật nguyền phải đi làm thuê làm mướn để kiếm sống qua ngày. Khi cha anh mất thì “khó lại càng thêm khó hơn”.

Hiểu được hoàn cảnh, Ban nhân dân ấp Kỳ Son và Hội Hỗ trợ tang lễ đã vận động quyên góp hỗ trợ gia đình anh chi phí lo mai táng cho cha. Anh Thạch Long xúc động bày tỏ: “Tôi cảm thấy an ủi và ấm lòng khi được địa phương hỗ trợ kịp thời như thế”.

Thông qua phong trào này, vài năm trước gia đình chị Nguyễn Thị Út cũng được hỗ trợ chi phí gần 10 triệu đồng lo tang lễ cho chồng. Theo chị Út, gia đình có chuyện buồn mà nhận được quan tâm như thế thì thấy an ủi lắm.

Chị Út hiện tại đang nuôi mẹ già, cuộc sống cũng eo hẹp. Thế nhưng chị sẵn lòng quyên góp tiền để cùng Ban nhân dân ấp Kỳ Son san sẻ khó khăn với đồng bào mình khi có hữu sự. Bởi “đây chính là cái nghĩa cái tình bà con với nhau”- chị Út bộc bạch.

Chính vì tình làng nghĩa xóm mà khi địa phương có người qua đời thì các thành viên trong Hội Hỗ trợ tang lễ lại nhiệt tình bắt đầu hành trình đến từng nhà dân quyên góp. Nhất là những mùa mưa, nước lũ đi lại khó khăn nhưng ai cũng nhiệt tình, không ngại vất vả.

Còn đồng bào địa phương thì ngày càng có nhiều người ủng hộ phong trào gây quỹ tang lễ. Nếu như lúc đầu chỉ có hơn 270 hộ tham gia thì nay đã lên đến 350/434 hộ.

Hiện tại, phong trào này không chỉ có đồng bào dân tộc Khmer mà kể cả người Kinh sinh sống trên địa bàn ấp cũng gia nhập. Không dừng lại ở đó, phong trào còn lan tỏa sang những ấp khác có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống trên địa bàn xã.

Phong trào gây quỹ hỗ trợ tang lễ không chỉ là nét văn hóa, nghĩa cử cao đẹp của đồng bào dân tộc Kkmer mà còn gắn kết bà con trong cộng đồng xích lại gần nhau hơn. “Thêm nữa có thể giúp đỡ, sẻ chia cùng đồng bào mình lúc “thắt ngặt nhất” là thấy vui rồi”- cô Thạch Thị Thanh chia sẻ.

Về ấp Kỳ Son nghe kể chuyện 24 năm- một việc làm nghĩa tình, chúng tôi càng thêm quý tấm lòng đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau của đồng bào dân tộc Khmer.

Gần 24 năm, phong trào đã quyên góp hỗ trợ 165 hoàn cảnh với tổng số tiền trên 800 triệu đồng. Ông Thạch Sô Phát nhận định, sức sống của phong trào gây quỹ hỗ trợ tang lễ đã thể hiện được sự quản lý điều hành dân chủ, công khai của Ban nhân dân ấp. Đặc biệt, phong trào này chính là việc làm thiết thực trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ và chăm lo đời sống nhân dân”.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ