Stress- chớ xem thường!

Cập nhật, 10:55, Thứ Bảy, 13/07/2019 (GMT+7)

Trong cuộc sống, nếu mọi người không kiểm soát được căng thẳng, stress thì nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của chúng ta. Do đó để cuộc sống vui tươi và hạnh phúc khỏe mạnh thì chúng ta phải chấm dứt strees.

Đi du lịch là giải pháp giảm stress được nhiều người chọn.
Đi du lịch là giải pháp giảm stress được nhiều người chọn.

Gánh nặng cuộc sống làm tăng bệnh

Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2017, có đến 15% người Việt Nam gặp các vấn đề về rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn stress, tương ứng với trên 10 triệu người. Cuộc sống căng thẳng với đủ thứ lo lắng: kẹt xe, lo đụng xe, lo con học hành, lo công việc, lo tiền bạc,... khiến người ta như bơi trong những tâm trạng không vui.

Điều gì đã làm cho con người ta luôn mệt mỏi, lo lắng, bất an, mất ngủ..., tức là gặp các rối loạn do stress, trầm cảm, lo âu? Theo bác sĩ chuyên khoa II Phạm Văn Diên- Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Long, phần lớn trong đó là gánh nặng cuộc sống và việc chưa tự tin, chưa đủ kiến thức, trải nghiệm để “xử lý” những gập ghềnh gặp phải.

Trong cuộc sống, đôi lúc chúng ta không chịu nổi áp lực công việc, dễ bị stress, sa sút về thể chất, tinh thần. Công việc bận rộn, chồng làm ở Cần Thơ cuối tuần mới về thêm 2 con gái nhỏ nên chị N.H.T. (nhân viên ngân hàng) luôn cảm thấy trong người uể oải, mất ngủ và thường xuyên nhức đầu.

Chị tâm sự: “Cả ngày làm việc rồi. Về nhà các con ngoan thì thôi, con quấy khóc là tôi muốn hết kiên nhẫn, cái đầu nhức ong ong, khó chịu lắm. Dù có người giúp việc, có mẹ phụ hợ nhưng nhiều lúc tôi thấy đuối thật sự”. Chị đến khám chuyên về thần kinh, được bác sĩ chẩn đoán bệnh rối loạn lo âu, phải điều trị và khuyên không nên lạm dụng thuốc an thần để tìm cảm giác bình yên bởi không tốt cho sức khỏe.

Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Văn Diên- Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Long- cho biết, các bệnh thường gặp nhất là: tâm thần phân liệt, rối loạn lo âu, trầm cảm, động kinh, sang chấn do stress, đau đầu, mất ngủ... Và các vấn đề về thần kinh ngoại biên, dây thần kinh số 5, số 7, di chứng tai biến... tất cả các mặt bệnh trên đều gặp trong cuộc sống hiện nay.

Làm gì để giảm stress?

Theo TS Dương Minh Tâm- Trưởng Phòng Điều trị các bệnh liên quan stress, Viện Sức khỏe tâm thần, có 2 thể stress. Một là, stress bệnh lý cấp tính xuất hiện từ tình huống không thể lường trước hoặc những tình huống quá dữ dội đối với chủ thể, như: người thân bị bệnh nặng, bị tấn công, gặp nguy hiểm…

Khi đó, người bệnh có sự hưng phấn quá mức về mặt tâm thần và cơ thể. Hai là, stress bệnh nguyên: bệnh phát sinh từ sức ép trong cuộc sống, công việc, học tập, thất vọng trong sự nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình, xã hội hay thiệt hại về kinh tế khiến nhiều người chịu áp lực nặng nề, luôn có tâm thế phải đối mặt với thách thức, căng thẳng, lo âu.

Trước thực tế đó, stress sinh ra để giúp cơ thể thích nghi. Tuy nhiên cần lưu ý, stress có gây bệnh hay không phụ thuộc nhiều vào sự chống đỡ của nhân cách bản thân mỗi người. Nhân cách không chỉ có vai trò trong gây bệnh mà còn ảnh hưởng đến việc hình thành thể bệnh. Một nhân cách vững mạnh, có lý tưởng, tự nguyện chịu đựng stress thì dù stress có mạnh cũng khó gây bệnh và nếu có bệnh thì cũng dễ khỏi bệnh.

Với người có nhân cách yếu hoặc tính cách chi li, cầu toàn thì có thể mắc bệnh chỉ sau một stress nhẹ và bệnh chậm hồi phục. Những người có cảm xúc không ổn định, lo âu, căng thẳng, né tránh cũng là những nét nhân cách dễ bị tổn thương.

Để chống lại những stress do những áp lực trong cuộc sống hiện đại, các bác sĩ khuyến cáo cách tốt nhất để cuộc sống được thoải mái là tự mỗi người phải biết cân bằng giữa công việc, gia đình và sức khỏe tinh thần của bản thân.

Duy trì cân bằng giữa nghỉ ngơi và làm việc, giữa hoạt động thể dục thể thao và thời gian ngồi im một chỗ, chăm chỉ tập thể dục mỗi buổi sáng, ngủ đủ 8 tiếng/ ngày, chủ động giải quyết vấn đề... là phương pháp giúp bạn giảm stress tạo cân bằng trong cuộc sống.

Cùng với đó cần có lối sống, tư duy tích cực; khi tiếp nhận một thông tin nên nhìn ở hướng mở, hướng vươn lên chứ không nên nhìn theo khía cạnh tiêu cực. Với những gia đình có người thân nhân cách yếu, có tính cầu toàn và hay lo âu thì cần có sự tương trợ từ gia đình để họ có môi trường sống thoái mái và thân thiện.

Trong trường hợp nếu cơ thể đột nhiên xuất hiện triệu chứng mệt mỏi âu lo kéo dài, mất ngủ, khó thở, đau đầu hay các hiện tượng về tim mạch như hồi hộp mà không tìm thấy căn nguyên và triệu chứng, nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa sức khỏe tâm thần để được khám, tư vấn.

Theo bác sĩ Hồ Nhật Quang- Giám đốc Công ty Đào tạo huấn luyện Thân Tâm Trí (TP Cần Thơ), để có tinh thần thoải mái trong cơ thể cường tráng, cần rèn luyện sức khỏe thể chất và cần đặc biệt quan tâm rèn luyện, làm phong phú đời sống tinh thần. Trong đó, bên cạnh luyện tập để thở đúng thì cần cười nhiều, cười đủ để tinh thần thoải mái, sống tích cực. “Hình dung sáng thức dậy chưa có gì để cười nhưng khi đánh răng, nhìn vô gương, nở nụ cười với chính mình- ngay khoảnh khắc đó chúng ta sẽ thấy rất khác”- bác sĩ Hồ Nhật Quang nói.


Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG