Bất an sạt lở

Cập nhật, 07:24, Thứ Ba, 09/07/2019 (GMT+7)

Sạt lở bờ sông đã và đang diễn biến ngày càng phức tạp, nhất là vào mùa mưa, đe dọa đời sống của rất nhiều hộ dân. Nhiều diện tích đất, tài sản cũng đã bị “nuốt trôi”. Điều này gây ra nỗi lo lắng, bất an cho người dân.

Điểm sạt lở bờ sông tại xã Đông Thành (TX Bình Minh) khiến cho đường đan bị hư hỏng nặng.
Điểm sạt lở bờ sông tại xã Đông Thành (TX Bình Minh) khiến cho đường đan bị hư hỏng nặng.

Theo nhận định của ngành chức năng, những năm gần đây tình hình sạt lở diễn ra ở mức độ ngày càng cao, mức độ có dấu hiệu ngày càng nguy hiểm hơn. Nguyên nhân là do sự thay đổi dòng chảy bên cạnh sự tác động của thời tiết mưa to gió lớn. Thêm vào đó, số hộ xây nhà ven sông ngày càng nhiều, các ngôi nhà được gia công cốt thép nên rất nặng, dễ xảy ra sạt lở khi mưa xuống.

Bị sạt lở trước cửa nhà một đoạn dài gần 20m, xâm thực sâu vào bên trong khoảng 5m, chị Phạm Thị Thu Sương (ấp Đông Hòa 1, xã Đông Thành- TX Bình Minh) kể lại: Đoạn này mới sạt lở mấy ngày nay.

Đoạn này ban ngày có nhiều xe đi qua nhưng may là sạt lở xảy ra vào buổi tối nên không có xe cộ qua lại. Bữa đó, tôi ở trong nhà nghe đổ ầm xuống sông. Tôi ra xem thì hết hồn, mấy miếng đan bị trôi xuống sông, vết nứt thì vào đến sân nhà tôi. Lo quá, vì giờ mới vào mùa mưa, sắp tới nước lên có thể sạt lở nhiều hơn.

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Vân (ấp Thuận Thành A, xã Thuận An- TX Bình Minh) cũng đang rất lo lắng về đoạn sạt lở hơn 60m trước nhà. Đoạn sạt lở này đã bị sạt lở 2 lần, hiện phần sạt ăn sâu vào bờ 3- 6m, ảnh hưởng đến 6 hộ dân. Trong đó, hộ của ông Vân bị ảnh hưởng và thiệt hại nhiều nhất.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trong tháng 6, toàn tỉnh đã xảy ra 29 điểm sạt lở trong nội đồng và sông chính, làm mất 565m bờ sông, kinh, rạch và các công trình đê bao, đường giao thông nông thôn. Nếu tính từ đầu năm thì sạt lở đã xảy ra 117 điểm, với tổng chiều dài 3.364m, ảnh hưởng 282 hộ dân, ước thiệt hại trên 3 tỷ đồng. Đến nay, đã hỗ trợ trên 2,8 tỷ đồng từ quỹ phòng chống thiên tai tỉnh và ngân sách huyện để khắc phục sự cố.

Theo ông Nguyễn Việt Nghĩa- Trưởng Phòng Quản lý thiên tai và đê điều thuộc Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp- PTNT), đây là tuyến đường giao thông liên ấp, có nhiều xe cộ qua lại. Nguyên nhân sơ bộ gây ra sạt lở là do dòng chảy sông Mỹ Thuận tác động vào, gây áp lực lớn, dòng nước xoáy vào bờ.

Trong mùa mưa này, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều điểm sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt người dân. Theo ghi nhận của phóng viên tại một số địa phương, tình trạng sạt lở cũng xảy ra nhiều, trong đó có một số đoạn đang trong quá trình gia cố, khắc phục thì tiếp tục sạt lở.

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Bình Tân, tình hình sạt lở trong thời gian qua ngày càng nhiều và nghiêm trọng hơn, nhưng huyện chưa đủ kinh phí khắc phục kịp thời. Thời gian tới, phòng sẽ lập hồ sơ đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí di dời nhà kịp thời khi phát sinh.

Đồng thời, nhắc nhở các xã ven các sông, kinh, rạch lớn thường xuyên kiểm tra tình hình sạt lở để vận động nhân dân di dời kịp thời, đảm bảo an toàn cho dân, tranh thủ các nguồn kinh phí để xử lý các đoạn sạt lở.

Còn tại Mang Thít, theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện, 6 tháng đầu năm, huyện được tỉnh đầu tư 3 công trình thủy lợi, gồm hệ thống thủy lợi Cái Sao- Chánh Thuận (đang thi công đạt khoảng 80% khối lượng), đê bao sông Măng Thít giai đoạn 2 (đang triển khai thi công các hạng mục kè, cống hở), hệ thống thủy lợi sông số 9- Vòi Voi (đang lập dự án đầu tư, dự kiến triển khai thi công vào cuối năm 2019).

Huyện đầu tư thực hiện 4 danh mục công trình với tổng chiều dài 10km, kinh phí 5 tỷ đồng; đồng thời triển khai thực hiện 4 danh mục công trình gia cố khắc phục sạt lở đê bao với tổng chiều dài 210m, kinh phí 492 triệu đồng.

Ngoài ra, bằng nhiều nguồn vốn các xã đã thực hiện được 12 danh mục công trình thủy lợi nội đồng với tổng chiều dài 6.159m, khối lượng 13.240m3, kinh phí khoảng 202,5 triệu đồng.

Sạt lở làm gián đoạn giao thông.
Sạt lở làm gián đoạn giao thông.

Để khắc phục tình trạng sạt lở ở một số nơi, địa phương đã triển khai xây dựng các loại kè bằng vật liệu địa phương, kè bản nhựa, kè rọ đá, kè tường mềm giảm sóng để khắc phục sạt lở song đa phần đây là những công trình gia cố tạm ở những nơi đặc biệt xung yếu. Nguyên nhân của vấn đề này là bởi nguồn lực của địa phương không đảm bảo.

Theo ngành chức năng, khi xảy ra sạt lở, các địa phương đã nhanh chóng có phương án sắp xếp ổn định cuộc sống cho người dân khu vực bị ảnh hưởng, trong đó chú ý các hộ hiện chưa có chỗ ở ổn định.

Địa phương chủ động cấm phương tiện tải trọng lớn đi qua các đoạn sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở cao, cắm biển báo sạt lở và hướng dẫn tuyến đường thay thế để bảo đảm giao thông thông suốt.

Đồng thời, ngành chuyên môn tiếp tục theo dõi, quan trắc các đoạn sông sạt lở, kịp thời thông báo, cảnh báo đến chính quyền địa phương và người dân để chủ động phòng tránh, di dời đến nơi an toàn.

Mới đây, UBND tỉnh ban hành quyết định công bố mức độ sạt lở nguy hiểm khẩn cấp hai bên bờ sông Long Hồ (từ cầu Bạch Đằng đến cầu Chợ Cua) khu vực TP Vĩnh Long. Tính riêng khu vực chợ cá (Phường 1), đã có trên 20 hộ dân với khoảng 100 nhân khẩu và hầu hết các ngôi nhà trong khu vực này đều xảy ra tình trạng nứt tường, nền nhà bị lún, nhà bị nghiêng, lệch về phía bờ sông một góc khá lớn.

 

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN- LÊ SƠN