Dạy nghề lao động nữ nông thôn: vẫn còn bất cập

Cập nhật, 05:28, Thứ Năm, 05/10/2017 (GMT+7)

Những năm qua, công tác dạy nghề lao động nữ nông thôn đạt được những kết quả tích cực, các lớp học nghề được tổ chức linh hoạt phù hợp với điều kiện cụ thể của từng ngành nghề và từng đối tượng khác nhau.

Kết quả, tỷ lệ lao động nông thôn sau học nghề có việc làm phù hợp đạt trên 80%. Tuy vậy, vẫn còn những khó khăn, bất cập.

Mẫu mã hàng hóa thay đổi liên tục gây khó khăn cho lao động nông thôn.
Mẫu mã hàng hóa thay đổi liên tục gây khó khăn cho lao động nông thôn.

Hiệu quả nhưng chưa bền vững

Các cấp hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) trong tỉnh trong 6 tháng năm 2017 đã tăng cường công tác phối hợp mở được 56 lớp dạy nghề tiểu thủ công nghiệp, nữ công gia chánh, có 1.257 chị tham gia; tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động và giải quyết việc làm tại chỗ cho 2.981 lao động.

Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội mở 2 lớp may công nghiệp, có 60 lao động tham gia.

Phối hợp với các phòng nông nghiệp- PTNT tổ chức 6 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho gần 200 hội viên, phụ nữ tham gia.

Qua đó, nhiều chị em mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, luân canh rau màu xuống ruộng trên 212ha.

Vận động thành lập mới 7 tổ hợp tác chăn nuôi, may mặc, tiểu thủ công nghiệp và 1 hợp tác xã, 1 làng nghề tiểu thủ công nghiệp với 311 thành viên và lao động.

Nhìn chung, đã giúp cho nhiều lao động nữ nông thôn có việc làm, thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Tuy nhiên, đa số lao động nữ nông thôn làm công việc nội trợ, lứa tuổi trung niên, có trình độ học vấn thấp, do đó ảnh hưởng lớn đến tâm lý và thời gian tham gia học nghề.

Mặt khác, các ngành nghề đào tạo cho lao động nữ nông thôn chủ yếu là thủ công mỹ nghệ, nông nghiệp hoặc các nghề đơn giản để có việc làm dưới hình thức là việc làm phụ lúc nông nhàn hay sau việc gia đình, do đó ảnh hưởng rất lớn đến năng suất lao động và thu nhập theo ngành nghề được học.

Một số bộ phận lao động nữ nông thôn trẻ lại có nhu cầu tìm việc tại các doanh nghiệp, các khu đô thị lớn hay phục vụ nhà hàng, quán ăn để có thu nhập cao đủ nuôi gia đình, vì vậy đa số vẫn là lao động phổ thông chưa qua đào tạo, chưa có nhu cầu học nghề để kiếm việc làm ổn định, thu nhập cao hơn.

Ngoài ra, các ngành nghề đào tạo không đa dạng theo mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương và của tỉnh. Nhiều trung tâm dạy nghề ở địa phương lại thiếu giáo viên gây khó khăn cho công tác giảng dạy.

Bà Phạm Thị Cẩm Hường- Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Long (Mang Thít)- cho biết, đa số các chị ở nông thôn đều phải làm việc nội trợ gia đình, có con nhỏ nên việc tập hợp các chị học nghề cũng gặp khó khăn, phải sắp xếp thời gian theo yêu cầu để các chị có thể tham gia đầy đủ.

Nhiều chị học xong thì nhận sản phẩm làm tại Trung tâm Đan thủ công mỹ nghệ ở xã, thu nhập từ 1,2- 1,8 triệu đồng/tháng, cũng có nhiều chị học nghề xong bỏ luôn vì công việc khó mà thu nhập lại thấp.

Bà Phan Kim Quyên- Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh- cho biết: Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2015 thì Trung tâm Dạy nghề của Hội LHPN tỉnh không đáp ứng được nhu cầu về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực nên có hạn chế trong việc cấp chứng chỉ nghề.

Điều này cũng ảnh hưởng việc đào tạo nghề cho lao động nữ. Còn ở các địa phương, việc dạy nghề tại chỗ theo nhu cầu sản phẩm của các công ty thì cũng gặp cái khó là do trình độ nhận thức của các chị còn hạn chế, các mặt hàng thì đòi hỏi kỹ thuật cao lại thay đổi mẫu mã liên tục nên các chị chán nản, bỏ cuộc.

Tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức

Theo báo cáo của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội về công tác đào tạo nghề, hướng tới, Hội LHPN tỉnh và các ngành, các cấp cần tăng cường đổi mới phương thức tổ chức tuyên truyền vận động lao động nông thôn học nghề.

Phải chú trọng thực hiện tốt công tác tư vấn nghề nghiệp, vị trí việc làm, thông báo mức thu nhập, phương thức tổ chức sản xuất để lao động nữ tự lựa chọn ngành nghề học phù hợp với nhu cầu bản thân, đảm bảo sự tích cực, chuyên tâm theo học để có việc làm ổn định.

Phải tăng cường sự phối hợp giữa các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, HTX và chính quyền địa phương để đảm bảo việc làm và quyền lợi cho người lao động.

Đối với các trung tâm dạy nghề, cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị, nhân lực để tổ chức hiệu quả các lớp đào tạo nghề; khuyến khích, thu hút giáo viên dạy nghề, thợ lành nghề, kỹ thuật viên giỏi hỗ trợ đào tạo.

Bà Phạm Thị Tơ- Giám đốc HTX Thủ công Mỹ nghệ Quyết Thắng (Bình Ninh- Tam Bình) cho biết thêm, không thể phủ nhận nhiều năm qua công tác dạy nghề lao động nữ nông thôn theo nhu cầu công việc tại địa phương đã giải quyết được nhiều lao động có việc làm cải thiện cuộc sống.

Nhưng bên cạnh cũng gặp không ít khó khăn về thời gian, về trình độ của các chị còn thấp nên gặp nhiều hạn chế trong việc tiếp nhận kỹ thuật cao, đòi hỏi sự tỉ mỉ khéo léo, mẫu mã lại thay đổi liên tục, khi vừa làm khá tốt được sản phẩm này thì công ty đã thay đổi mẫu khác, khiến các chị nản, làm không đạt chất lượng, sản phẩm bị trả lại.

Nhiều chị bỏ sang làm việc khác đơn giản mà thu nhập lại cao như phụ hồ, làm ruộng làm vườn thuê, dù không ổn định.

HTX sẽ có hướng giải quyết bằng cách thuê thợ giỏi chuyên môn kỹ thuật đến chỉnh sửa hàng cho các chị, động viên khuyến khích để các chị yên tâm làm việc.

Cũng theo báo cáo của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn 2017- 2020 tới, các ngành, các cấp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tư vấn hướng nghiệp bằng các hình thức đa dạng, đặc biệt chú trọng đối tượng học sinh bỏ học, lao động thuộc hộ nghèo; phải khéo léo tuyên truyền mạnh để các đối tượng này thay đổi được nhận thức, tham gia học nghề.

Phải thiết lập được hệ thống thông tin cung- cầu, dự báo thị trường lao động để có kế hoạch điều chỉnh cơ cấu, ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp.

Tăng cường đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn theo hình thức lưu động tại các vùng chuyên canh, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phối hợp tốt với doanh nghiệp, tạo điều kiện thực hành trực tiếp trong quy trình sản xuất thực tế để lao động tiếp thu, nắm được kỹ thuật.

Bài, ảnh: HẢI YẾN