Cần chuyển đổi để dạy nghề hiệu quả hơn

Cập nhật, 05:05, Thứ Năm, 01/12/2016 (GMT+7)

Đầu tư cho lao động nông thôn chuyển đổi ngành nghề là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, để đào tạo nghề hiệu quả, cần thay đổi cơ chế, lựa chọn ngành nghề phù hợp với nhu cầu và thị trường lao động, gắn với giải quyết việc làm.

Người lao động cần có việc làm và thu nhập ổn định sau đào tạo.
Người lao động cần có việc làm và thu nhập ổn định sau đào tạo.

Chưa mặn mà học nghề

Không ruộng vườn và không việc làm ổn định, chị Nguyễn Thị Ánh Loan (ấp Cái Cạn 1, xã Mỹ Phước- Mang Thít) được dạy nghề đan lục bình. Lúc rảnh, anh Khung Văn Suồnh- chồng chị Loan- cùng làm để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, công việc còn mới mẻ, chưa quen tay, nên chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng mỗi ngày.

Chị Nguyễn Thị Bé Chính- Trưởng Ban Công tác Mặt trận ấp cho biết: Năm nay, địa phương mở lớp dạy đan lục bình cho 16 người, nhưng chỉ có 6 người theo nghề. Đây là nghề phụ- chỉ làm lúc rảnh, thu nhập 20.000- 40.000 đồng/người/ngày. Năm trước, học viên cũng làm được một thời gian rồi nghỉ do thiếu nguồn hàng.

Trước đây, người dân xã Mỹ Phước chủ yếu làm tại cơ sở tiểu thủ công nghiệp. Sau đó, do không có điều kiện chuyển đổi công nghệ mới, nên không bám trụ được, nhiều lao động lại thiếu việc làm.

Ông Hồ Phước Dư- Chủ tịch UBND xã nhận định: Làm hàng gia công thu nhập thấp nên chưa thu hút người học. Bên cạnh, chương trình học dài và khó tiếp thu, giáo viên truyền đạt nhiều khi không tạo hứng khởi và người dân cũng chưa ý thức, chưa quan tâm học nghề...

“Lao động khuân vác tại cơ sở gạch gốm thu nhập 200.000- 300.000 đ/ngày, so với gia công đan đát thì có sự chênh lệch lớn.

Trước mắt chỉ tập trung mở lớp dạy nghề cho những người làm nội trợ, người cao tuổi tranh thủ làm lúc rảnh để kiếm thêm thu nhập”- Bí thư Đảng ủy xã- Nguyễn Văn Hoàng cho biết.

Năm 2015, kinh phí đào tạo nghề do tỉnh cấp về cho huyện Bình Tân là 450 triệu đồng, nhưng thực hiện chưa đến 50%.

Năm 2016, kinh phí được cấp là 199 triệu đồng nhưng đến nay chỉ mới sử dụng 80 triệu đồng, một phần nhờ được các doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí, mặt khác là không tổ chức được lớp dạy nghề do người lao động không mấy mặn mà. Cụ thể, xã Tân Bình có 4 tổ lặt hành lá thu nhập 100.000 đồng/người/ngày.

“Lao động nông nghiệp thu nhập tương đối cao, trong khi nhiều người sau học nghề lại không có việc làm hoặc công việc không ổn định, thu nhập thấp, nên không thu hút NLĐ học nghề”- ông Đinh Bá Khánh Toàn- Phó Chủ tịch UBND xã lý giải.

Ông Đặng Văn Toàn- Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện cho rằng: Nếu không tính toán kỹ, sẽ có trường hợp học nghề sửa máy vi tính xong chỉ để... sửa máy cho mình.

Học nấu ăn rồi chỉ có nấu ăn ở nhà. Thực hiện đề án đào tạo nghề cũng là góp phần hỗ trợ địa phương xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên, sau khi đạt hầu như các xã đã “thỏa mãn”, đến nay chỉ có vài xã đăng ký mở lớp.

Hiện, trung tâm không có giáo viên cơ hữu, chỉ hợp đồng và mời thỉnh giảng, nên việc biên soạn giáo trình là rất khó để thực hiện theo đúng Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Theo thống kê, toàn huyện có 18.360 người trong tuổi thanh niên, trừ đi số làm ăn xa và học sinh, sinh viên, còn gần 10.200 người, trong đó, chỉ khoảng 70% thanh niên có việc làm.

Anh Thái Vĩnh Bảo- Bí thư Huyện Đoàn nhận định: Cơ chế tổ chức lớp học còn nhiều vướng ngại, thanh niên có nhu cầu đăng ký học nghề thì không đủ tổ chức, điều kiện phục vụ địa phương không phù hợp và đào tạo nghề chưa gắn với việc làm. Trước đây, Huyện Đoàn có phối hợp mở lớp sửa xe gắn máy.

Thanh niên vừa làm, vừa học, tự nuôi sống bản thân, có thu nhập từ sửa xe trực tiếp và có xe để thực hành luôn. Tuy nhiên, sau đào tạo chỉ có một số em được hỗ trợ vay vốn để ra nghề.

Ông Trần Thanh Lâm- Phó Chủ tịch UBND huyện nhận định, lao động Bình Tân làm nông nghiệp là chính, trình độ dân trí chưa cao, nên khả năng tiếp thu kiến thức, nắm bắt kỹ năng nghề còn hạn chế, người học không theo hết khóa vẫn nhiều.

Hiệu quả giải quyết việc làm sau đào tạo nghề còn thấp, chỉ mang tính chất thời vụ, chưa bền vững. Nhu cầu vay vốn sau học nghề để phát triển nghề rất nhiều nhưng khó tiếp cận.

Cần thay đổi để tạo sức hút

Đầu năm đến nay, huyện Mang Thít có 432 lao động qua đào tạo nghề được giới thiệu việc làm. Đối với lớp chăn nuôi bò, nếu không có bò nuôi thì sẽ được hỗ trợ vay vốn. Học viên lớp công nhân xây dựng cũng có việc làm ổn định, thu nhập 180.000- 200.000 đồng/người/ngày.

Nghề gia công may găng tay thể thao giúp chị Ngô Thị Bé Hồng (bìa trái) có thu nhập khá.
Nghề gia công may găng tay thể thao giúp chị Ngô Thị Bé Hồng (bìa trái) có thu nhập khá.

Gần đây, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục Thường xuyên huyện Bình Tân phối hợp với Công ty May Phước Thới (huyện Ô Môn- TP Cần Thơ) mở lớp dạy nghề và giải quyết việc làm cho trên 100 lao động.

Ông Đặng Văn Toàn cho biết: Đây là lần đầu tiên trung tâm phối hợp tổ chức đào tạo theo địa chỉ, được công ty hỗ trợ kinh phí dạy nghề và nhận vào làm việc với thu nhập ổn định.

Để dạy nghề hiệu quả hơn, chị Nguyễn Thị Bé Chính đề xuất: Khi mở lớp đan lục bình thì nên dạy ngắn gọn lại vì dạy cùng lúc nhiều mẫu quá sẽ dễ bị... rối. Bên cạnh, người quản lý lớp học cũng cần tạo tâm lý thoải mái cho học viên dễ tiếp thu.

Ông Nguyễn Văn Hoàng cho rằng, nên chọn những nghề giải quyết được lao động như: cơ khí, điện dân dụng, sửa xe. Cụ thể, nghề sửa xe sẽ đáp ứng nhu cầu và tạo thu nhập nhiều vì mỗi nhà có 1- 2 xe, đường sá nông thôn không thuận tiện, xe… dễ hư.

Ông Nguyễn Minh Luyến- Phó trưởng Phòng Dạy nghề (Sở LĐ- TB và XH) cho rằng: Khi mở lớp cần linh hoạt về thời gian. Cụ thể, vừa rồi huyện Mang Thít mở lớp học thợ hồ, chủ yếu học lý thuyết vào ban đêm, ngày nào không đi làm thì cho thực hành.

Quan trọng là phải nghiên cứu phương pháp triển khai cho hiệu quả và kiên quyết không dạy nghề khi không dự báo được đầu ra và thu nhập.

Qua giám sát việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ông Nguyễn Văn Nhỏ- Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh lưu ý, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân có ý thức khi học nghề và mở lớp dạy nghề phù hợp; quan tâm dạy nghề xuất khẩu lao động; dạy nghề theo địa chỉ.

Bên cạnh, trung tâm cần phối hợp với các trường THCS tổ chức vừa học nghề vừa học chữ, sẽ giải quyết cơ bản vấn đề việc làm.

Đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho gần 22.900 lượt người, đạt 74,1% so chỉ tiêu UBND tỉnh giao, giải quyết việc làm mới cho hơn 20.500 lao động. Trong đó, giới thiệu việc làm cho các doanh nghiệp trong tỉnh hơn 7.400 lao động, sàn giao dịch việc làm gần 620 lao động, xuất khẩu hơn 620 lao động, chương trình giải quyết việc làm gần 790 lao động.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI