Mẹ là ánh sáng soi đường

Cập nhật, 07:50, Thứ Sáu, 30/01/2015 (GMT+7)

Chiến tranh đã lùi xa gần 4 thập kỷ, vết thương trên thịt da đã lành theo năm tháng, nhưng vết thương lòng của những người mẹ vẫn còn nặng mang. Những người chồng, người con của mẹ đã ra đi vĩnh viễn để bảo vệ hòa bình, độc lập tự do cho dân tộc.

Vinh quang và nỗi đau của những Bà mẹ Việt Nam anh hùng khiến thế giới kinh ngạc và khâm phục. Khi non sông hòa bình cũng là lúc hình ảnh mẹ đã đi vào huyền thoại. Những cống hiến, hy sinh thầm lặng của các mẹ mãi là ánh sáng soi đường cho bước con đi.

Tiễn chồng con lên đường bảo vệ non sông

Thời gian có thể giúp xóa nhòa được nhiều thứ, nhưng hơn nửa thế kỷ qua, mẹ Nguyễn Thị Năm (90 tuổi, ở ấp Nhất B, xã Chánh Hội- Mang Thít) vẫn không nguôi sầu nhớ về 2 người con của mẹ là anh Đặng Hồng Em và anh Đặng Văn Liêm.

Chiến tranh đã lùi xa, mẹ Nguyễn Thị Năm (bìa trái) vẫn không nguôi nhớ về các con.

Hưởng ứng lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, các anh đã lên đường cầm súng chống giặc Mỹ xâm lược, để lại sau lưng là nỗi nhớ mong, âu lo của người mẹ.

Và rồi, mẹ lại phải nén nỗi đau vào tim khi được tin các anh mãi mãi không trở về. “Thằng Em đi không bao lâu thì thằng Liêm cũng đi, rồi biệt tin luôn...”- dòng nước mắt cứ chực trào tuôn khi mẹ nhắc về các anh.

Nỗi lo của mẹ rồi cũng đến, chiến dịch Mậu Thân năm 1968, trong khoảng thời gian chưa đầy 2 tháng, mẹ lần lượt nhận tin báo tử của 2 người con trai và em chồng của mẹ. “Thằng Liêm lúc mới chết, thân xác còn nguyên vẹn, sau đó thì bị máy bay bỏ bom nên mất xác luôn”- quệt những giọt nước mắt, mẹ sụt sùi kể- “lúc đó đau buồn lắm, muốn đi tìm xác con mà cũng chẳng biết đi đâu...”

Tay run run cầm cơi trầu, ánh mắt nhìn xa xăm như cố nén dòng lệ, mẹ nói: “Mẹ già rồi, được Đảng và Nhà nước quan tâm, mẹ mừng lắm, nhưng mẹ cũng buồn tủi lắm vì các con của mẹ không còn”.

Thời chiến, mẹ Trần Thị Mum (trái) ủng hộ chồng con đi giết giặc. Thời bình mẹ tăng gia sản xuất, nuôi dạy con cháu nên người.

Nhìn dáng gầy, nhỏ nhắn của mẹ Trần Thị Mum (ấp Bình Ninh, xã Ngãi Tứ- Tam Bình), thật thương biết bao. Người mẹ 84 tuổi này đã có hơn 4 thập kỷ chịu đựng nỗi đau quá lớn vì tiễn chồng con đi rồi lại khóc chồng con.

Không cam chịu trước cảnh nước mất, nhà tan, chồng mẹ- ông Nguyễn Văn Hai- đã tham gia làm du kích xã rồi bị giặc bắn chết. “Lúc đó, thằng út chỉ mới 5 tuổi”- mẹ kể khi những giọt lệ nhòa đôi mắt- “Để trả “thù nước, nợ nhà”, con trai lớn của mẹ (liệt sĩ Nguyễn Văn Ba Nhỏ) khi đó mới 17 tuổi đã xin đi theo cách mạng, mẹ cũng gật đầu cho đi để nó thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của người con đối với cha, của người dân yêu nước đối với non sông. Đâu ngờ, 2 năm sau, mẹ phải chịu cảnh người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”.

Trong một trận đánh vào hậu cứ An Hòa (xã Bình Ninh- Tam Bình), anh Ba Nhỏ đã hy sinh. Không khí đau thương bao trùm lên gia đình nhỏ, “thằng út lúc đó khóc nức nở vì kêu mãi mà anh nó không dậy với vết thương hằn sâu trong ngực ướt đẫm màu máu đỏ”- mẹ kể.

Lúc đó, mẹ như chết lịm đi khi nhìn thấy xác con. Nỗi đau như xé lòng làm tan nát trái tim mẹ. Tài sản lớn nhất trong đời mẹ là gia đình, nhưng chồng và con trai của mẹ đã lần lượt ra đi về cõi vĩnh hằng.

Mẹ là người anh hùng trên đất nước anh hùng

Năm 1949, khi mới 19 tuổi, mẹ Phùng Thị Nô (quê ở Ấp 9A, xã An Trường, huyện Càng Long- Trà Vinh) theo chồng về ấp Hiếu Hòa B (xã Hiếu Nhơn- Vũng Liêm). Cũng kể từ đó, mẹ đã thức trắng nhiều đêm cùng gia đình chồng hì hục đào những căn hầm bí mật quanh vườn nhà làm cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng.

Ở tuổi 85, hàng ngày, mẹ Phùng Thị Nô (trái) vẫn chặt củi và làm việc nhà. Với mẹ, lao động là rèn luyện sức khỏe.

Chồng mẹ- ông Nguyễn Văn Cảnh, khi mới 15 tuổi đã theo đội Thanh niên Tiền Phong. Sau đó, tham gia cướp chính quyền huyện Vũng Liêm và làm bộ đội Cộng hòa Vệ binh. Còn mẹ thì làm giao liên cho cơ quan Huyện ủy Vũng Liêm rồi làm công tác phụ nữ và tổ Đảng.

Mẹ đã chuẩn bị sẵn tâm lý vì biết “chiến tranh là đau thương, mất mát”. Và rồi, cái ngày định mệnh cũng đến, mẹ bàng hoàng nhận xác chồng với đầu lìa khỏi cổ. Bọn cướp nước đã nhẫn tâm giết chồng mẹ rồi đem xác tới tận nhà. Nén nỗi đau vào tim, mẹ nuốt nước mắt ngược vào lòng, mặt mẹ lạnh như tờ, vờ như không thân thiết...

Kể đến đây, giọng mẹ chùng xuống, ánh mắt hướng về phía xa xăm... Mẹ trở thành góa phụ ở cái tuổi 33, một tay mẹ nuôi nấng 6 người con và dạy các con tiếp bước đi theo con đường cách mạng.

9 năm sau, một lần nữa mẹ cố nén đau thương, ngăn những dòng lệ khi hay tin con trai của mẹ là anh Nguyễn Văn Vẹn đã hy sinh khi đánh vào hậu cứ An Hòa. Mẹ kể, được rèn luyện và trưởng thành trong kháng chiến nên mẹ đã tập cho mình sự cứng rắn.

Trước đau thương, người ta thường khóc để nhẹ vơi nỗi đau, còn với mẹ, 2 lần mất chồng, mất con, mẹ đều phải ngăn đi dòng lệ, cố nén đau thương...

Gạt nước mắt, mẹ động viên các con một lòng theo cách mạng chiến đấu giải phóng quê hương. Nhiều lần, mẹ bị địch bắt tù đày, trước những trận đòn tra tấn dã man, cũng ngần ấy lần mẹ giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản, quyết không khai nữa lời để bảo vệ bí mật tuyệt đối cho đồng đội, cho
đơn vị.

Hòa bình, mẹ và chồng vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất. 5 người con còn lại của mẹ đều là thương binh, cựu chiến binh và người tù kháng chiến.

Một đời sống vì lý tưởng cách mạng, thủ tiết thờ chồng, dạy con tiếp nối truyền thống gia đình. Đến tuổi xế chiều, mẹ gắn bó bên mảnh vườn, thửa ruộng, dạy con tiếp tục xây dựng quê hương. Chồng con của mẹ hy sinh vì nước, vì dân cũng là để cho quê hương yên bình, no ấm. Đau thương, buồn tủi nhưng mẹ cũng rất tự hào.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI