Giúp nhau từ những đồng vốn nghĩa tình

Cập nhật, 13:25, Thứ Sáu, 28/02/2014 (GMT+7)

Phong trào hỗ trợ phụ nữ (PN) phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm và đạt hiệu quả cao của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh. Các cấp hội đã tổ chức nhiều mô hình tiết kiệm đa dạng hình thức giúp chị em PN nghèo có vốn sản xuất, mua bán, phát triển kinh tế.

Trong đó, mô hình hùn lúa xoay vòng của Chi hội PN ấp Vĩnh Tiến (xã Hựu Thành- Trà Ôn) được xem là mô hình tiết kiệm nổi bật giúp nhiều PN nghèo cải thiện cuộc sống.

Mỗi đợt bốc thăm nhận vốn như một ngày hội, các chị vui mừng nói cười sinh hoạt cùng nhau.

Nhiều cách làm hay

Xác định việc hỗ trợ PN phát triển kinh tế là mục tiêu quan trọng, sau khi tiến hành khảo sát số hộ PN nghèo và hộ nghèo do PN làm chủ hộ, các cấp hội PN đã xây dựng kế hoạch giúp đỡ hộ nghèo theo địa bàn dân cư, bằng nhiều hình thức như: vận động vốn từ các chương trình, dự án để giúp đỡ hộ nghèo, thành lập đa dạng các tổ giúp nhau phát triển kinh tế.

Đồng thời, tập trung tuyên truyền, vận động, xây dựng ý thức tiết kiệm trong cán bộ, hội viên PN thông qua sinh hoạt tổ, nhóm, CLB, hướng dẫn chị em biết cách quản lý chi tiêu và thực hành tiết kiệm trong gia đình, tạo nguồn vốn phát triển sản xuất.

Bên cạnh đó cũng thực hiện đa dạng hóa các hình thức tiết kiệm như thành lập các tổ góp vốn xoay vòng, vận động chị em khá giúp chị em nghèo với hình thức cho mượn vốn không tính lãi, cho vay lãi suất thấp, cho mượn cây giống, con giống, ngày công lao động...

Trong năm 2013, các cấp hội thành lập được 1.930 tổ tiết kiệm tại chi- tổ hội, với số tiền trên 15,5 tỷ đồng.

Nổi bật như mô hình hùn lúa của Chi hội PN ấp Vĩnh Tiến đã duy trì gần 15 năm qua, đã giúp cho nhiều chị em có nguồn vốn sản xuất, chăn nuôi, mua bán nhỏ và sắm sửa vật dụng trong gia đình cải thiện cuộc sống. Toàn ấp Vĩnh Tiến hiện có 5 tổ hùn lúa, mỗi tổ có từ 18- 22 thành viên tham gia.

Tính trung bình, mỗi giạ lúa được quy ra thành tiền là 100.000 đ/giạ. Mỗi người có thể hùn 5- 10 giạ tùy theo “chưng hụi”, số tiền từ 500.000- 1.000.000 đ/vụ.

Cứ mỗi vụ lúa (khoảng 3,5 tháng) gom vốn một lần, giúp cho một người nhận. Mỗi đợt hùn vốn theo vụ lúa như vậy có thể kéo dài vài năm, tuy vậy các chị rất hào hứng ủng hộ cách làm này vì mỗi đợt lúa có thể trích ra một số tiền coi như để dành, đến đợt nhận vốn cũng được số tiền kha khá có vốn làm ăn.

Hùn lúa phát triển kinh tế

Bà Đặng Thị Mười (52 tuổi, ấp Vĩnh Tiến), nhận tiền hùn lúa vào năm 2011 được 7,5 triệu đồng. Số tiền này bà dùng để mua thức ăn nuôi heo, mới bán 3 con được 15 triệu đồng, xoay vòng vẫn còn vốn.

Tháng 1/2014 vừa qua, bà may mắn bắt trúng thăm nhận được gần 12 triệu đồng, thế là có tiền mướn nhân công lên liếp trồng cam và mua cây giống. “Số tiền nhận được đã mướn nhân công và mua cây giống là hết luôn, còn tiền phân thuốc và công chăm sóc để tính sau. Có được số tiền này là mừng lắm rồi chứ nếu không thì biết đến bao giờ mới làm được”- bà Mười vui mừng khoe.

Chị Bùi Thị Kim Oanh tiếp lời: “Vừa qua, nhận vốn được 13 triệu đồng, tôi nuôi bò đực lấy thịt, khoảng 5 tháng cho xuất chuồng, bán được hơn 17 triệu đồng. Tôi lại bắt con nghé 12,5 triệu đồng, xuất chuồng bán được 19 triệu đồng. Tôi tham gia 4- 5 chân vốn xoay vòng vì thấy khá an toàn so với chơi hụi lấy lời bên ngoài. Tuy chậm hốt nhưng cảm thấy rất vui. Mỗi lần tới đợt nhận vốn bốc thăm rôm rả lắm, chị em xúm xít vui mừng. Tính ra mỗi vụ, tui tham gia hùn vốn tới 5,2 triệu đồng. Nhờ làm ăn có hiệu quả nên cuộc sống gia đình tốt hơn trước rất nhiều”.

Còn chị Mai Thị Chất thì cười tươi: “Tui đã nhận vốn được nhiều lần, mỗi lần nhận, tôi dùng số tiền này đầu tư làm lúa, lo cho 4 thằng con trai đi học. Đến khi cưới vợ, cất nhà cho chúng nó mà không cần hỏi vay, mừng lắm. Tôi thấy tham gia tổ hùn vốn lúa này là cách giúp vốn nhau làm ăn và trả dần, nhờ vào đây mà giờ cuộc sống gia đình tui dư dả hơn, đợt hốt chót này, tui định sẽ sắm vàng để dành”.

Chị Lê Tuyết Nhãn- Chi hội trưởng Chi hội PN ấp Vĩnh Tiến cho biết, cách làm này do Hội LHPN đề xướng và nhân rộng ra các ấp nhiều năm nay. Lúc mới khởi xướng, số tiền nhận được chưa nhiều, chị nào cũng dùng tiền để sắm sửa một món đồ trong nhà. Các chị mừng lắm, thấy mô hình này khá hay nên tiếp tục phát động và số tiền tăng lên, làm theo mỗi vụ lúa, đến khi nhận vốn mỗi người có được số tiền kha khá làm kinh tế gia đình. Sắp tới, dự kiến sẽ hùn 2 triệu đồng/vụ để nhận được nhiều tiền hơn có thể phát triển cuộc sống khá hơn nữa. Riêng chị nào đau ốm, gặp khó khăn thì được ưu tiên nhận trước.

Chị Lê Thị Hạnh- Chủ tịch Hội LHPN xã Hựu Thành nhận định, mô hình này thời gian qua được thực hiện rất hiệu quả, giúp chị em hội viên có được khoản tiền để làm kinh tế gia đình. Hiện, toàn xã có 7 tổ hùn lúa với 136 thành viên tham gia, mỗi chị hùn 10 giạ, đã giúp cho 21 chị nhận với tổng cộng 4.080 giạ, số tiền trên 400 triệu đồng. Hướng tới, sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình hùn lúa sang các ấp khác giúp các chị có điều kiện làm ăn sinh sống, thoát nghèo bền vững.

Bài, ảnh: YẾN XUÂN