Nghề tết đón xuân

Cập nhật, 08:09, Thứ Bảy, 25/01/2014 (GMT+7)

Phố phường đang rộn rịp đón một mùa xuân mới với mùi mứt tết thơm lừng, hoa xuân khoe sắc, với tiếng trống lân rộn rã, hình ảnh ông đồ già “bày mực tàu giấy đỏ, bên phố đông người qua”, khiến không khí tết thêm ấm áp, tươi vui. Nhiều nghề tết cũng vào mùa.

Tết đến, ngoài mứt tết, mâm ngũ quả, hoa xuân, nhiều nhà còn trang trí thêm trong nhà đôi câu liễn, vài chữ thư pháp hay bức tranh về ngựa để không khí tết thêm trọn vẹn, ấm cúng.

Bức tranh ngựa của ông Trần Có đã hoàn thành được 80%

Đang hoàn thiện bức tranh về ngựa, họa sĩ Trần Có (Phường 1- TP Vĩnh Long) tâm sự: Từ những năm học lớp 6, lớp 7, tôi đã thích vẽ tranh về ngựa. Ngựa là loài vật có mối quan hệ gắn bó mật thiết với cuộc sống con người.

Nói đến ngựa, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến một loài vật trung thành. Ngựa còn là hiện thân của sự kiên nhẫn, sức bền bỉ, dẻo dai, sự may mắn mang lại tài lộc, phát đạt, tượng trưng cho sức mạnh của người đàn ông, dũng cảm và mạnh mẽ.
 
Tôi thích hình ảnh những chú ngựa tung vó hý vang, bờm bay trong gió, những biểu cảm trên gương mặt ngựa… biểu tượng cho sự kiêu hãnh, sức mạnh. Ông cho biết, Xuân Giáp Ngọ năm nay, ông vẽ 6 bức tranh về ngựa, mỗi bức thường vẽ 2 con, 3 con hoặc 8 con. Chất liệu sơn mài, sơn dầu, lụa hoặc giấy…

Người treo tranh ngựa thường treo ở hướng phía Nam của ngôi nhà và ngựa chạy vào phía trong, tránh trường hợp đàn ngựa chạy ra phía ngoài mà theo phong thủy sẽ làm cho tài lộc của gia đình vơi đi. Không chỉ vậy, ông còn mở các lớp dạy thư pháp cho các bạn trẻ. Năm nào ông cũng ra Quảng trường TP Vĩnh Long để cho chữ, từ 50- 100 bức thư pháp/ngày.

Bên cạnh đó, ông cũng viết chữ vẽ tranh theo yêu cầu của khách. “Ngày nay thư pháp phổ biến hơn, nhiều người quan tâm hơn, đó cũng là tín hiệu đáng mừng. Bạn trẻ thường xin chữ hiếu, cha, mẹ, thọ, an… cho gia đình”- ông chia sẻ.

Ngày càng có nhiều người quan tâm đến thư pháp.

Mới xin xong hai câu chữ “Hạnh phúc ơi! mãi bên ta nhé/ Để mỗi tinh mơ ta khẽ một nụ cười” bằng đôi liễn đỏ, chị Lư Ngọc Tuyền (Long Hồ) cho biết: “Tết đến treo trong nhà vừa đẹp mắt vừa ý nghĩa, thấy không khí gia đình ấm áp hơn”.

Hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán, TP Vĩnh Long thường xuyên tổ chức các hoạt động như: hội thi lân- sư- rồng; giao lưu múa lân- sư- rồng… Những đội lân đã luyện tập ráo riết. Gần 2 tháng nay đoàn lân sư rồng của anh Lớn- đoàn lân Sơn Đại Môn (thị trấn Long Hồ) cũng đang trong giai đoạn nước rút tập luyện.

Anh Lớn cho biết: “Đội có gần 30 người, trẻ nhất là 14 tuổi. Các em rất mê tập, sau giờ học, giờ đi làm là tập trung lại tập dợt. Tuy mỗi người mỗi nghề khác nhau nhưng mỗi người đều yêu thích công việc này”.

Múa lân không thể thiếu trong các dịp lễ tết


Anh Trịnh Công Nhân- đóng vai ông Địa cho biết: “Theo đoàn được 5 năm rồi, ban ngày tôi phụ hồ, ban đêm tập. Được đi diễn ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh nên được nhiều kinh nghiệm hơn. Vừa vui, vì vừa yêu thích, lại có thêm thu nhập”.

Là một trong những cô gái hiếm hoi của đoàn lân, em Huỳnh Xuân Mai cho biết: “Em thích theo đoàn lân từ nhỏ, được gia đình ủng hộ nên em cố gắng luyện tập cho tốt. Năm rồi sau mùa tết cũng có thu nhập để phụ giúp gia đình và xài tết”.

Mấy ngày nay, công việc đánh bóng lư đồng cũng bắt đầu rôm rả. Dọc đường Nguyễn Văn Nhã, Đoàn Thị Điểm (Phường 1) đã thấy khá nhiều điểm nhận đánh bóng, chùi lư. Giá đánh bóng một bộ lư đồng từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng tùy theo kích thước bộ lư.

Đang lau bóng chiếc lư đồng, chị Mai (Phường 1- TP Vĩnh Long) nói: “Mấy ngày trước có ít khách, sau khi đưa ông Táo về trời, nhiều người mới đem chùi lư. Cũng nhờ nghề này mà gia đình tôi có thêm khoản thu nhập”.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN