"Đời nặng ân tình, đất nặng chân"

Cập nhật, 06:55, Thứ Hai, 22/11/2021 (GMT+7)

(VLO) Như một cái duyên, tôi có mặt ở TP Long Xuyên- một góc của Tứ giác Long Xuyên (Châu Đốc- Long Xuyên- Hà Tiên- Rạch Giá) và được gặp mặt tác giả bài thơ “Thủ tướng của nhân dân” mà nhiều người đã biết đến, đó là ông Nguyễn Minh Nhị (Bảy Nhị)- nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang.

Năm nay đã 75 tuổi nhưng ông vẫn vui vẻ, mạnh khỏe, giản dị mà đầy khí chất như vùng đất biên thùy Bảy Núi mà ông đã cả đời gắn bó. Cùng với dãy biên cương là cái “rốn phèn” rộng mênh mông, cánh đồng Tà Pạ đẹp nổi tiếng, và An Giang quê ông cũng là nơi Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc sinh thời đã nhiều lần đến đây để công tác, khảo sát thực tế.

Năm 1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt (giữa) đi thị sát vùng Tứ giác Long Xuyên, khu vực đầu nguồn An Giang. Cũng là nơi mà một năm sau đó ông quyết định xẻ tuyến kinh T4, T5, T6. Ảnh: Internet
Năm 1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt (giữa) đi thị sát vùng Tứ giác Long Xuyên, khu vực đầu nguồn An Giang. Cũng là nơi mà một năm sau đó ông quyết định xẻ tuyến kinh T4, T5, T6. Ảnh: Internet

Những chuyến đi ngồi đò, lội ruộng, gặp gỡ nông dân trên vùng đất phèn, mặn của Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đã làm vị Thủ tướng trăn trở và ông quyết tâm đưa vùng đất ĐBSCL phát triển, đời sống người nông dân vươn lên, thoát nghèo.

Để làm được điều này, cố Thủ tướng của chúng ta đã nghiêm túc lắng nghe ý kiến của các nhà chuyên môn, dũng cảm vượt qua những ý kiến phản đối của một số người, kể cả những nhà khoa học. Thủ tướng “công trình sư” của sự nghiệp đổi mới đã hạ huyết tâm bằng hành động.

Những đợt “tiến quân” đánh thức Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên được triển khai với những công trình khai hoang phục hóa, làm thủy lợi để “trị phèn, hạ mặn”.

Ảnh tác giả và ông Nguyễn Minh Nhị chụp tại TP Long Xuyên.
Ảnh tác giả và ông Nguyễn Minh Nhị chụp tại TP Long Xuyên.

Ông Bảy Nhị cho biết từ năm 1988, chương trình khai thác Tứ giác Long Xuyên đã được thực hiện với mục đích đưa đất nước thoát cảnh thiếu đói, thiếu gạo ăn trong lúc đất đai thì bao la bát ngát mà bỏ hoang, còn nếu trồng lúa thì mùa màng thất bát do túi phèn quá nặng của vùng Đồng Tháp, An Giang.

“Vậy mà ông Kiệt dám vượt qua và thành công ngoạn mục. Trong 5 năm đầu đã khai hoang, phục hóa hơn 90.000ha, đưa sản lượng lúa của An Giang trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước, từ 1 triệu tấn/năm (1989) lên 2 triệu tấn/năm (1996) và trên 3 triệu tấn (2003), 2 tỉnh giáp ranh là Đồng Tháp và Kiên Giang cũng hưởng lợi, có sản lượng lúa xem xém An Giang (mỗi tỉnh gần 3 triệu tấn/năm), tổng cộng sản lượng lúa của 3 tỉnh cộng lại khoảng 9 triệu tấn trong hơn 17 triệu tấn lúa mỗi năm của vùng ĐBSCL, đã góp phần đưa nước ta trở thành nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai trên thế giới”- ông Nguyễn Minh Nhị khẳng định.

Năm 1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã cùng với các bộ, ngành liên quan và chính quyền hai tỉnh An Giang, Kiên Giang quyết định đào hệ thống các kinh T4, T5, T6 có tổng chiều dài trên 100km, từ An Giang qua Kiên Giang. Sau 2 năm, các công trình hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng vào năm 1999.

Đây là hệ thống kinh giúp thoát nhanh nước lũ từ Campuchia đổ sang, tạo mực nước vừa phải cho người dân khai thác làm kinh tế trong mùa lũ; giúp tháo chua, rửa phèn, ngăn mặn cho vùng Tứ giác Long Xuyên, cải tạo đất hoang hóa, nâng vòng quay của đất trồng lúa, hoa màu, thuận lợi nuôi thủy sản.

Nhớ ơn bác Sáu Dân, kinh T5 được tỉnh An Giang quyết định đặt tên là kinh Võ Văn Kiệt.

Tự hào lắm, về đây nghe người dân nhắc tên vị Thủ tướng của quê hương một cách trân trọng lòng càng thêm hãnh diện, càng quý mến một vị lãnh đạo vì nước, vì dân, dám quyết đoán, dám chịu trách nhiệm để đi đến thành công.

Xin kết thúc bài viết này bằng 4 câu thơ trong bài thơ “Thủ tướng của nhân dân” của ông Nguyễn Minh Nhị- nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang và lời tri ân của ông “Bảy Nhị tam nông” gửi đến Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Mỗi hạt gạo làm ra hôm nay đều mang nặng ân tình của một con Người đã đi vào cõi vĩnh hằng, để lại phía sau một cánh đồng mênh mông xanh thắm, mỏi cánh cò”.

… Vẫn là Thủ tướng của nhân dân!

Vẫn là anh Sáu mọi gia đình

Lồng lộng bóng soi miền sông nước

Đời nặng ân tình, đất nặng chân.

 TRẦN THẮNG