Chọn lọc khi nghe nhạc rap

Cập nhật, 06:50, Chủ Nhật, 14/11/2021 (GMT+7)

(VLO) Với đặc trưng là không gò bó trong câu từ, giai điệu bắt tai, một thế hệ trẻ say mê nghe rap, nói về rap và chạy theo mọi xu hướng của rap.

Thời gian gần đây, những bài rap được làm mới lấy nội dung từ thơ ca, lịch sử, từ những bài nhạc cách mạng… giúp giới trẻ dễ dàng tiếp cận hơn với văn hóa truyền thống nhưng cũng đặt ra nhiều trăn trở về giới hạn của sáng tạo, trái thuần phong mỹ tục.

Từ khi xuất hiện tại Việt Nam, nhạc rap trở thành một nét văn hóa được nhiều người, nhất là bạn trẻ yêu thích. Cộng đồng rapper tại Việt Nam ngày một đông đúc, đặc biệt khi có mặt trong những cuộc thi lớn trên truyền hình, rap được biết đến rộng rãi hơn.

Mọi người không thể quên cuộc đối thoại cùng màn rap cả tiếng Việt và Anh của Suboi trước Tổng thống Obama năm 2016 khiến thế giới chú ý.

Gần đây, những câu rap của Đen Vâu không chỉ vào đề thi Ngữ văn mà còn sử dụng cho cả đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Toán (của Sở GD-ĐT Nghệ An năm học 2021- 2022).

Với đặc trưng là không gò bó trong câu từ hay khiên cưỡng về giai điệu, giới trẻ mải mê nghe rap, dùng rap để trò chuyện cùng nhau.

Gần đây, những tác phẩm âm nhạc kết hợp giữa các yếu tố văn hóa- lịch sử, giá trị truyền thống với hình thức thể hiện mới mẻ khiến giới trẻ yêu thích vì hợp thời như “Để Mị nói cho mà nghe”, lấy cảm hứng từ tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”; “Hết thương cạn nhớ” từ “Chí Phèo”, “Bánh trôi nước” từ thơ Hồ Xuân Hương…

Xu hướng làm mới các bản nhạc cũ theo phong cách hiện đại xuất hiện ngày một nhiều trên thị trường âm nhạc Việt Nam, thậm chí là trên các chương trình truyền hình. Điển hình như trong show “The Heroes”, ca sĩ Quân A.P làm mới quan họ Bắc Ninh bằng nhạc rap.

Và có hai tiết mục đang “gây bão” vì phối lại các bản nhạc, bài thơ cổ với phong cách rap, trên nền nhạc điện tử là bài “Nam quốc sơn hà” của Erik lấy cảm hứng từ bài thơ cổ cùng tên, kết hợp cùng điệu hò truyền thống của Phương Mỹ Chi; mới đây là bản phối “Cô gái mở đường” được thể hiện bởi nữ ca sĩ Han Sara.

Video bài “Nam quốc sơn hà” của Erik đứng đầu 2 tuần liền trên Youtube với gần 6,5 triệu lượt xem. Những câu thơ bất hủ được hát lên trong không gian sân khấu đầy ánh sáng, giai điệu bắt tai, vũ đạo sôi động, hàng ngàn lượt bình luận “sởn da gà”: “Tình yêu nước và lòng tự hào dân tộc trổi dậy”.

Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến trái chiều, bày tỏ sự ngán ngẩm: “Tôi 28 tuổi, đọc tiêu đề Nam quốc sơn hà cũng tò mò háo hức xem thử xong thấy chưng hửng”, “hết mệt tim thì có cảm giác buồn vô hạn vì sao có thể sáng tạo lố lăng đến vậy”.

Đi kèm độ phủ sóng lớn cùng sự quan tâm của cộng đồng khán giả, các tranh cãi trái chiều xung quanh vấn đề ngôn ngữ trái với thuần phong mỹ tục, ăn mặc, nhảy múa lố lăng gây bức xúc dư luận.

Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có hai quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo tổng cộng 80 triệu đồng với rapper Chí (Lê Vũ An) và rapper Chị Cả (Đinh Thanh Tùng) khi lưu hành bản ghi âm trên mạng xã hội có nội dung xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.

Sáng tạo trong nghệ thuật chưa bao giờ được đón nhận nhiệt tình như hôm nay. Bởi người nghe cởi mở hơn, tư duy hiện đại, sẵn sàng chấp nhận những thử nghiệm mới mẻ. Những nghệ sĩ tự do sáng tạo, làm phong phú thêm các sản phẩm nghệ thuật của mình và cũng góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra quốc tế.

Nghệ thuật cần sự sáng tạo, tuy nhiên nên biết sáng tạo sao cho nó trở nên đặc biệt, có chất riêng mà vẫn tôn trọng những di sản mà cha ông ta để lại, không làm méo mó đi ý nghĩa của tác phẩm gốc.

Mỗi thời đại có mỗi cách truyền đạt và cảm nhận khác nhau, không vì một vài cá nhân mà đánh giá không đúng về cộng đồng rap. Nhưng cần chọn lọc để nghe và cơ quan chức năng cũng cần kiểm duyệt kỹ mỗi tác phẩm trước khi đưa đến công chúng.

PHƯƠNG THƯ