Những cuốn sách ra đời từ đại dịch

Cập nhật, 06:54, Thứ Hai, 22/11/2021 (GMT+7)

 

Quyển “Nhật ký COVID và những chuyện chưa kể” của bác sĩ Ngô Đức Hùng.
Quyển “Nhật ký COVID và những chuyện chưa kể” của bác sĩ Ngô Đức Hùng.

(VLO) Gần 2 năm từ khi dịch COVID-19 xuất hiện ảnh hưởng đến toàn thế giới, nhiều tác phẩm văn chương ra đời dưới góc nhìn đa chiều, ghi chép lại thời cuộc. Những câu chuyện đầy cảm động ủng hộ tinh thần và nâng cao ý thức xã hội.

1. Quyển sách Để yên cho bác sĩ “hiền” (ra mắt năm 2018) của bác sĩ Ngô Đức Hùng- Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai từng được độc giả yêu thích đón nhận.

Đến “Nhật ký COVID và những chuyện chưa kể”, ra đời trong những ngày cả nước lại đang nóng lên vì dịch COVID-19. Khi cuốn sách được mở bán online, 1.500 bản đã được bán hết trong vòng nửa ngày.

Bác sĩ Ngô Đức Hùng đã ghi lại những dòng nhật ký hài hước nhưng cũng ngổn ngang suy tư từ trong tâm dịch- nơi Bệnh viện Bạch Mai và lần bác sĩ Hùng được phân công tới Bệnh viện dã chiến số 2- Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương.

Qua 4 chương bút ký, bác sĩ Ngô Đức Hùng giúp độc giả có được cái nhìn tổng quát về dịch bệnh, nguồn gốc của vi rút, cách thức hoạt động và lây nhiễm.

Ở giây phút căng mình chống dịch, tác giả kể về nỗi khổ của bác sĩ khi mùa nóng vẫn khoác lên mình bộ đồ bảo hộ mà anh gọi vui là… trang phục của người nuôi ong. Tác giả cũng kể về nỗi lo, sự ám ảnh chính mình có thể trở thành F0 khi tiếp xúc với bệnh nhân...

Văn phong hài hước, hóm hỉnh, không làm những câu chuyện sinh tử trở nên nặng nề mà luôn thể hiện tinh thần lạc quan, giúp người đọc cảm nhận được sâu sắc về tình người giữa đại dịch và thêm trân trọng ngày tháng bình yên: “Sau mỗi đợt dịch bệnh, trở về ngôi nhà ngồi bên cây đàn cũ. Mỗi ngày đi trên con đường quen thuộc, nhìn ngắm thiên hạ cãi nhau, yêu và sống.

Được làm người bình thường mỗi cuối tuần thảnh thơi uống cốc cà phê đọc vài trang sách, không cần công danh lịch sử ghi nhận gì. Những điều lớn lao xin dừng lại ngoài cửa, đó cũng điều bình thường nhỏ bé mình mong muốn thực hiện được với cuộc đời này”.

2. “Đi qua hai mùa dịch” của Dy Khoa cũng là tác phẩm nổi bật về đề tài COVID-19. Dy Khoa nói rằng: “Ai cũng sẽ có những ký ức để nhớ. Nó đẹp đẽ hay xấu xí không quan trọng. Quan trọng là nó làm ta trưởng thành hơn”.

Tác giả kể, 11 năm trước, anh từng là một bệnh nhân dương tính với vi rút cúm A/H1N1. Tác giả nhớ mãi sự may mắn khi nhận được yêu thương, giúp đỡ từ mọi người, đó là tình cảm đáng quý giữa những bệnh nhân với nhau và với các nhân viên y tế. Đặc biệt là câu chuyện luôn có mẹ đồng hành để nhận ra điều may mắn nhất là vào giai đoạn khó khăn trong đời, ta vẫn còn mẹ, còn người thân bên cạnh.

Ở phần kể về COVID-19, tác giả trong vai một người quan sát và lắng nghe tâm sự từ mọi người về những ảnh hưởng của dịch đến cộng đồng. Anh chia sẻ sự cảm thông, thấu hiểu và ngưỡng mộ với đội ngũ y bác sĩ.

Anh kể về những cảnh đời, có những người bạn hàng rơi nước mắt, có những người bạn bị mất thu nhập…

Tâm trạng chung của mỗi chúng ta là căng thẳng, lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, đến gia đình. Nhưng, mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi mà! Dy Khoa gợi ý một số bài tập, lời khuyên để gia tăng tích cực, cổ vũ vượt qua không chỉ đại dịch lần này mà còn những muộn phiền khác trong cuộc sống.

3. Nhiều cuốn sách lấy cảm hứng, khai thác dữ liệu từ đại dịch COVID-19 đã liên tục ra đời như: truyện ký “Paris+14” của Tiến sĩ Cù Thu Hương, “Khi đại dịch thế kỷ COVID-19 qua đi” của Sương Nguyệt Minh, “Sài Gòn còn thương thì về” của Tống Phước Bảo, “Đảo bạo bệnh” của Đức Anh, “Giỏ trái cây” của Liêu Hà Trinh, “Những ngày cách ly” của Đào Quang Thắng, tiểu thuyết “Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái” của Iris Lê, trường ca “Sự sống và lòng biết ơn” của Phạm Phương Thảo,…

Những ngày diễn ra dịch bệnh, văn đàn không trầm lắng, văn chương không đứng ngoài thời cuộc. Những người cầm bút cho thấy trách nhiệm của mình trước những vấn đề lớn của xã hội, của thế giới liên quan đến thân phận con người.

Những quyển sách truyền năng lượng tích cực để ta yêu thêm cuộc sống này, biết trân trọng hiện tại, bảo vệ môi trường, yêu quý thiên nhiên.

Qua những biến cố, ta mới nhận thấy con người mong manh, yếu đuối khi đứng trước ngưỡng cửa sinh tử… nhưng ẩn sâu bên trong cái mong manh ấy lại chứa đựng sức mạnh tinh thần và tình yêu thương cực kỳ lớn lao.

Dịch bệnh chưa biết đến khi nào mới chấm dứt hoàn toàn, mỗi giai đoạn đều được ghi chép bằng góc nhìn đa chiều và tình cảm chân thật sẽ là nguồn động viên thế hệ hôm nay và là tư liệu quý báu cho mai sau.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ