Nhà văn Hoàng Quốc Hải

Góc nhìn đa chiều soi chiếu những trang sử

Cập nhật, 15:14, Chủ Nhật, 01/11/2020 (GMT+7)

 

Nhà văn Hoàng Quốc Hải giới thiệu bộ sách “Bão táp triều Trần”.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải giới thiệu bộ sách “Bão táp triều Trần”.

Ở tuổi ngoài 80, nhà văn Hoàng Quốc Hải vẫn không ngại lặn lội đi tìm tư liệu lịch sử và đến vùng sâu, vùng xa chia sẻ câu chuyện lịch sử cùng học sinh. Với kiến thức uyên bác và góc nhìn đa chiều, nhà văn là một trong những cây bút sở hữu gia tài đồ sộ tiểu thuyết lịch sử, những truyện xưa mang hồn thiêng sông núi và khí phách dân tộc.

Trong một lần về trò chuyện với học sinh Trường THPT Nguyễn Thông (TP Vĩnh Long), nhà văn Hoàng Quốc Hải đã giới thiệu bộ tiểu thuyết lịch sử “Bão táp triều Trần”.

Không phải thao thao kể câu chuyện lịch sử, nhà văn gợi lên sự tò mò bằng lời kể tình yêu lịch sử bắt đầu từ những câu chuyện của mẹ, tình yêu ấy cuốn ông đi không mệt mỏi và tạo thành sức mạnh để viết những tiểu thuyết dài hàng ngàn trang. Kết thúc câu chuyện, ông hỏi các bạn học sinh “Lịch sử có khô khan hay không?”

Với mục đích “cố gắng làm điều gì đó trong cuộc đời mình để thế hệ sau hiểu dân tộc mình”, nhà văn đã sáng tác nhiều tiểu thuyết lịch sử như: “Bão táp triều Trần”, “Lý triều bát đế”, “Chiến lũy đá”, “Sau mùa lá rụng”, “Chờ đến ngày mai”, “Đêm qua làng”…

Từ năm 1993 đến nay, ông đã xuất bản hàng chục bộ tiểu thuyết lịch sử. Riêng bộ “Bão táp triều Trần” gồm 6 tập, dày đến gần 3.000 trang, cùng với đó là 4 bộ tiểu thuyết về nhà Lý dày trên 3.500 trang. Nhà văn Hoàng Quốc Hải còn viết nhiều tác phẩm khác về văn hóa phong tục Việt Nam, phê bình tiểu luận, tạp văn.

Theo ông, mỗi tác giả có cách tiếp cận và khai thác lịch sử khác nhau nhưng việc dựng lại lịch sử thông qua văn chương là công việc rất khó khăn, phần đòi hỏi tư liệu, vốn sống, vốn kiến thức và hơn hết là cần sự bền bỉ, cả sự hy sinh. Ông đã bỏ ra 30 năm ròng rã để viết nên 2 bộ tiểu thuyết lịch sử.

Ông nói, người viết tiểu thuyết lịch sử phải am hiểu về văn hóa của thời đại mà mình viết, thời đại mình đang sống, cũng cần nắm bắt được tương quan lịch sử của dân tộc mình và các dân tộc khác; nếu không sẽ sa vào kỳ thị dân tộc, chỉ biết ta, đề cao ta... Muốn giải mã được lịch sử thì phải đi sâu nghiên cứu, tìm tòi, gạn lọc trong trùng điệp biết bao vỉa quặng của lịch sử, để rồi rũ lớp bụi thời gian mà có thể làm thay đổi quan niệm của chính tác giả.

Nhà văn kể, một sử gia người Anh đã nói thế này: “Tôi phải tin những điều ghi trong chính sử, nhưng tôi đã làm cái thực nghiệm để xem nên tin như thế nào. Nhân có đám đánh nhau ở dưới nhà, ông cho 3 người giúp việc xuống xem rồi về kể lại. Cả 3 người đều nói đúng nội dung là đánh nhau, nhưng diễn tả nguyên nhân và kết thúc sự việc lại hoàn toàn khác nhau, không ai giống ai”. Vậy nên cùng một sự việc, nhưng dưới góc nhìn khác nhau đã có sự khác nhau rồi, huống gì những vấn đề của lịch sử.

Vì vậy, vừa đọc sách, nghiên cứu tư liệu, vừa phải đi điền dã. Ví như cách đây ít năm, khi đi tìm di tích Ngọa Vân, nơi Thượng hoàng, Phật hoàng Trần Nhân Tông viên tịch, thấy có nhiều ý kiến rất trái ngược chỉ ra địa danh này, trong đó có những nhà sử học tên tuổi hàng đầu.

Kết hợp khi tìm tài liệu để viết tiểu thuyết về nhà Trần, nhà văn đã hơn 10 lần đi về Quảng Ninh trong quãng thời gian nhiều năm, rồi với những tư liệu từ người xưa để lại trong sách, tham khảo thêm cả những ý kiến qua những người dân quanh vùng rồi mới dám đi đến kết luận địa điểm chính xác của nó.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải (đứng giữa) trong buổi giao lưu cùng các em học sinh tại Trường THPT Nguyễn Thông.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải (đứng giữa) trong buổi giao lưu cùng các em học sinh tại Trường THPT Nguyễn Thông.

Những con chữ trong tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Hoàng Quốc Hải không chỉ phục dựng hình ảnh, không khí, sự kiện của quá khứ mà còn tôn vinh những tinh hoa của người Việt ta từ bao đời nay. Qua những trang viết, truyền thống văn hóa, lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, ý chí quật cường trong dựng nước và giữ nước thể hiện qua những việc làm thiết thực.

Ở đó có những lãnh đạo có trí và tâm soi sáng cả đương thời và hậu thế. Ở đó, tinh thần hiếu học, trọng nghĩa, khuyến tài, là truyền thống con kính trọng và hiếu thuận với cha mẹ, dân đồng lòng phò vua, là không khí sục sôi tinh thần quyết tâm giữ nước trước họa xâm lăng…

Phải dành bao nhiêu tâm huyết thì những trang sử mới có thể hấp dẫn, cuốn hút, những kiến thức lịch sử, những nhân vật nổi tiếng lần lượt đi vào trí nhớ mà không khiến người đọc choáng ngợp.

Nhà văn căn dặn các bạn học sinh dù làm việc gì cũng phải bắt đầu bằng niềm yêu thích, và “muốn hoàn thiện nhân cách một con người, trước hết phải biết lịch sử của mình, của ông bà tổ tiên mình. Muốn dạy con cháu thì phải biết lịch sử ngay bán kính nơi mình cư trú…”

Nhà văn Hoàng Quốc Hải quê ở tỉnh Hải Dương, là nhà văn nổi tiếng với nhiều tiểu thuyết lịch sử đồ sộ. Với truyện “Ông Giám đốc như tôi đã biết”, nhà văn đạt Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội năm 1970 và bộ “Bão táp triều Trần” đạt Giải thưởng Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội, năm 2008. “Bão táp triều Trần” đã được chuyển thể thành kịch bản phim “Phật hoàng Trần Nhân Tông”.

 

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ