Nhà văn Nguyễn Thế Quang: Nặng lòng với lịch sử và những phận người

Cập nhật, 15:20, Chủ Nhật, 31/05/2020 (GMT+7)

Trong hành trình về thăm Nghệ An tìm kiếm câu chuyện tuổi thơ và những tình cảm, tâm tư của Bác dành cho quê hương, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với nhà văn Nguyễn Thế Quang. Dày công chăm chút cho những trang tiểu thuyết lịch sử, nhà văn vừa vinh dự nhận giải thưởng Văn học ASEAN danh giá.

Nhà văn Nguyễn Thế Quang dành nhiều tâm huyết cho các tiểu thuyết lịch sử.
Nhà văn Nguyễn Thế Quang dành nhiều tâm huyết cho các tiểu thuyết lịch sử.

Tên tuổi của nhà văn Nguyễn Thế Quang không quá xa lạ với độc giả yêu văn chương bởi sự xuất hiện đều đặn của các tác phẩm và giải thưởng. Trong 10 năm bén duyên với văn chương, ông đã đầu tư cho ra đời 4 quyển tiểu thuyết lịch sử: “Nguyễn Du” (năm 2010), “Khúc hát những dòng sông” (năm 2012), “Thông reo Ngàn Hống” (năm 2015) và “Đường về Thăng Long” (năm 2019).

Nhà văn Nguyễn Thế Quang đạt nhiều giải thưởng văn chương, trong đó có giải thưởng Văn học ASEAN- giải thưởng danh giá khi mỗi năm chỉ trao một lần cho các nhà văn từ mỗi quốc gia thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á. Tháng 11/2019 tại Bangkok (Thái Lan), ông được vinh danh với tác phẩm “Thông reo Ngàn Hống”.

Khi rời bục giảng về hưu, niềm say mê văn chương của thầy giáo dạy văn không hề vơi đi.

Ông chia sẻ: “Tôi chọn viết tiểu thuyết lịch sử vì qua học sinh, qua tiếp xúc với nhiều người, nhiều nguồn thông tin tôi thấy lịch sử đang bị lãng quên, lịch sử đang bị hiểu sai lệch, phiến diện. Đó là một điều rất nguy hiểm.

Viết về lịch sử, quan niệm của tôi không phải là hoài niệm lịch sử, không phải đi tìm những chuyện cổ mà viết tiểu thuyết lịch sử là để khám phá bản chất lịch sử.

Hiểu quá khứ không phải chỉ để biết mà để hiểu thực tại hơn, sống đúng hơn, tốt hơn, vươn tới sự tiến bộ”.

Những chân dung lịch sử quen thuộc, qua ngòi bút của Nguyễn Thế Quang vừa gần gũi mà vừa mới lạ, hấp dẫn.

Trên nền các sự kiện lịch sử đã qua, nhà văn tập trung nhiều cho việc khai thác thế giới nội tâm với những cảm xúc, trăn trở, mâu thuẫn, giằng xé của nhân vật trong từng thời khắc chuyển vần của lịch sử.

Tác phẩm của ông không chỉ ngưỡng vọng một chiều mà hướng tới sự phân tích, giả định, luận giải và “đối thoại” lịch sử.

Câu chuyện về phận người của Nguyễn Thế Quang gửi gắm khát vọng mở mang bờ cõi và thống nhất giang sơn của bậc Đế vương; trách nhiệm của người trí thức trước những ngả đường, bước ngoặt lịch sử; cội nguồn văn hóa, truyền thống quê hương, tình yêu thương gia đình trong việc hình thành nhân cách, ý chí của những bậc vĩ nhân.

Độc giả có thể cảm nhận và hiểu sâu sắc hơn về Hoàng Thị Loan, Nguyễn Sinh Cung trong “Khúc hát những dòng sông”; Nguyễn Du, Gia Long, Ngô Thời Nhậm, Hồ Xuân Hương trong tác phẩm “Nguyễn Du”; có cái nhìn đa chiều về Nguyễn Công Trứ, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Cao Bá Quát trong “Thông reo Ngàn Hống” hay biết thêm về Võ Nguyên Giáp, Bảo Đại, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu trong “Đường về Thăng Long”…

Sáng tạo nghệ thuật bao giờ cũng là một công việc hấp dẫn nhưng phải mất nhiều thời gian, công sức. Người viết tiểu thuyết lịch sử lại càng nhọc nhằn hơn khi viết về một thời đã qua, phải có căn cứ xác thực thông qua việc đi thực địa, phải đọc tư liệu từ nhiều nguồn, phải tìm hiểu cái nhìn từ nhiều phía. Có khi đọc hàng trăm trang tư liệu cũng chỉ tìm được một chi tiết.

Mà muốn khắc họa một nhân vật, phải cần muôn vàn chi tiết. “Như tìm tư liệu về thân mẫu của Bác- cụ bà Hoàng Thị Loan không phải dễ dàng vì bà mất ở tuổi đời còn rất trẻ, chỉ mới 33 tuổi.

Tôi dành 2 năm đọc tư liệu, gặp các nhà nghiên cứu, nhiều bận đến Kim Liên và đi đi về về ở Huế để cho ra đời “Khúc hát những dòng sông” chỉ hơn 200 trang sách”- nhà văn Nguyễn Thế Quang chia sẻ.

Hơn 40 năm gắn bó với nghề dạy học, từ cấp 2, Nguyễn Thế Quang phấn đấu lên dạy cấp 3 ở một ngôi trường có bề dày truyền thống hơn 100 năm nổi tiếng vùng Thanh- Nghệ- Tĩnh, đó là Trường Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh)…

Thời trẻ tập trung cho việc “trồng người”, đến tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông mới dành trọn tâm tư cho nghiệp viết. Ở tuổi 78, minh mẫn, nhanh nhẹn, nở nụ cười thật tươi, ông kể về tình yêu của mình dành cho mỗi trang viết.

Những người trẻ hiểu hơn về trang sử của dân tộc, biết thêm về vùng đất, văn hóa đã tạo nên những bậc anh tài của đất nước, để tự hào và noi theo.

Từ câu chuyện của nhà văn, những người trẻ cũng được truyền cảm hứng, rằng không bao giờ là quá muộn để bắt đầu làm những điều mình thích bởi “hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều- Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từng nhận xét về nhà văn Nguyễn Thế Quang: “Tác giả Nguyễn Thế Quang là một nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử. Trong mỗi tác phẩm của mình, ông lúc nào cũng đắm chìm vào nhân vật lịch sử và thời đại lịch sử của nhân vật ông viết. Chính vậy mà người đọc thấy ông như chính là nhân vật của thời đại đó. Người đọc cảm thấy như ông khóc, cười cùng nhân vật. Vì thế mà ông làm cho những nhân vật lịch sử cùng với thời đại của họ hiện lên như mới hôm qua. Đấy chính là nền tảng cơ bản nhất của tác giả Nguyễn Thế Quang để ông thành công trong thể loại văn xuôi này. “Thông reo Ngàn Hống” cũng chứa đựng những phẩm chất vô cùng quan trọng đó cùng với một tư duy trầm tĩnh đầy trách nhiệm về lịch sử đã mang tới thành công cho ông. Một điều quan trọng là, cho dù tác giả Nguyễn Thế Quang viết về một câu chuyện lịch sử cách đây vài trăm năm hoặc xa hơn nữa nhưng nó vẫn mang đến những bài học giá trị cho đời sống của chúng ta hôm nay”. 

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ