Anh sinh viên và chiếc băng tang viếng Bác

Cập nhật, 15:20, Chủ Nhật, 31/05/2020 (GMT+7)

Ngày 2/9/1969, trong khi cả nước đang vui mừng kỷ niệm ngày Quốc khánh thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trút hơi thở cuối cùng bên các đồng chí của Bộ Chính trị và các học trò của mình.

Từ ngày 4- 9/9/1969, lễ viếng và lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức trọng thể tại Hội trường Ba Đình (Hà Nội). Cả nước ngập tràn trong không khí đau buồn, Hà Nội u uất, tầm tã những cơn mưa đầu tháng 9. Bất chấp thời tiết gió mưa, dòng người cứ tràn về để viếng Bác trong niềm tiếc thương vô hạn.

Trong dòng người ấy có anh Nguyễn Trọng Phúc- sinh viên Trường ĐH Chính trị thuộc Bộ Đại học. Khi đang làm thủ tục nhập học, hay tin Bác mất, anh đau đớn đạp xe về Hà Nội để viếng Bác. Cầm chiếc băng tang trên tay, hình ảnh lần đầu tiên gặp Bác Hồ ngập tràn trong ký ức của anh.

Sau lễ viếng, để tưởng nhớ đến Bác, anh đã giữ lại chiếc băng tang, trân trọng ép vào trong quyển sổ tay của mình và bảo quản cẩn thận. Anh sinh viên ngày ấy sau này là PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc- Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng.

Được biết, trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nơi ở của đồng chí Nguyễn Trọng Phúc bị bom B52 tàn phá. Để tìm lại chiếc băng tang viếng Bác, đồng chí Nguyễn Trọng Phúc đã cố bới tìm trong hố bom và may mắn thay kỷ vật ấy vẫn còn nguyên vẹn.

Để lưu giữ và bảo quản kỷ vật lâu dài, năm 2012, PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc đã quyết định tặng lại chiếc băng tang ấy cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tình yêu thương, niềm tôn kính của PGS. TS. Nguyễn Trọng Phúc đã dành cho Bác mãi mãi không mờ nhạt cũng như lòng tôn kính của dân tộc Việt Nam đối với Bác luôn tồn tại với thời gian. Chính tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người đã tạo nên niềm tin yêu đối với toàn dân tộc.

Bao thế hệ con người Việt Nam luôn phấn đấu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những việc làm thiết thực là hành động tri ân của toàn dân tộc đối với Người.

Nguyễn Thiên Lan