Tản văn

Bà tôi và chiếc nón lá

Cập nhật, 15:20, Chủ Nhật, 31/05/2020 (GMT+7)

Bà tôi già, tóc bà trắng và mảnh như những sợi cước bà vẫn dùng chằm nón. Lưng bà còng, mắt bà trũng sâu nhưng vẫn không lọm khọm, bà nhanh nhẹn, tinh anh. Khuôn mặt hiền từ, đôi tay nhăn nheo nhưng cần mẫn khéo léo. Bà làm ra những chiếc nón thật đẹp.

Bà sinh ra phải thời loạn lạc, từ nhỏ theo học nghề chằm nón chứ không được học chữ. Các cháu đến trường, học rộng biết nhiều chắc đã từng nghe câu ca của người Phú Yên: “Vinh Ba đan cót, đan gàu/ Phú Diễn chằm nón, xóm Bầu vớt rong”.

Ừ, bà sinh ở Phú Diễn, nơi có nghề chằm nón. Bà tỉ tê với chị em tôi như vậy trong những đêm trăng, chị em mang chiếu trải ra sân, nằm nhìn trăng nghe bà kể chuyện đời xưa.

Những câu chuyện của bà luôn có hình ảnh của chiếc nón lá. Chị em tôi ấm ức than: Đội nón lá nhìn quê thấy mồ… Có chăng nón lá chỉ thích hợp cho những chị lam lũ trên đồng ruộng, che nắng chắn mưa,... Nón lá dành cho các bà mẹ quê, buổi sáng bưng mớ rau đay mớ tép ra chợ.

Bà cốc đầu tôi, bà mỉm cười xác nhận đi học đội nón lá thật bất tiện. Bà còn khen, các cháu của bà xinh gái lắm, những chiếc nón của các cháu thật điệu đàng, thật dễ thương.

Nhưng các cháu ơi, dù cuộc sống hiện đại có bao nhiêu đi chăng nữa những chiếc nón rộng vành được thiết kế đẹp, đủ kiểu dáng bằng nhiều chất liệu cao cấp thì hình ảnh chiếc nón lá vẫn là biểu tượng đẹp. Bà tôi đấy, luôn nhẹ nhàng, cẩn trọng đặt vào chị em tôi những ý nghĩ thật đẹp về người phụ nữ Việt thuần đức.

Chị em tôi ứ ừ mỗi khi thấy mẹ, thấy bà ngồi tỉ mẩn chằm nón, công việc vất vả nhưng thu nhập kém. Bà khăng khăng giữ nghề chằm nón. Bà lý lẽ hay lắm. Bà bảo, dù từ nhỏ đã được nghe: “Thức khuya dậy sớm cho hư. Mà nghề đan nón chẳng dư đồng nào”.

Các cháu gái của bà dửng dưng, không mặn mà với nghề chằm nón, lòng bà nặng trĩu. Bà có bắt các cháu phải sống bằng nghề chằm nón đâu.

Ngồi bên bà, nghe bà kể về nghề chằm nón, biết được vẻ đẹp cao quý bên trong vẻ bình dị của chiếc nón lá để yêu thêm dòng họ tổ tiên, yêu thêm làng nghề truyền thống là bà đã thấy vui rồi.

Nếu các cháu muốn thỏa ước mơ với một ngành nghề nào đó thì bà luôn mong các cháu thành đạt. Nhưng điều làm bà đau đáu đó là dòng họ mình nghèo, nhiều cháu gái vì nông nỗi muốn đổi đời mà đã lao vào kiếm tiền bằng cái nghề mạt hạng…

Giá như các cháu chịu khó ngồi chằm nón, tuy không giàu nhưng đó là một công việc sạch sẽ và mang lại cái đẹp cho tâm hồn, cho cuộc sống. Bà và họ tộc sẽ bớt mối lo mất đi một làng nghề. Nghe bà nói, chị em tôi mủi lòng muốn khóc.

Nghề làm nón lắm công phu nhưng không quá khó. Một chút khéo tay, một chút tỉ mỉ, một chút nhọc công, một chút nâng niu, sẽ có được một chiếc nón đẹp.

Hình ảnh người thiếu nữ giấu mặt sau vành nón lá cười duyên, hình ảnh khách quốc tế ngắm nghía và trầm trồ chiếc nón quê hương, điệu múa nón thật đẹp phải không nào? Bà nói, giọng rất đỗi tự hào.

Chiếc nón không phải chỉ dùng che nắng che mưa mà còn làm cho người thiếu nữ duyên dáng hơn, người đàn bà mặn mà, đằm thắm hơn. Ngày bà về nhà chồng, cố âu yếm tiễn con gái ra ngõ, đặt vào tay chiếc nón và dặn dò… Nón như một thứ ngôn ngữ riêng dùng để diễn đạt tâm tư của người phụ nữ.

Nón lá giản dị nhưng thanh cao. Nhẹ tênh những đường kim mũi chỉ nhưng đầy đặn vẻ duyên dáng… Nón lá gợi lên hình ảnh người con gái ngây thơ, trong sáng; người phụ nữ mộc mạc, chân tình gắn với mảnh ruộng quê hương, gợi nhớ những mối tình thầm kín…

Mỗi chiếc nón, mỗi đường kim mũi chỉ là những yêu thương đong đầy mà người phụ nữ lặng lẽ kết vào, chằm những lớp lá như nhắc phải đùm bọc, yêu thương. Cuộc sống văn minh dẫu có đổi thay đến đâu thì nón lá sẽ mãi trường tồn với vẻ đẹp nguyên sơ, giản dị và duyên dáng.

Lời bà dịu êm, đẹp tinh khôi như chiếc nón quê hương.

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN