Chuyện làng văn nghệ

Từ bài thơ đầu tiên viết cho thiếu nhi

Cập nhật, 20:20, Chủ Nhật, 08/09/2019 (GMT+7)

Vì yêu mến văn chương từ nhỏ, ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, tôi đã đặt mua báo Văn học (nay là báo Văn nghệ) khi còn là học sinh cấp II. Cũng từ năm 1960 trở đi, tôi tập viết gửi bài cho các báo.

Thôi thì cứ viết linh tinh đủ thể loại, đề tài. Sau đó, tôi đọc rất nhiều thơ viết cho thiếu nhi của Phạm Hổ, Võ Quảng, Vũ Ngọc Bình, Võ Văn Trực, Định Hải. Và, sức ảnh hưởng của các nhà thơ này đã “vào” trong tôi lúc nào không biết. Cho đến năm 1973, khi con gái đầu lòng (Lê Hồng Nguyên) 6 tuổi bắt đầu đi học, tôi làm bài thơ về con:

Đi trên đường đất đỏ

Xanh xanh hai bờ cây

Con ơi đừng mê mải

Lá vẫy và chim bay!

Con chim non tập hót

Con bướm nhỏ tập bay

Con gái tôi tập viết

Bắt đầu sáng thu nay.

Bài thơ trên cùng bài thơ “Em thả diều” được tôi gửi về Báo Văn nghệ, cả 2 bài đều đăng ở số báo ra ngày 1/6/1973. Sau đó, các bạn tôi ai cũng khích lệ, động viên: “Cậu cứ đi hướng ấy, được đấy!” 3 năm sau, tôi lại gửi bài thơ “Soi gương” được đăng cũng vào số 1/6. Trong bài có đoạn:

“Bé lật mặt sau

Bỗng bạn biến mau

Cái gương mỏng thế?

Giấu bạn vào đâu?”

Khi in báo, chữ “mau” đã chữa thành chữ “mất”. Thì ra các anh chị ở tổ thơ (khi ấy là Phạm Hổ, Xuân Quỳnh) đã chữa cho. Ai cũng bảo chữa chữ “mau” thành chữ “mất” thì mất cả bài thơ.

Vào dịp khác, năm ấy là 1985, Hội Văn nghệ Hải Hưng có mở trại sáng tác văn học, nhà thơ Hữu Thỉnh và Võ Văn Trực (khi ấy đang công tác ở Báo Văn nghệ) được mời về đọc các tác phẩm của trại viên.

Tôi nộp một chùm thơ thiếu nhi, đọc xong cả hai anh đều chọn bài “Cánh diều và mùa thu”, rồi bảo tôi chép riêng ra để các anh mang về Hà Nội in trên số báo Văn nghệ trung thu năm đó. Và liên tiếp, cứ 2 năm tôi lại có thơ in trên báo Văn nghệ vào dịp 1/6, Trung thu và Tết Nguyên đán.

Năm 1980, tôi in tập thơ đầu viết cho các em “Trăng của mỗi người” được giải thưởng duy nhất về thơ của Hội Nhà văn Việt Nam năm đó (cùng với 4 tập văn xuôi khác: “Miền thơ ấu” của Vũ Thư Hiên, “Tuổi thơ dữ dội” của Phùng Quán, “Sống giữa bầy sói” của Nguyễn Quỳnh và “Sừng đội thề” của Nghiêm Đa Văn).

Một phần ba tập thơ đó đã in ở báo Văn nghệ. Khi tôi đem tập thơ đến tặng nhà thơ Phùng Ngọc Hùng, ông nói “Chỉ một tập thơ “Trăng của mỗi người”, Thiện đủ xứng đáng làm lá đơn xin vào Hội Nhà văn Việt Nam rồi”.

Kỷ niệm với Báo Văn nghệ, đầu tháng 5/2008, tại trại sáng tác văn học cho thiếu nhi do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ở Trung tâm văn hóa của Hội Nhà văn Việt Nam (Quảng Bá- Hà Nội), tôi nộp bài thơ “Ngu như lợn”.

Khi in vào số 1/6/2008, các anh chị biên tập viên Báo Văn nghệ chữa “Sao thế hả lợn” nghe nhẹ nhàng hơn, êm ái, “tế nhị” hơn. Không chỉ Báo Văn nghệ và các báo tạp chí ở trung ương, các tạp chí ở hội bạn cũng có sự giúp đỡ nâng cao chất lượng bài viết cho tôi một cách tương tự.

LÊ HỒNG THIỆN