Truyện ngắn: Hương tràm năm cũ

Cập nhật, 20:17, Chủ Nhật, 08/09/2019 (GMT+7)

HỒNG SƠN

Bảy Đẹp- Trưởng ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã bước vào căn chòi canh tôm của chú Danh Hưởng, định gặp chú nói rõ lý do, cô Thạch Thư đã nhận xi măng của chánh quyền hỗ trợ mà chưa chịu làm như mọi người: mua thêm cát, đá cán lại đoạn đường nằm trong phần đất mình ở trước sân nhà.

Sự trễ nải của cô làm ảnh hưởng vẻ mỹ quan con lộ liên xóm đi ngang qua cổng chính chùa Cù Là, gây khó khăn cho việc chuyên chở và đi lại của bà con, nhất là trong những ngày lễ hội.

Nhưng khổ nỗi, sự việc còn chưa kịp trình bày huống hồ chi nói rõ lý do! Bảy Đẹp mới mở môi nhắc đến tên Thạch Thư thì Danh Hưởng đã “nhảy vào miệng người ta ngồi” còn “đọc cái bản cáo trạng” của cô Thạch Thư dày cộm.

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

- Mầy cũng thừa biết, tao với bả đã từng có cuộc sống già nhân ngãi non vợ chồng. Do vậy, lúc nào tao cũng để mắt đặng kịp thời gian giúp đỡ. Như chuyện làm đường nè. Trời ơi! Bả cực đoan, ỷ lại và trông chờ thấy mắc trào máu họng!

Tao bận hút bùn nạo vét vuông tôm ở đầu đất, đến cuối tháng Giêng mới mướn được bọn trẻ xóm trên cán khúc đường thuộc ranh đất của mình. Vừa làm xong tao liền sang nhà, vô tận phòng ngủ của bà Thạch Thư, vì bả bị bệnh, nằm liệt giường mà! Tao nói nhỏ nhẹ và ngọt như đường phèn: “Sẵn cát, đá còn dư, tôi kêu tụi nhỏ cán tiếp luôn khoảng đường của cô nghe! Và đợi sáng mai đường sá khô khan sạch đẹp.

Tôi lấy chiếc Suzuki “mới binh” chở cô đến trạm xá khám và điều trị bệnh. Chắc cô bị cảm hàn nên sốt liên miên và ho khắc khoải cầm canh. Bệnh như vầy để lâu không tốt đâu! Tối lửa tắt đèn phải nhờ hàng xóm chớ! Cô đừng nghĩ ngợi mần chi cho bệnh tình thêm trầm trọng.” Trời ơi trời!

Bả gập người ngồi dậy, lấy hơi bụng “xí” một cái tao nghe tưởng chừng như lủng cái “lỗ nhĩ”! Ý là bả ho, bị tắt tiếng, bằng không thì... động đất chớ chẳng phải chơi đâu! Sau đó, bả õng a õng ẹo, cao giọng đay đả “móc lò”.

- Anh sống ở đây vả lại chả có đui mù gì đâu mà không thấy? Trước kia, tối lửa tắt đèn tui chỉ nhờ hộp quẹt! Từ khi có điện thì tối lửa tắt đèn tôi nhờ ông thợ điện! Nghèo quá mà tôi đâu dám nhờ cậy ai. Cha, cha… coi cái mòi trời sắp mưa, mưa to! Anh thông cảm nghe, nhà này con cháu ở nước ngoài không hà. Ở cũng gần Châu Âu, Châu Mỹ nên không có ai tiễn khách!

- Đó, mầy nghe mắc trào máu họng không? Vậy mà chưa hết nữa, mắc trào máu họng nữa! Vài ngày sau, mấy “bà tám” ghé tạt vô nhà tao thao thao bất tuyệt, ấn tượng nhất là cái lời độc địa của bà Thạch Thư do con mẹ Năm Trầu ngồi lê chính hiệu, nói lại bằng cái giọng đầu vụn cảm xúc: “Thạch Thư nói, ông thấy bà sống có một mình nên mon men đến giả đò “mua khế bán chanh” để trở mòi ba mươi lăm với bả!”

Trời ơi trời! Cải làm dưa để đến qua tết rệu rã mà ngỡ mình là cải ngồng non mới nhổ, rồi nằm mơ thấy tao ngúc ngắc yết hầu thèm rỏ nước dãi! Ê, ê… nhắc đến cải mới nhớ! Để tao bưng mớ cải tùa- xại dạt ra ao cho ba con cá nó ăn. Tiện thể kiếm một con kho mẳn, nặn chanh và một lọn bông súng nữa thì tao với mày “lai rai” đã đời!

Bảy Đẹp nở nụ cười tỏa… nắng, phô hàm răng ám khói thuốc, có một cái răng cửa bị sứt trông mắc cười nhưng không mất phần duyên dáng.

- Thôi, chú đi thì tôi cũng xin phép về, vì con nước đêm nay còn bận tháo đụt. Đã qua ngày chịu tuổi, giá tôm, cua vẫn còn nhóng lên cao như vầy bà con Khmer làm vuông ở xã mình làm tỷ phú hết trọi!

Hẹn khi khác nghe, chú cháu mình sẽ nhậu. Mà nè, chú với cô Thạch Thư có lẽ đang ở trong trường hợp “thương nhau lắm cắn nhau đau” chớ cổ đối xử với bà con cô bác và chính quyền các cấp rất tốt! Nghe nói cô Thạch Thư trở bệnh nặng lắm chú à!

Tôi không cho ông thợ điện hay được bởi ổng ở tận trên huyện lận. Hay chú ra tay nghĩa hiệp đi, làm Thạch Sanh xuống hang sâu cứu công chúa như trong vở hát dù- kê Thạch Sanh… vậy đó!

- Ừ, ờ… tao không sợ thằng thợ điện nó cướp công, chỉ sợ nó lấp kín miệng hang, tao đành chia tay với thời đại bốn chấm không thì tiếc quá xá mầy ơi!

Cả hai cùng bật cười. Tiếng cười vô tư như chính vẻ đẹp mộc mạc, giản đơn của người dân Khmer miệt biển chân đất tay bùn, sớm hôm cần cù lao động bất cần mưa dầm nắng gắt.

Tiếng cười len lỏi tận vòm cây đùa vui với cánh cò chở câu hò vời vợi, rồi bất chợt bay vút lên khoảng không bỏ lại vẻ đẹp thăng hoa, bứt phá và ngoạn mục của một buổi chiều bịn rịn, làm rụng từng giọt nắng, để hoàng hôn buồn nhuộm tím rịm miền nhớ mênh mông.

Ngồi một mình dưới cây thốt nốt nghiêng mình trong gió, chú Danh Hưởng tung từng nắm cải xuống ao. Đàn cá phổng phao so với độ tuổi một năm nổi lên vùng vẫy, lôi tuột những bẹ cải xuống sâu, để lại mặt nước ao đầy trong vắt, in cả bóng những vòm cây tràm, cây đước đang rung rinh tán lá, vì gió vướng vít thổi lao xao.

Nhìn thành quả đạt được hơn dự đoán của mình, lẽ ra chú Danh Hưởng phải vui, nhưng trái lại chú lại buồn. Nỗi buồn mênh mang luồn lách vào tận trái tim, bởi kỷ niệm êm đềm của tình yêu ở cuối mùa chiến chinh đang trỗi dậy trong lòng, từ khi nghe câu nói bước ra từ cửa miệng của Bảy Đẹp vừa rồi: “Thương nhau lắm cắn nhau đau”.

(Mời xem tiếp trên VLCN kỳ tới)