Phương ngữ Nam Bộ về phương tiện lưu thông trên sông

Cập nhật, 05:27, Thứ Ba, 04/12/2018 (GMT+7)

Nam Bộ là xứ sở của những dòng sông và trong quá trình mở cõi vào phương Nam, các lưu dân đã nhận thấy tầm quan trọng của sông rạch trong việc ổn định cuộc sống của họ sau này nên cư trú ven sông và việc này đã tạo thuận lợi cho việc di chuyển bằng sông.

Để ứng xử với môi trường tự nhiên và thích nghi địa hình sông nước, cư dân ở Nam Bộ thời khẩn hoang đã nghĩ đến việc dùng ghe xuồng để làm phương tiện đi lại.

Giao thông đường thủy đã có từ lâu đời ở Việt Nam, nhưng do Nam Bộ có nhiều sông, rạch nên loại hình này phát triển đa dạng và phong phú.

Ghe xuồng đối với cư dân Nam Bộ là một vật dụng thiết yếu phục vụ việc đi lại và chuyên chở của con người. Ngoài ra, nó còn là phương tiện đánh bắt thủy- hải sản.

Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh ghe xuồng xuất hiện nhiều, dày đặc trong ca dao Nam Bộ. Sự xuất hiện của ghe xuồng bắt nguồn từ thực tế ứng xử của người Nam Bộ với môi trường sông nước. Đó là chứng tích của một nền văn minh sông nước trong ca dao.

Bởi vì ghe xuồng từ bao đời nay đã gắn chặt với đời sống miền sông nước, chúng đi vào tiềm thức con người và xuất hiện trở lại trong ca dao.

Người Nam Bộ trải qua hơn 300 năm khai hoang, lập đất có sử dụng những từ ngữ rất riêng, rất đặc thù. Phương ngữ Nam Bộ có những nét khu biệt với phương ngữ Bắc, Trung Bộ mà những ngôn ngữ khác khó xâm nhập, chúng có sự thống nhất tương đối cao.

Ở các tỉnh phía Bắc, những từ ngữ để xưng hô, nơi thì gọi cha- mẹ, bố- mẹ, thầy- u, nơi gọi cậu- mợ, thầy- bu. Ở miền Nam chỉ gọi bằng ba- má, tía- vú.

Ngược lại, ở Nam Bộ để chỉ phương tiện thủy có nhiều tên gọi khác nhau để chỉ rõ đặc trưng, công dụng, kích cỡ của mỗi loại xuồng ghe. Ở miền Bắc, miền Trung gọi bằng một tiếng là thuyền, đò.

Ở Nam Bộ, riêng loại ghe đã có tới hơn chục tên gọi như ghe chài, ghe bầu, ghe lườn, ghe be, ghe ngo, ghe lúa, ghe muối,… rồi xuồng thì có xuồng ba lá, xuồng chèo, tắc ráng, ca nô, vỏ lãi,...

Tất cả ghe xuồng đều được đóng bằng ván cây sao, thích nhất là ghe xuồng được đóng bằng cây sao núi vì nó chắc, bền, sử dụng nhiều năm nhất.

Để chỉ các loại ghe, có ghe bầu là loại ghe lớn, chở nhiều đồ, đi xa, dài ngày và chống chịu được sóng to, gió lớn. Tiếng Khmer là “sòm pầu”.

Ca dao có câu: “Con quạ nó đứng đầu cầu. Nó kêu bớ má ghe bầu vô chưa”. “Ghe chài” là danh từ kết hợp hết sức độc đáo. Đây là tiếng Triều Châu được người Khmer dùng như tiếng Khmer, là loại ghe có trọng tải lớn chở đủ thứ hàng hóa.

Ca dao có câu: “Chú tôi trồng mía, trồng khoai. Bớ thím ghe chài lấy chú tôi không?” Tương tự kiểu ghép này có ghe lúa, ghe củi, ghe mắm, ghe be. Tên gọi về đặc trưng của ghe thì có ghe lườn, vì được người thợ đục, đẽo từ một khúc gỗ nguyên, to.

Tên gọi từ hình dáng của ghe được người thợ đóng hơi phình ra ở phần giữa gọi ghe bầu. Ghe be được người thợ đóng thêm miếng ván trên be ghe dài từ sạp sau tới sạp trước của ghe.

Ghe hàng là loại ghe người dân dùng bán tạp hóa trên sông nước, đi từ nơi này đến nơi khác. Ghe tam bản loại ghe chở 1- 2 tấn hàng hóa, thường dùng chở lúa trên sông, rạch.

Xuồng là phương tiện dùng để đi lại trên sông rạch, sức chở vài người, vài trăm ký hàng hóa. Xuồng không dùng đi trên sông cái hoặc đi trên biển.

Xuồng cũng được đóng bằng ván cây sao. Xuồng ba lá là loại xuồng được đóng bằng 3 miếng ván. Sau này có nhiều cơ sở đóng xuồng có sự biến đổi như xuồng năm lá, bảy lá.

Loại xuồng được đóng bằng miếng ván dài, thon được gắn máy chạy với tốc độ tương đối cao, làm tàu chở khách gọi là vỏ lãi.

Loại đóng bằng hợp kim nhẹ, bền hoặc bằng composite, nhỏ, chạy trên sông với tốc độ cao, có thể đua với xe máy chạy trên bờ gọi là cano.

Ngoài ra còn tắc ráng, chủ yếu là phương tiện chở người và hàng hóa số lượng ít. Nơi đường bộ chưa được thuận lợi, trẹt dùng để chuyên chở máy suốt lúa, máy xới đi trên sông rạch. Còn bo bo không đóng bằng cây ván, dùng cho quân đội, hải quân.

Ở vùng sông rạch như Nam Bộ, chiếc ghe, chiếc xuồng đan xen chằng chịt kết thành điểm chợ mua bán, trao đổi hàng hóa trên sông rồi từ đó hình thành nên khu chợ nổi với những chiếc ghe chất đầy hàng hóa, nay ở chỗ này, mai ở chỗ khác.

Có khi len lỏi vào tận những con kinh, con rạch đem hàng hóa phục vụ đến tận nhà, góp phần làm nên nét đặc trưng của chợ trên sông.

TRẦN MƯỜI