Treo ngay ánh nhìn "bức tranh sông nước"

Cập nhật, 07:54, Thứ Năm, 19/07/2018 (GMT+7)

Đó là một loại tranh “động” làm từ chất liệu “đời sống”: lúc là ghe tàu chở khách trên sông, xà lan xuôi ngược chở hàng, xuồng nhỏ tí teo giăng lưới cá… Nhà cửa, hàng quán, công trình kiến trúc ven sông muốn có loại tranh này không tốn tiền mua, chỉ lo thiết kế sao cho có góc nhìn hướng ra sông nước.

Đến cà phê bờ sông không chỉ để thưởng thức cà phê mà còn để đắm mình vào cảnh quan sông nước.
Đến cà phê bờ sông không chỉ để thưởng thức cà phê mà còn để đắm mình vào cảnh quan sông nước.

Góc nhìn sông nước

Sống hòa hợp với thiên nhiên- men theo sông ngòi, kinh rạch là tập quán lâu đời của người dân miền Tây vì thuận tiện cho các hoạt động mưu sinh. Đó là lý do khiến nhà sàn ven sông trước đây trở nên phổ biến.

Ngày nay, nhà sàn trên sông đang bị xóa dần, các hoạt động mưu sinh cũng phong phú hơn, thay vì chủ yếu dựa vào sông nước như trước đây. Tuy nhiên, xu hướng sống hòa hợp với thiên nhiên, hài hòa cùng sông nước không mất đi.

Thực tế cho thấy, bằng cách nào đó, sông nước vẫn hiện diện trong các thiết kế nhà cửa, hàng quán, công trình… nhất là những công trình ven sông.

Ông Nguyễn Quốc Duy- Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Long- lý giải: Con người thích sống nơi có không gian thoáng đãng, khí hậu mát mẻ, đối lưu không khí… Sông ngòi, kinh rạch… là nơi hội tụ những ưu điểm này.

Ông cho biết thêm, ngày nay, nhiều khu đô thị “trong đất liền” còn đào ao hồ nhân tạo kết hợp với cây xanh, thảm cỏ để tận hưởng cảnh quan, môi trường sống trong lành.

Tại Vĩnh Long, trục cảnh quan từ cầu Mỹ Thuận hướng về trung tâm TP Vĩnh Long đã được Trung ương đầu tư dự án kè Cổ Chiên.

Dọc theo tuyến kè này, một số dự án đã hình thành và hiện tỉnh đang mời gọi đầu tư một số dự án ở các vị trí đắc địa để tận dụng hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan đặc trưng sông nước.

Theo đó, có thể kể đến một số dự án như: Khu Du lịch Trường An, Quảng trường TP Vĩnh Long… đã hình thành. Bên cạnh, còn có Cồn Chim, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á tại Vĩnh Long, Khách sạn Sài Gòn- Vĩnh Long…

Trong đó, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á tận dụng không gian sông nước để hình thành nơi vừa chữa bệnh vừa nghĩ dưỡng, Khách sạn Sài Gòn- Vĩnh Long thiết kế không gian mở hướng ra bờ sông… Bên cạnh, với địa thế sông nước hội tụ, TP Vĩnh Long hiện có nhiều nhà cửa, hàng quán, công trình… có “view” (tạm gọi là góc nhìn) sông nước.

Chỉ tay vào khung cửa sổ hướng ra sông của nhà mình, chú Lê Bé Tư (Phường 2- TP Vĩnh Long) tâm đắc và có phần hài hước: “Nhà tui treo “bức tranh” này vừa đẹp vì cảnh vật thay đổi liên hồi, lại có gió tự nhiên thổi vào mát mẻ mà không tốn kém”.

Ông Nguyễn Hoàng Hải- Giám đốc Khách sạn Cửu Long (Công ty CP Du lịch Cửu Long) cho biết: Cửu Long A và Cửu Long B có khoảng 32 phòng “view” hướng sông Cổ Chiên, sông Long Hồ, giá cao hơn các phòng khác 30% nhưng luôn đầy trước bởi khách hàng ưu tiên chọn.

Ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết thêm, các phòng này được thiết kế, bố trí đẹp hơn, tiện nghi hơn và diện tích lớn hơn…

Sông nước tự nhiên nhưng… cần xin phép

Là một trong những quán cà phê có “view” sông nước lâu năm của TP Vĩnh Long, Chị Xuân- thu ngân của quán cà phê Hoa Nắng (Phường 1- TP Vĩnh Long) cho biết, khách thường ngồi các bàn ở mép sông, khi nào đầy hết mới đến các bàn phía trong.

Là một trong những khách ngồi bàn gần sông, chú Ngô Văn Quang (huyện Cái Bè- Tiền Giang) cho biết: Thỉnh thoảng, có dịp sang Vĩnh Long, tôi lại đến quán này ngắm sông nước cho “sướng mắt”. Khúc sông này vui do ngay ngã ba, gần bến phà, chợ lớn nên tàu ghe tấp nập…

Khách đến quán cà phê Lợi 1 ở đường Trần Phú (Phường 4- TP Vĩnh Long), vừa đậu xe xong đã nghe “mời đi thẳng ra sau bờ sông”.

Ở sát sông Long Hồ, chú Lê Minh Tân tận dụng không gian nhà mở quán cà phê. Trong đó, điểm nhấn trọng tâm của quán là phần phía sau nhà- giáp sông được thiết kế một trệt một lầu với trên dưới 10 bàn.

Chú Tân cho biết, khi dọn về đây ở, nhận thấy không gian bờ sông khá lý tưởng: sông rộng, tàu ghe qua lại nhiều, gió sông mát mẻ… nên quyết định đầu tư.

Chú Tân cho biết thêm, hầu hết khách đều thích ngồi ở các bàn gần sông, đặc biệt là trên lầu để ngắm sông, ngắm mưa, tận hưởng gió sông mát rượi thổi vào nên không cần bật quạt. Đầu tư tiền tỷ nhưng chú Tân không lo lắng bởi “quán đã hoạt động mấy năm, lượng khách ổn định, chừng 5- 7 năm sẽ lấy lại vốn”.

Là người ghiền cà phê bờ sông, cô Phạm Ngọc Trâm- giáo viên Ngữ văn (ở xã Tân Hạnh- Long Hồ) chia sẻ: “Thật thoải mái khi ngắm nhìn con nước lớn tràn trề mặt sông, con nước ròng lô nhô bờ bãi, mùa nước son ngầu đỏ đổ về…

Nhịp sống trên sông lúc nào cũng sinh động. Thì ra, người sông nước vẫn yêu sao sông nước”. Tuy nhiên, cô Trâm cũng trăn trở: “vẫn còn nhiều hành động kém duyên trên sông- có thể lọt vào tầm nhìn du khách, gây ấn tượng xấu như: quăng rác, xiệc điện trên sông… cần khắc phục ngay”.

Đồng ý kiến này, ông Nguyễn Hoàng Hải nói, cần xử lý triệt để những trường hợp khai thác tận diệt; có đội vớt rác định kỳ trên sông để “đánh động” ý thức bảo vệ môi trường, tạo hình ảnh đẹp. Cũng là một người thích “view” sông nước, anh Nguyễn Anh Minh (Phường 8- TP Vĩnh Long) cho rằng, Vĩnh Long có thế mạnh sông nước nhưng chưa khai thác hết.

Chẳng hạn, TX Bình Minh ven sông Hậu nhưng chưa có công trình “điểm nhấn” ven sông. TP Vĩnh Long thì có đường bờ sông rất dài, cần tận dụng khai thác thế mạnh du lịch nhiều hơn trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Quốc Duy- Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh cho biết, nhà đầu tư chỉ có thể khai thác bờ sông trong trường hợp vị trí khai thác phù hợp quy hoạch, được cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thống nhất, vị trí đó phải hình thành khu du lịch hoặc dự án, không sử dụng nhỏ lẻ…

Bên cạnh, trong các đồ án quy hoạch thì tất cả các công trình xây dựng ven sông phải có khoản lùi (2- 10m hoặc trên 10m). Trường hợp người dân có nhà, đất ven sông muốn tận dụng, khai thác bờ sông thì cần xin cấp phép. Theo đó, tùy trường hợp có thể được cấp phép tạm hoặc xây dựng bằng vật liệu nhẹ, dễ tháo dỡ… tránh gây phá vỡ cảnh quan bờ sông, ô nhiễm môi trường, thay đổi dòng chảy…

Thiết nghĩ, khai thác, tận dụng cảnh quan sông nước cho thiết kế công trình thêm đẹp, không gian sống thêm thoáng đãng, thoải mái… là cần thiết. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ các phương án thiết kế sao cho phù hợp và tuân thủ nghiêm các quy định liên quan, nhất là đối với những dự án khai thác, tận dụng sông ngòi, kinh rạch để kinh doanh.

 Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN