Cách mạng Tháng Tám 1945- Đại thắng từ lòng dân

Cập nhật, 05:52, Thứ Sáu, 02/09/2016 (GMT+7)

Hơn 70 năm đã qua, Cách mạng Tháng Tám vẫn là một sự kiện diệu kỳ của lịch sử dân tộc Việt Nam và nhân loại.

Bức họa Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào ngày 16/8/1945 quyết định tổng khởi nghĩa trong cả nước.
Bức họa Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào ngày 16/8/1945 quyết định tổng khởi nghĩa trong cả nước.

Cách mạng Tháng Tám 1945 là biểu tượng cao đẹp, là hội tụ của các nguồn xung lực mạnh mẽ của toàn dân tộc trong thời khắc bước ngoặt lịch sử dưới ngọn cờ chói lọi tinh thần yêu nước của Mặt trận Việt Minh, do Đảng ta và Hồ Chí Minh lãnh đạo.

Từ thân phận nô lệ, Tổ quốc Việt Nam đã độc lập, tự do, có quyền tự quyết; nhân dân Việt Nam trở thành người chủ và làm chủ trong một chế độ dân chủ cộng hòa.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã làm rung chuyển và chấn động hệ thống thuộc địa, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam- kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; đồng thời cũng là cột mốc đánh dấu sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa kiểu cũ trên phạm vi quốc tế.

Thành quả to lớn đó trước hết thuộc về sự nghiệp cách mạng của toàn thể nhân dân Việt Nam, trong đó, vai trò của Hồ Chí Minh là tiền đề và hết sức quan trọng.

Để có được thắng lợi vĩ đại đó, Hồ Chí Minh đã phải bôn ba khắp năm châu bốn biển, đúc kết kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, lựa chọn con đường cách mạng vô sản duy nhất đúng cho dân tộc Việt Nam.

Người đã nắm chắc thời cơ và khi thời cơ chín muồi, cũng chính Người đã “chớp lấy” kịp thời nhất, cùng toàn Đảng, toàn dân tộc đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi vĩ đại.

Thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945 đã đúc kết bài học quý về quy tụ nhân tâm, quy tụ lòng người; bài học về sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp hài hòa “ý Đảng với lòng dân”, như một quy luật lịch sử tất yếu khách quan.

Tin dân, dựa vào dân, hiểu thấu dân tâm là truyền thống quý báu trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc ta, trở thành một giá trị tiêu biểu của nền văn hóa- chính trị Việt Nam hiện đại.

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, chỉ khi nào lòng dân quy về một mối, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố vững chắc thì nội lực dân tộc mới được phát huy cao nhất, đất nước mới trở nên thái bình, thịnh trị, dân chúng yên vui, hạnh phúc.

Hội nghị Trung ương 8 của Đảng (5/1941) và sự ra đời của Mặt trận Việt Minh đánh dấu bước ngoặt trong đường lối lãnh đạo cách mạng hướng tới việc mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, quy tụ và phát huy cao độ nội lực dân tộc cho một cuộc hồi sinh vĩ đại.

Khối đại đoàn kết dân tộc được mở rộng, củng cố, không ngừng “đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh” và còn nâng lực lượng của khối đại đoàn kết đó lên một trình độ mới, một chất lượng mới- Đại đoàn kết quy tụ dân tâm có hệ tư tưởng, có tổ chức, có lãnh đạo.

Và được đồng bào cả nước đồng lòng, đồng sức, chỉ trong khoảng 2 tuần, Cách mạng Tháng Tám 1945 đã diễn ra một cách mau lẹ, đầy bản lĩnh và sáng tạo, thắng lợi hoàn toàn trên cả nước.

Kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, toàn dân tộc Việt Nam càng tiếp tục nỗ lực học tập, nghiên cứu, thấm nhuần và thực hiện đường lối đại đoàn kết, bài học lịch sử “Việc cương thường muôn thuở là ở dân tâm”; thực hiện tốt hơn nữa, cao hơn nữa bài học nắm vững quy luật lòng dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, xác định chủ nghĩa yêu nước chân chính là động lực vĩ đại trong tiến trình thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới.

(Lược trích theo QĐND)