Chủ động hơn trước thiên tai

Cập nhật, 05:58, Thứ Năm, 12/07/2018 (GMT+7)

Trận mưa lũ kèm sạt lở đất cuối tháng 6 vừa qua gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền núi phía Bắc, những cơn giông lốc bất ngờ xảy ra tần suất dày ở Nam Bộ cho thấy thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.

Thiên tai, biến đổi khí hậu đang và sẽ tác động nghiêm trọng đến nước ta. Tại hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững năm 2018 vừa diễn ra, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam- Ousmane Dione đã nhấn mạnh biến đổi khí hậu chính là 1 trong 4 xu thế lớn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Theo ông Ousmane Dione, tốc độ tăng nhiệt độ mỗi thập kỷ ở Việt Nam kể từ những năm 1960, gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu. Mực nước biển dâng cao có thể làm cho 1/3 dân số Việt Nam có nguy cơ ngập lụt.

Thay đổi độ mặn đe dọa 2/3 lượng cá nuôi trồng và đánh bắt ở Việt Nam. Và sụt lún đất kết hợp với tăng độ mặn ở ĐBSCL gây nguy cơ mất sinh kế của 13,6 triệu nông dân trồng lúa.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng- thủy văn quốc gia, 6 tháng cuối năm 2018, nước ta sẽ có thể chịu ảnh hưởng từ 12- 13 cơn bão.

Số cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Việt Nam sẽ ở mức nhiều và sớm hơn so với trung bình nhiều năm trước.

Diễn biến mưa phức tạp, mưa lớn có khả năng xảy ra trên diện rộng và tạo thành các đợt kế tiếp nhau rất khó lường. Cần đề phòng những đợt mưa lớn có tính lịch sử và vượt quá lịch sử.

Trực tiếp có mặt tại nơi xảy ra sạt lở đất, sạt lở bờ sông sau mưa lũ vừa qua, lãnh đạo Tổng cục Phòng chống thiên tai thẳng thắn nhìn nhận, sự chủ động của các địa phương đang rất hạn chế;

còn thiếu hẳn năng lực cộng đồng cũng như chỉ đạo cộng đồng trong việc phòng tránh thiên tai; dù chúng ta luôn nhấn mạnh điều kiện tiên quyết và nhất quán là phải thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai. 

HOÀNG HÀ