"Cấp thiết" chống tham nhũng!

Cập nhật, 05:16, Thứ Năm, 23/11/2017 (GMT+7)

Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi làm nóng nghị trường Quốc hội. Phần lớn ý kiến của đại biểu tán thành với sự cần thiết của việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật PCTN. 

Theo đó, cần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi để triển khai thuận lợi, với phương châm “phòng” là chính, nhưng “chống” là rất quan trọng và cấp thiết. Nhiều đại biểu đặt vấn đề về tài sản bất minh được nêu trong dự thảo luật.

Thông tin từ Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho thấy, kết quả thu hồi tài sản tham nhũng còn nhiều hạn chế. Số thiệt hại về tài sản do tham nhũng gây ra là 59.750 tỷ đồng và 400ha đất nhưng số tiền thu về chỉ 4.676 tỷ đồng và 219ha đất, chỉ tương đương khoảng 10%.

Có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là do pháp luật chưa có cơ chế để xử lý sớm với tài sản tham nhũng.

Đặt vấn đề đối với trường hợp sở hữu tài sản không rõ nguồn gốc hoặc nguồn gốc không hợp pháp như vậy có xem là tài sản bất minh hay không? Theo đại biểu, đây là vấn đề cốt tử của PCTN, vì chỉ khi “trao thẩm quyền cho cơ quan chức năng, kiểm soát có quyền truy lùng đến cùng nguồn gốc của các loại tài sản thì mới PCTN được”.

Từ thực tế các vụ việc nổi cộm vừa qua cho thấy, cần thiết phải bổ sung tài sản bất minh là tài sản tham nhũng thì mới giải quyết được vấn đề PCTN.

Phải đột phá vào những điểm nghẽn trong cuộc chiến PCTN. Đã đến lúc phải có một cơ quan đặc nhiệm chống tham nhũng như các nước từng thực hiện rất thành công!  

HOÀNG HÀ