Vị thế người thầy

Cập nhật, 05:36, Thứ Ba, 21/11/2017 (GMT+7)

“Tôn sư trọng đạo” và “hiếu học” là một truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam được thử thách, tôi luyện qua hàng ngàn năm lịch sử để trở thành một nét đẹp văn hóa.

Người thầy được ví với nhiều hình ảnh đẹp, như người đưa đò, người nuôi dưỡng tâm hồn…

“Thầy cô dạy Lý đã truyền lực hấp dẫn cho những bài toán điện, soi đường cho các con tiếp bước hôm nay. Những chất xúc tác mà thầy cô dạy Hóa dạy đã giúp con hoàn thành phản ứng, tạo ra sản phẩm là hai chữ “nên người”.

Thầy cô dạy Sinh cho các con biết sinh giới tiến hóa chung nguồn gốc, là con người phải biết yêu thương nhau.

Văn học dạy các con biết yêu những điều bình dị nhất, từ người thân, bạn bè, thầy cô đến tình yêu quê hương đất nước; cho các con tự hào là con cháu Lạc Hồng ngàn năm văn hiến với những trang sử hào hùng, chói lọi.

Thầy cô dạy Địa cho các con biết Việt Nam là một dải hình chữ S tươi đẹp. Thầy cô dạy Nhạc, Họa cho các con biết phác họa những nét đẹp cuộc đời, mang lại cho các con những hương vị cuộc sống bằng những nốt nhạc bay bổng; Còn thầy cô tiếng Anh cho các con công cụ hội nhập.

Thầy cô Thể dục rèn luyện những đôi chân, bàn tay được rắn chắc, khéo léo hơn để mai này xây dựng đất nước…”

Bài cảm tưởng của học sinh lớp 9 tại lễ kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) khẳng định, trước những tác động mạnh mẽ của kinh tế thị trường, đạo thầy trò cũng đã ít nhiều phải chịu những biến thiên, thay đổi và đây đó có quan điểm, cách nhìn, chính sách làm cho vị thế người thầy bị méo mó nhưng xã hội không hề mất niềm tin vào nghề giáo.

Phải trả người thầy về đúng vị trí của họ, đặt vào đúng tâm thế của họ, giúp người thầy có môi trường làm việc an lành nhất, tốt nhất, xứng đáng là những người dẫn dắt tâm hồn như chúng ta mong đợi. 

HOÀNG HÀ