Khu vực Mê Kông đang chìm, đất đang sụt lún 2,5cm/năm

Cập nhật, 14:54, Thứ Bảy, 13/10/2018 (GMT+7)

Khu vực Mê Kông đang chìm, đất đang sụt lún 2,5cm mỗi năm, lượng phù sa cũng giảm nghiêm trọng, cùng với đó là nước biển dâng 3mm/năm.

Ngày 12/10, tại TP Cần Thơ, Tổng cục Phòng chống Thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức lễ mít tinh ngày quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai và tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc tế về Quản lý rủi ro thiên tai cho vùng đất thấp.

Tình trạng sạt lở bờ sông vẫn diễn biến phức tạp.
Tình trạng sạt lở bờ sông vẫn diễn biến phức tạp.

Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, tình hình lũ năm nay đã làm vỡ đê bao ở tỉnh Đồng Tháp, sạt lở bờ sông Hậu tại tỉnh An Giang với chiều dài hơn 100m sâu vào đất liền từ 20 -25 m, phải di dời khẩn cấp 11 hộ dân với 43 nhân khẩu, lũ đã làm thiệt hại hơn 1.500 ha lúa.

Bên cạnh đó, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển vẫn diễn biến phức tạp với 562 điểm, chiều dài sạt lở 786 km.

Tại Hội thảo nhiều đại biểu cho rằng, khu vực Me Kong đang chìm, đất đang sụt lún 2,5cm mỗi năm, lượng phù sa cũng giảm nghiêm trọng, cùng với đó là nước biển dâng 3mm/năm.

Đây là sự báo động, mối đe dọa đối với khu vực và người dân vùng ĐBSCL khi tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển vẫn diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Theo đánh giá, hàng năm thiên tai đã gây thiệt hại lớn cho đất nước khi mất 1,5% GDP và làm trên 300 người chết và mất tích.

Ông Nguyễn Trường Sơn cho rằng tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL diễn biến phức tạp.
Ông Nguyễn Trường Sơn cho rằng tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL diễn biến phức tạp.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho biết: Tình hình thiên tai trên thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp, với những thảm họa động đất và siêu bão diễn ra ở nhiều nơi.

Trong năm nay, đã xuất hiện những trận mưa lịch sử, gây lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng tại các tỉnh miền núi phía Bắc, làm 175 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính trên 12.000 tỷ đồng.

Đối với khu vực ĐBSCL năm nay, lũ về sớm và cao hơn so với các năm, các tỉnh ở thượng nguồn đã chủ động nhiều phương án để đối phó với lũ nên thiệt hại ở mức thấp nhất.

Cần nhiều giải pháp để hạn chế sạt lở.
Cần nhiều giải pháp để hạn chế sạt lở.

Theo ông Nguyễn Trường Sơn, tình hình thiệt hại chủ yếu vỡ một số khu vực bờ bao bị yếu và thiệt hại diện tích lúa, một số diện tích về cây ăn trái và hoa màu, nhưng không thiệt hại nào về người. Đây là nhờ sự chuẩn bị của chính quyền và sự chủ động và sự phối hợp của người dân./.

Theo VOV