UBND tỉnh tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp

Doanh nghiệp có bức xúc, khó khăn- xin mời đến

Cập nhật, 05:24, Thứ Bảy, 01/04/2017 (GMT+7)

Ngày 31/3/2017, lần đầu tiên UBND tỉnh tổ chức đối thoại với doanh nghiệp (DN) nhưng không gửi thư mời trực tiếp từng DN và mời số lượng lớn DN cùng tham dự một cuộc họp, mà thông báo trên báo, đài địa phương để tất cả DN đều nắm bắt được thông tin và nếu có nhu cầu thì trực tiếp tham dự đối thoại phản ánh bức xúc, vướng mắc của mình. Với cách làm mới này, tỉnh mong muốn mời các DN có bức xúc, khó khăn đến cùng đối thoại.

Lãnh đạo tỉnh lắng nghe phản ánh của DN.
Lãnh đạo tỉnh lắng nghe phản ánh của DN.

Đổi mới tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp

Không như các cuộc họp tiếp xúc, đối thoại với DN trước đây với con số DN lên đến hàng trăm DN và phải bố trí ở hội trường lớn.

Lần này, buổi gặp gỡ đối thoại chỉ hơn 10 DN tham dự trong phòng họp vừa đủ ghế ngồi cho đại biểu và chiếm số lượng nhiều hơn là lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh với vai trò “trả lời, giải trình tất cả các vướng mắc, bức xúc của DN một cách rõ ràng, cụ thể”.

Điều này được các đại biểu DN tham dự đánh giá là “quá tốt đối với DN”, cho thấy sự đồng hành, quan tâm và chia sẻ của lãnh đạo tỉnh với DN rất thiết thực và đầy trách nhiệm.

Phát biểu đầu cuộc họp, ông Lê Quang Trung- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- cho hay buổi gặp gỡ nhằm tạo điều kiện cho DN gặp gỡ tiếp xúc với lãnh đạo UBND tỉnh và các cơ quan quản lý nhà nước để nắm bắt, chia sẻ và có những giải pháp kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc.

Đây là lần đầu tiên UBND tỉnh tổ chức đối thoại với DN qua thông báo trên báo, đài địa phương để tất cả DN đều biết thông tin và tham dự đối thoại để trực tiếp phản ánh bức xúc, vướng mắc của mình.

“Từ năm 2017, UBND tỉnh sẽ tổ chức đối thoại, tiếp xúc DN thường xuyên mỗi quý một lần và sẽ thông báo về thời gian, địa điểm trên báo, đài để DN biết thông tin.

DN nào có khó khăn, vướng mắc cũng có thể tham dự, vì UBND tỉnh muốn đồng hành cùng DN giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.

Chính vì thế, tôi biết DN đến đây là có khó khăn, vướng mắc, cứ phản ánh cụ thể, rõ ràng từng vấn đề, không giấu giếm để các thành viên UBND tỉnh trả lời, giải quyết trong thẩm quyền”- ông Lê Quang Trung nói.

Được lời như cởi tấm lòng, ông Lê Vũ Bình- DNTN Vũ Bình chuyên kinh doanh xăng dầu (xã An Bình- Long Hồ) phấn khởi cho rằng đây là động thái rất hay của lãnh đạo UBND tỉnh để DN trực tiếp đối thoại, giải quyết nhiều vướng mắc, khó khăn.

Về phần mình, ông cho biết, đã kinh doanh lĩnh vực này trên 20 năm, với vị trí trạm bơm buôn bán gần vàm An Bình thuộc sông Cổ Chiên. Tuy nhiên gần đây có hộ liền kề đóng lồng bè nuôi cá đã gây khó cho các phương tiện ra vào trạm xăng.

Trả lời thẳng thắn, cụ thể

Ông Lê Quang Trung khẳng định: UBND tỉnh luôn đồng hành cùng DN trên đường phát triển.
Ông Lê Quang Trung khẳng định: UBND tỉnh luôn đồng hành cùng DN trên đường phát triển.

Ông Lê Quang Trung đề nghị 3 đơn vị là Sở Nông nghiệp- PTNT, Giao thông Vận tải và UBND huyện Long Hồ báo cáo vấn đề DN Vũ Bình phản ánh.

Đại diện lãnh đạo UBND huyện Long Hồ cho rằng, hộ này không phải nuôi mà chỉ để rộng cá sau đánh bắt được để bán, địa phương đã giải quyết nhưng chưa có kết quả.

Bà Vương Thị Thu Hương- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT- thông tin tại khu vực nuôi cá lồng bè như ông Bình đề cập là không nằm trong quy hoạch, không được cấp phép và đồng nghĩa sẽ không được phép hoạt động.

Ông Lê Quang Trung hỏi nếu không có phép nuôi, vậy sao vẫn tồn tại? Ông Nguyễn Quang Khải- Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, đây là khu vực do Trung ương quản lý nên còn lấn cấn xử phạt.

Ông Lê Quang Trung đề nghị địa phương cần phối hợp thực hiện yêu cầu tự nguyện tháo dỡ bè cá vào nơi an toàn, nếu không chấp hành sẽ phạt nghiêm.

Trong khi đó, ông Đỗ Lâm Tới- Công ty TNHH OPEN 99 Vĩnh Long- cho biết, ngày 22/12/2016, công ty được Sở Kế hoạch- Đầu tư cấp phép kinh doanh hành nghề taxi.

Tuy nhiên, đến ngày 13/1/2017, khi làm việc với Sở Giao thông Vận tải để hoàn tất các thủ tục còn lại hoạt động thì đơn vị bảo dừng. “Chúng tôi đã đầu tư đầy đủ trang thiết bị đúng theo yêu cầu cùng hàng chục xe mới, đội tài xế, nhân viên giờ phải nằm chờ trả lương.

Chúng tôi cũng không hiểu lý do gì công ty mình không được phép hoạt động, rất mong lãnh đạo xem xét”.

Phó Giám đốc Nguyễn Quang Khải giải thích sở dĩ có trường hợp “kêu tạm dừng” bởi thời điểm công ty xin hoạt động thì cũng có 3 doanh nghiệp taxi khác trên địa bàn xin tăng lượng xe kinh doanh. Sở đề nghị tạm dừng để xem xét vì lo ngại nếu chấp thuận cho công ty hoạt động sẽ gây thưa kiện nhau.

Ông Lê Quang Trung cho rằng, đây là việc làm “cẩn thận” của Sở Giao thông- Vận tải, nhưng “không quá cần thiết”, bởi công ty có xin phép và cạnh tranh công bằng, đề nghị sớm xem xét cấp phép cho công ty đi vào hoạt động.

Ngay sau đó, ông Trung đã đọc số điện thoại cá nhân cho ông Tới và các DN “có vướng mắc gì thì cứ gọi cho tôi”.

Tương tự, khi trả lời về chính sách BHXH cho DN, ông Nguyễn Bá Thanh- Phó Giám đốc phụ trách BHXH tỉnh cũng đọc số điện thoại cho DN ghi, thì được ông Lê Quang Trung nhắc vui rằng: “Cho số điện thoại thì khi DN gọi nhớ nghe máy” và nhấn mạnh: “Ngành bảo hiểm phải có trách nhiệm chăm sóc khách hàng.

Tại các DN có đông công nhân, BHXH có thể làm bảng lớn thông tin chính sách bảo hiểm cho người lao động dễ dàng tìm hiểu”.

Đây là một vài ghi nhận trong số những phản ánh, vướng mắc của DN, cho thấy tinh thần đối thoại thẳng thắn và rõ ràng, nhận được sự hài lòng từ các DN.

Trong đó, cũng có trường hợp DN phản ánh, các đơn vị chức năng đã giải trình thuyết phục bằng các quy định, thủ tục và khẳng định phản ánh của DN không đúng, không hợp lý, để DN hiểu rõ.

Kết thúc buổi đối thoại, ông Lê Quang Trung cho rằng DN không giải quyết được những vướng mắc thì “đừng buồn”, vì tất cả phải căn cứ theo quy định. Phía lãnh đạo UBND tỉnh luôn đồng hành cùng DN trên đường phát triển.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan- Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thu Loan (TX Bình Minh) phản ánh sự việc khiến bà “mất ăn mất ngủ” mấy năm qua. DN có cơ sở sản xuất kinh doanh có giấy phép kinh doanh đàng hoàng, nhưng do diện tích nhỏ không đủ điều kiện sản xuất kinh doanh, năm 2015 DN xây dựng cơ sở mới, diện tích rộng, môi trường đảm bảo, trang thiết bị sản xuất đầu tư tiền tỷ… nhưng xin di dời qua cơ sở mới sản xuất không được. Đã gửi 3 cơ quan Bộ Công thương, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật xin hoạt động trở lại nhưng chưa được cấp phép.

Ông Lê Quang Trung yêu cầu lãnh đạo Sở Kế hoạch- Đầu tư, Sở Công thương trả lời. Theo ông Phạm Tứ Phương- Giám đốc Sở Công thương, nhiều năm qua Trung ương siết chặt cấp phép kinh doanh lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi công ty Thu Loan xin giấy phép mở rộng kinh doanh lại rơi vào thời điểm này nên gặp khó khăn.

Ông Lê Quang Trung cho rằng “không phải hết cách” và đề nghị Sở Công thương phải làm đầu mối cùng Sở Nông nghiệp- PTNT tìm hiểu báo cáo đầy đủ khó khăn, hoàn cảnh của DN, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, sau đó sẽ kiến nghị các bộ, ngành trung ương giải quyết trường hợp “đặc biệt” này.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC - HOÀNG MINH