Cần có quy định hỗ trợ về pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Cập nhật, 16:35, Thứ Sáu, 31/03/2017 (GMT+7)

Ngày 31/3/2017, Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

Tại hội nghị, đa số đại biểu đều thống nhất sự cần thiết của các dự án luật mới khi ra đời sẽ phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ ra đời kịp thời sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển, giải quyết phần nào những vướng mắc hiện tại; Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) ra đời sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập, tạo khuôn khổ pháp lý cho công tác trợ giúp pháp lý phát triển theo hướng chuyên nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội để cung cấp kịp thời sự hỗ trợ pháp lý cần thiết cho những người yếu thế.

Tuy nhiên, để Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thực sự đi vào đời sống, các đại biểu cho rằng, luật này cần được xây dựng, thiết kế chi tiết; về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa, đề nghị nên chia theo tỉ lệ khác nhau của doanh thu theo các lĩnh vực ngành, nghề bởi doanh thu từng ngành nghề trên thực tế là khác nhau.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm đối tượng áp dụng là doanh nghiệp siêu nhỏ để thống nhất với các điều khoản vì trong dự thảo luật chưa đề cập nhưng trong nội dung áp dụng lại có đề cập đến.

Khi bổ sung thêm đối tượng này thì cần có quy định kỹ các tiêu chí cụ thể xác định doanh nghiệp siêu nhỏ là như thế nào để trên cơ sở đó có sự thống nhất và có cơ chế hỗ trợ cho phù hợp; cần có quy định hỗ trợ về pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo điều kiện cho các đối tượng này tiếp cận chính sách hỗ trợ được thuận lợi hơn.

Đối với Luật Trợ giúp pháp lý, nên cân nhắc bỏ quy định tổ chức đăng ký trợ giúp pháp lý chấm dứt thực hiện trợ giúp pháp lý trong trường hợp không thực hiện trợ giúp pháp lý trong thời gian 1 năm liên tục; nên quan tâm đến việc trợ giúp pháp lý lưu động vì thời gian qua rất hiệu quả, góp phần giải quyết thắc mắc của bà con và tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật nhưng dự thảo luật không đề cập đến; nên giữ lại Trung tâm trợ giúp pháp lý giúp người dân an tâm được tư vấn trợ giúp.

 Tin, ảnh: HẢI YẾN