Xử phạt hành vi vượt đèn vàng

Cập nhật, 09:29, Thứ Tư, 10/08/2016 (GMT+7)

Gần đây khi Nghị định 46/2016/NĐ- CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực, thay thế Nghị định 171/2013/NĐ-CP, có nhiều người thắc mắc: Chuyện vượt đèn vàng bị xử phạt cùng mức với hành vi vượt đèn đỏ là đúng hay sai?

Đèn vàng phải dừng lại như đèn đỏ, không chấp hành sẽ bị xử phạt như vượt đèn đỏ.
Đèn vàng phải dừng lại như đèn đỏ, không chấp hành sẽ bị xử phạt như vượt đèn đỏ.

Lâu nay, nhiều người tham gia giao thông vẫn nghĩ: Chỉ dừng khi đèn đỏ, đèn vàng vẫn còn được đi tiếp.

Thế nên, nhiều người khi thấy đèn tín hiệu giao thông chuyển sang vàng là vội tăng tốc vượt qua. Đây là hành vi vô cùng nguy hiểm. Bởi, khi đèn tín hiệu chuyển sang vàng thì ở hướng đường cắt ngang đèn đỏ cũng chuẩn bị chuyển sang xanh.

Khi vượt đèn vàng, ở hướng đường cắt ngang có người đang chạy khi thấy đèn đỏ về 0 chuẩn bị đèn xanh nên tiếp tục tăng tốc; điều này chắc chắn tai nạn xảy ra vô cùng thảm khốc, vì cả hai phương tiện đều chạy rất nhanh.

Tại khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Tín hiệu đèn giao thông có 3 màu quy định
như sau:

- Tín hiệu xanh là được đi;

- Tín hiệu đỏ là cấm đi;

- Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.

Có thể hiểu khi đèn tín hiệu chuyển từ xanh sang vàng- nếu người tham gia giao thông đã điều khiển phương tiện đi qua vạch sơn thì có quyền đi tiếp. Còn nếu chưa đi qua vạch sơn thì phải dừng lại.

Nghị định 171/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định:

- Điểm l khoản 3 Điều 5: Phạt tiền từ 600.000- 800.000đ đối với người điều khiển ôtô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm k khoản 4 điều này (hành vi vượt đèn đỏ).

- Điểm o khoản 3 Điều 6: Phạt tiền từ 100.000- 200.000đ đối với người điều khiển môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe gắn máy không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 4 điều này (hành vi vượt đèn đỏ). Nếu người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vượt đèn đỏ thì bị phạt 1.000.000đ (nếu là ôtô) hoặc 300.000đ (nếu là môtô, xe gắn máy).

Như vậy, tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP cũng đã quy định xử phạt vi phạm hành chính với hành vi vượt đèn vàng (không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông) và phân biệt 2 mức phạt, hành vi vượt đèn vàng thấp hơn vượt đèn đỏ.

Nghị định 46/2016/NĐ- CP quy định chung mức phạt vượt đèn vàng cũng như vượt đèn đỏ- hành vi “Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu
giao thông”.

Theo đó, lái ôtô vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt như vượt đèn đỏ, mức phạt từ 1,2- 2 triệu; môtô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện từ 300.000- 400.000đ. Máy kéo, xe máy chuyên dùng, mức phạt là 400.000- 600.000đ; mức phạt với xe thô sơ từ 60.000- 80.000đ.

Bài, ảnh: HẠNH UYÊN