Sẽ xử lý cán bộ cố tình làm không tốt dự án VLAP

Cập nhật, 07:54, Thứ Ba, 09/08/2016 (GMT+7)

Tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa IX, nhiều đại biểu cho rằng tiến độ cấp, đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) theo kết quả đo đạc của dự án VLAP còn chậm; một số cán bộ làm việc thiếu tinh thần trách nhiệm…

Ông Roãn Ngọc Chiến- Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường đã giải trình (ảnh).

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyền (đơn vị huyện Trà Ôn):

Hiện nay, tiến độ cấp, đổi GCN QSDĐ theo kết quả đo đạc của dự án VLAP còn chậm, riêng huyện Trà Ôn chỉ đạt 58,7%, làm ảnh hưởng đến quyền lợi người sử dụng đất, gây bức xúc trong nhân dân. Đề nghị cho biết nguyên nhân vì sao chậm và giải pháp của ngành thời gian tới như thế nào?

Ông Roãn Ngọc Chiến- Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường:

Việc cấp GCN QSDĐ là nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2016. Tính đến tháng 6/2016, toàn tỉnh đã đăng ký xét duyệt 576.243 thửa, tăng thêm 10.491 thửa, tổng số thửa đủ điều kiện để cấp là 446.776 thửa và đã tổ chức cấp đổi đạt trên 93% số GCN đăng ký.

Riêng huyện Trà Ôn là địa phương có lượng hồ sơ chưa đủ điều kiện để cấp, đổi GCN QSDĐ theo dự án VLAP nhiều nhất.

Từ đầu năm đến nay, sở phối hợp với UBND huyện đã chỉ đạo chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cùng với UBND xã tổ chức hướng dẫn cho người dân bổ sung, thủ tục. Kết quả đã lập thủ tục bổ sung cấp đổi GCN QSDĐ cho 8.039 hồ sơ, trong đó trao được 1.191 GCN (đạt 58,7%).

Trước mắt, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai đang thẩm định để chuyển cơ quan thuế xác định nghĩa vụ tài chính in GCN cho 6.848 hồ sơ, nếu hoàn thành thì trong quý III sẽ đạt 68%.

Việc cấp GCN QSDĐ còn chậm là do Luật Đất đai 2013 quy định chặt chẽ hơn, trong khi các hồ sơ chưa được cấp có tính chất phức tạp như mua bán, chuyển quyền sử dụng từ nhiều người, xảy ra nhiều thời điểm khác nhau, vì vậy để hoàn chỉnh hồ sơ, đòi hỏi người dân phải bổ sung nhiều loại giấy tờ cần thiết nên tiến độ cũng phụ thuộc rất nhiều vào người dân.

Về chủ quan, khối lượng hồ sơ còn cấp đổi khá lớn, đa số phức tạp do gộp từ nhiều thửa… nên việc thẩm định hồ sơ mất rất nhiều thời gian.

Về giải pháp thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ cấp, đổi GCN QSDĐ, sở tăng cường tập huấn cho cán bộ chuyên môn.

Về tháo gỡ khó khăn của hộ gia đình, sở phối hợp UBND huyện chỉ đạo chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai phối hợp UBND xã, thông báo yêu cầu bổ sung thủ tục đến từng hộ để lập hồ sơ cấp, đổi GCN QSDĐ theo quy định.

Đối với trường hợp cho tặng trong gia đình, nếu người đứng tên trên GCN cũ có yêu cầu được cấp lại đúng với tên chủ sử dụng đất gốc, thì ngành sẽ cấp theo yêu cầu chủ đất gốc mà không làm thủ tục chuyển QSDĐ.

Trường hợp hồ sơ đăng ký cấp đổi đã có văn bản cho, tặng, chuyển QSDĐ 2 bên thì cho phép thực hiện thủ tục cấp, đổi GCN… Ngành phấn đấu đến cuối năm 2016 sẽ cấp, đổi cho 90% số thửa có đủ điều kiện.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyền (đơn vị huyện Trà Ôn) chất vấn:

Việc tồn hồ sơ hiện nay còn ở xã rất ít mà chủ yếu là ở chi nhánh văn phòng đăng ký đất của huyện. Đề nghị cho biết thêm về năng lực làm việc của bộ phận này? Cử tri còn cho rằng, đối với một số hồ sơ có sự sai lệch, khi đem lại chi nhánh yêu cầu sửa thì rất là lâu.

Đại biểu Nguyễn Văn Nhỏ (đơn vị huyện Long Hồ):

Còn một nguyên nhân chủ quan nữa là một số cán bộ chuyên môn có trách nhiệm chưa cao, trong thực hiện chưa phối hợp chặt với hộ gia đình, địa phương.

Cụ thể khi xuống đo đạc thì không liên hệ với gia đình mà nói rằng chủ thể có sẵn rồi, nên không cần liên hệ hộ gia đình. Lẽ ra cán bộ phải liên hệ với hộ gia đình, khi đo xong thì hộ gia đình sẽ thống nhất trước, tránh việc sai lệch. Một vấn đề nữa là trách nhiệm trong xử lý sai sót còn rất chậm, có khi hẹn 2- 3 lần mới xử lý xong gây mất thời gian cho dân.

Ông Roãn Ngọc Chiến: Hoạt động của ngành là một nội dung khá nhạy cảm, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai và hoạt động chuyên môn của cơ sở nếu không tốt sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín của ngành, chúng tôi đã chấn chỉnh nhưng việc khắc phục chưa như ý muốn.

Đối với những trường hợp chậm như cử tri và đại biểu nêu, thì dự án VLAP là một dự án lớn, thực hiện trong thời gian ngắn lại dồn toàn bộ các thửa đất đều được đo đạc lại với nhiều biến động về đất đai nên chậm là khó tránh khỏi.

Đối với các địa phương còn nhiều hồ sơ, ngành đã tăng cường cán bộ xuống hỗ trợ. Tuy nhiên, nếu người dân không đến bổ sung các giấy tờ cần thiết thì ngành cũng không thể nào hoàn thành công việc được.

Dù vậy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng có những cán bộ chưa làm tốt, chưa hoàn thành nhiệm vụ, tôi thay mặt ngành nhận khuyết điểm.

Ngành cũng đang chấn chỉnh tinh thần trách nhiệm và lề lối làm việc, trong quá trình thực hiện dự án này. Bản thân tôi cũng như bộ phận tham mưu nếu có phát hiện những cán bộ làm chưa tốt, do không có năng lực hoặc do cố tình, chúng tôi sẽ xử lý theo quy định.

Đới với trường hợp khi đo đạc mà không kết hợp với dân là sai nguyên tắc đo đạc. Bởi trước khi triển khai đo đạc thì phải họp dân mời mọi người có mặt, có lịch, kế hoạch để thông báo cụ thể và xã nắm toàn bộ kế hoạch này.

Kế hoạch này là kế hoạch “cuốn chiếu”, ví dụ như ngày hôm đó đo được bao nhiêu thửa thì thông báo cho một số hộ. Khi đã “cuốn chiếu” đi qua rồi thì không đo trở lại mà phải đo hết xã, ấp rồi mới làm kế hoạch thứ 2 để đo vét đuôi. Nếu người đo đạc không chờ người dân hoặc không có người dân mà cứ đo là sai nguyên tắc.

Bài, ảnh: TÂM HUỆ