Thế hệ trẻ với bảo tồn văn hóa bản địa

Cập nhật, 17:57, Thứ Ba, 09/11/2021 (GMT+7)

Giữ những giá trị văn hóa bản địa chưa bao giờ dễ dàng, đặc biệt với thế hệ trẻ bởi những thách thức từ lối sống và vật chất hiện đại. Tuy nhiên, vẫn có những người trẻ đầy nhiệt huyết và duy trì niềm tin, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Câu chuyện của nhóm bạn trẻ với dự án Ethnicity được chia sẻ trong talk show “Chuyện người trẻ bảo tồn văn hóa” lan tỏa niềm tự hào và tình yêu văn hóa bản địa.

Ethnicity được ghép bởi “ethnic” (dân tộc) và “city” (thành thị) với ý nghĩa kết nối những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc vào cuộc sống thành thị, hình thành bản sắc riêng. Cụ thể và đơn giản hơn, Ethnicity là dự án bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, ở đây là họa tiết hoa văn thổ cẩm của các dân tộc thiểu số.

Với hình thức số hóa các họa tiết thổ cẩm, Ethnicity tạo ra thư viện số đầu tiên tại Việt Nam nhằm bảo tồn, kết nối quảng bá, phát triển các họa tiết hoa văn thổ cẩm, khơi dậy bản sắc văn hóa.

Nguồn tư liệu tại thư viện số sẽ hỗ trợ cho việc đưa các ứng dụng của hoa văn thổ cẩm truyền thống vào các ngành công nghiệp sáng tạo hiện đại. Tất cả nguồn tư liệu đều được chuyển tải dưới hình thức miễn phí dành cho cộng đồng.

Học sinh trải nghiệm dệt thổ cẩm và tìm hiểu hoa văn thổ cẩm cùng Ethinicity trong chương trình kết hợp với Hải Âu Tourist. Ảnh: Hải Âu Tourist
Học sinh trải nghiệm dệt thổ cẩm và tìm hiểu hoa văn thổ cẩm cùng Ethinicity trong chương trình kết hợp với Hải Âu Tourist. Ảnh: Hải Âu Tourist

Theo chia sẻ của Hoàng Trần Thảo Vy, Trưởng bộ phận nghiên cứu Ethnicity, cách nay 3 năm Ethnicity được hình thành từ sự dẫn dắt của Jos Quyền, người luôn trăn trở về việc gìn giữ những giá trị văn hóa nơi mình sinh sống.

Do đó, nhóm gồm 8 bạn trẻ đã hình thành ý tưởng làm sống lại hoa văn trên thổ cẩm các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, bắt đầu từ Bảo Lộc (Lâm Ðồng) với dân tộc Cơ Ho và Mạ.

Hoàng Trần Thảo Vy cho biết: “Khi bắt tay vào làm, tụi mình mới biết rằng điều này không hề dễ dàng, có rất nhiều thứ phải học và nghiên cứu kỹ càng. Khi tìm hiểu sâu, mới biết rằng đằng sau những hoa văn thổ cẩm là những câu chuyện rất sống động về phong tục tập quán, lối sống sinh hoạt của người xưa”.

Thổ cẩm là vải dệt thủ công giàu họa tiết, đa màu sắc. Các hoa văn được dệt trên thổ cẩm là phương thức để người dệt biểu thị về cuộc sống, ngợi ca vẻ đẹp của làng bản, núi rừng.

Với tiêu chí là gìn giữ nguyên bản, nhóm Ethnicity đã dành nhiều thời gian đi đến tận các bản làng của người dân tộc, thu thập và ghi chép, chụp ảnh lưu trữ thành kho tư liệu. Sau đó, các thành viên mới hệ thống, phân tích và số hóa.

Quá trình đó đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên trì. Lê Nguyễn Diễm Hà, Trưởng bộ phận sáng tạo Ethnicity, chia sẻ: “Tiêu chí của nhóm là giữ nguyên bản những hoa văn truyền thống.

Trên cơ sở đó, tụi mình số hóa thành tư liệu để bảo tồn, tiếp đó mới sáng tạo và phát triển thêm, mục tiêu vẫn là vừa giữ được tính nguyên bản, vừa tăng tính sáng tạo và ứng dụng của chúng trong đời sống”.

Thực tế, Ethnicity đã xây dựng 4 thư viện số hoa văn thổ cẩm, gồm: thư viện bảo tồn, phát triển, ứng dụng và minh họa. Trong đó, thư viện bảo tồn hướng đến việc lưu trữ nguyên bản hoa văn gốc (cụ thể chi tiết từ đường chỉ, màu sắc và ý nghĩa mỗi hoa văn), phục vụ cho công tác bảo tồn, nghiên cứu.

Thư viện phát triển là những sáng tạo dựa trên những nền hoa văn gốc được các thành viên phát triển để phù hợp trong ứng dụng đời sống hiện đại.

Từ đó tạo ra thư viện ứng dụng và minh họa khi các hoa văn được sử dụng sáng tạo trên ấn phẩm văn phòng, thời trang, quà tặng lưu niệm… Hồ Bảo Ngọc, Trưởng bộ phận truyền thông Ethnicity, cho biết: “Ðể hướng những người quan tâm nhận đúng thông tin, thông điệp mà nhóm truyền tải, tụi mình luôn thận trọng từ những bước chuẩn bị thông tin, nghiên cứu tư liệu đến thiết kế, ứng dụng.

Trong đó, Ethnicity phải đảm bảo tính xác thực, tôn trọng sự chi tiết, tỉ mỉ của các hoa văn thổ cẩm, nhất là vai trò của các cộng đồng dân tộc ở địa phương”.

Sau hành trình dài, Ethnicity đã chính thức ra mắt thư viện số vào tháng 7-2020, lưu trữ khoảng 100 hoa văn.

Ðây là kho họa tiết số hóa hoa văn thổ cẩm của dân tộc thiểu số Mạ và Cơ Ho đầu tiên tại Việt Nam. Khi truy cập vào thư viện số https://www.joscreative.com/ethnicity, mọi người có thể xem và tải miễn phí, từ hoa văn thổ cẩm gốc đến những hoa văn được sáng tạo phát triển, hay những sản phẩm đã thiết kế ứng dụng.

Với ý nghĩa và tính thiết thực đó, Ethnicity từng được giới thiệu qua các sự kiện quốc tế: Diễn đàn Thanh niên quốc tế UNESCO, Phiên họp của Ủy ban Di sản thế giới lần thứ 43.

Dự án cũng chính thức có mặt trên trang Website của Social Innovation Warehouse - kho lưu trữ và quảng bá trực tuyến các dự án xã hội tiềm năng của các nhà lãnh đạo trẻ được liên kết với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc…

Trần Vân Anh, một trong những người tham dự talk show “Chuyện người trẻ bảo tồn văn hóa”, nói: “Các bạn tuổi còn trẻ, nhưng nhìn vào thành quả nghiên cứu, sự đồng hành nhiều năm của các bạn đối với dự án phi lợi nhuận, cũng như việc thể hiện quan điểm, kiến thức và niềm tin yêu trong việc bảo tồn, quảng bá và phát triển các hoa văn thổ cẩm thực sự làm mình rất nể phục và ấn tượng sâu sắc. Các bạn đã từng bước chứng minh và lan tỏa được những điều dễ thương đến với cộng đồng”.

Có thể nói, câu chuyện của Ethnicity đã truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ trong việc gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa bản địa.

Thực tế, mỗi thành viên trong Ethnicity đều có việc làm riêng, nhưng họ vẫn dành nhiều thời gian, bỏ tiền túi để thực hiện dự án theo hình thức phi lợi nhuận. Không chỉ có vậy, Ethnicity còn đang xây dựng một vòng tròn hành động bền vững về lâu dài.

Ðó là hướng tới việc gây quỹ hỗ trợ cho những bạn trẻ người dân tộc thiểu số tiếp cận các lớp học số hóa để có thể đồng hành lâu dài cùng người địa phương trong việc gìn giữ và bảo tồn bền vững di sản văn hóa, bản sắc dân tộc.

Theo Ái Lam (Báo Cần Thơ)