Những "người đưa đò" giúp học trò chở ước mơ

Kỳ cuối: Cô Tiêu Thanh Trúc - "cô ong" chăm chỉ của Mầm non 3

Cập nhật, 22:43, Chủ Nhật, 22/11/2020 (GMT+7)

>>  Kỳ 1: Thầy Nguyễn Minh Thiện- người nâng cao chất lượng giáo dục vùng sâu

Mỗi ngày, cô Trúc đều xem các bé ăn có ngon miệng không.
Mỗi ngày, cô Trúc đều xem các bé ăn có ngon miệng không.

Các cô ở Trường Mầm non 3, TP Vĩnh Long đặt biệt danh cho cô Tiêu Thanh Trúc là “cô ong chăm chỉ” vì dù ở tuổi 54, cô Trúc chỉ biết làm hết việc chứ không tính hết giờ. Siêng năng, trách nhiệm, tận tâm với công việc của trường với các bé mầm non là việc làm không biết mệt của cô Trúc. Nói như cô Trịnh Thị Thủy- Hiệu trưởng Trường Mầm non 3: “Cô Trúc rất xứng đáng với danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu, cô là tấm gương cho tất cả chúng tôi”.

Sống với nghề bằng cả yêu thương

Cô Tiêu Thanh Trúc- Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non 3 là nhà giáo tiêu biểu năm 2020. Cô Trúc đã gắn bó với nhà trẻ và các cháu mầm non từ năm 1985- giai đoạn khó khăn khi lương nhà giáo còn thấp, đời sống giáo viên mầm non còn nhiều khó khăn.

Lớp học ghép 4 độ tuổi chỉ có 1 cô giáo, không có phòng dạy phải học tạm trong chùa, ngoài mái hiên,… “Mỗi buổi dạy học tôi phải đi sớm để treo tranh ảnh lên tường, dạy xong ở lại tháo tranh ảnh xuống, để trả lại không gian cho chùa”- cô Trúc nói.

Nhớ những năm tháng dạy học mà trường chưa có nước máy để dùng, buổi trưa nóng nực cô giáo phải dẫn học sinh ra ao gần trường tắm rửa. Cũng như nhiều cô giáo mầm non mấy mươi năm trước, cô Trúc cũng rất khó khăn khi bám nghề. Cô Trúc chia sẻ: “Khi tôi lấy chồng, nhà chồng thấy tôi dạy học vất vả mà lương ít nên cũng khuyên tôi nghỉ dạy rồi buôn bán nhỏ có đồng ra đồng vô”.

Nhưng cái nghề giáo đã là cái nghiệp, là tình yêu thương, sự say mê của cô Trúc thì “sao mà nỡ bỏ”. Để bám nghề, bám trường và tăng thu nhập cho gia đình, ngoài giờ dạy trên lớp cô Trúc nhận may gia công để kiếm thêm thu nhập “nuôi nghề”. Cô Trúc cười: “Tôi thích trẻ con và thích làm cô giáo mầm non qua hình ảnh mẹ tôi- cũng là một cô giáo mầm non. Mẹ tôi là người khởi xướng lớp mẫu giáo đầu tiên ở xã Tân Ngãi”.

Nhớ những học trò nhỏ sinh ra trong gia đình đông con, cha mẹ sáng sớm phải đi buôn bán hoặc ruộng vườn nên thường đưa con còn lấm lem đến lớp. Học trò yêu cô, mến trường, mến lớp, nước ngập lênh láng vẫn đòi đi học.

Cô Trúc cười, kể: “Có lần sắp chuyển trường, cô học trò nhỏ xin ba mẹ cho con vô nhà cô Trúc ngủ với cô một đêm. Ban đầu mình tưởng trẻ con nói chơi không dám làm, vậy mà hôm sau bé đem theo đầy đủ quần áo, bàn chải đánh răng để theo cô về nhà. Tối ngủ cùng học trò mà thương rớt nước mắt”.

Nói về bí quyết để học trò yêu cô, mến trường, mến lớp, cô Trúc cười: “Dạy bé bằng tình cảm là phương pháp hữu hiệu nhất. Các bé thấy được cô thương yêu mình thì sẽ muốn đi học. Nhỏ nhẹ khuyên bảo khi trẻ làm sai trẻ sẽ nghe nhiều hơn là quát mắng. Dạy trẻ phải kiên trì và không thể đòi hỏi trẻ hoàn toàn theo ý cô.

Khen ngợi, động viên kịp thời, đúng lúc cũng giúp bé ngoan hơn, giỏi hơn”. Nói về các clip bạo hành trẻ trên mạng, cô Trúc nói: “Tôi nghĩ nếu không thương trẻ đừng chọn làm cô giáo mầm non. Các bé quấy phá, nhiều khi giận lắm nhưng tôi cũng không nỡ đánh cái nào”.

Đối với cô Trúc, dạy trẻ không chỉ là cái nghề mà còn là niềm đam mê, tình yêu thương. Mỗi khi có chuyện buồn, nhìn thấy trẻ, cô Trúc sẽ vui và phấn chấn lên. Do vậy, cô Trúc luôn dành nhiều thời gian xuống lớp học để đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn và hỗ trợ các cô chăm sóc trẻ. Là phó hiệu trưởng, cô Trúc luôn quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm cho mỗi bữa ăn.

Cô Trúc nói: “Thức ăn được sơ chế đưa đến trường được chúng tôi kiểm phẩm qua 3 bước, kiểm tra nghiêm ngặt nếu không đạt sẽ trả lại. Thực hiện bếp 1 chiều, đúng quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ”.

Cô Trúc thường xuyên kiểm tra bếp ăn và khẩu phần ăn của trẻ, đồng thời ghi nhận ý kiến giáo viên nếu có món nào nhiều bé không thích để thay đổi. Món ăn phải đảm bảo ngon miệng, dinh dưỡng, hợp vệ sinh và đẹp mắt.

Cô ghé thăm các lớp học trong giờ ăn chiều, các con ngoan ngoãn “thưa cô” lia lịa. Thấy một số bé ăn chậm, cô Trúc hỏi “Tuấn ăn có ngon không?” hay “Khánh không thích canh sao con?” Dù là cô hiệu phó nhưng cô Trúc lại biết tên nhiều học trò vì cô đến các lớp mỗi ngày. “Có bé mới đi học từ đầu năm đến nay nhìn đã thấy phổng phao hơn, đó là niềm vui của chúng tôi”- cô Trúc cười thật tươi.

Cô Trúc luôn quan sát và góp ý các tiết dạy cho giáo viên dạy hay hơn.
Cô Trúc luôn quan sát và góp ý các tiết dạy cho giáo viên dạy hay hơn.

Tấm gương “cô ong” chăm chỉ

Trường Mầm non 3 hiện có 43 cán bộ, giáo viên và nhân viên, tất cả đều đạt chuẩn và trên chuẩn. Xác định nhiệm vụ của bậc học là chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, cô Trúc và các cô giáo trong trường luôn cố gắng tạo môi trường học tập thân thiện cho trẻ. Cô Trúc và các cán bộ, giáo viên trong Trường Mầm non 3 luôn cố gắng tạo điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ tốt nhất có thể.

Bữa cơm trưa, chiều ở Trường Mầm non 3 thật vui, các bé tự múc thức ăn. Vào thứ 5 hàng tuần, các bé lớp lá sẽ được tập làm người lớn với “bữa cơm gia đình”.

Các món canh, xào và mặn không bỏ chung trong tô mà để riêng thành các món như bàn ăn gia đình và các bé được tập sử dụng đũa gắp thức ăn. Đối với các bé lớp mầm chồi đã được cho ăn trong khay đựng thức ăn, để riêng các phần cơm, canh, xào, mặn để bé dễ chọn lựa món mình thích và phát triển vị giác.

Băn khoăn của các cô giáo Trường Mầm non 3 hiện nay là cơ sở vật chất- đặc biệt là khuôn viên trường chật hẹp- không đáp ứng được các hoạt động của bé. “Hiện tại, có 2 lớp phải học nhờ ở Trường Tiểu học Lê Lợi.

Thiếu phòng học, có phòng lại không đủ diện tích để có khu vực ăn riêng cho bé, các cô phải dọn bàn ăn ở góc lớp cho các bé ăn”- cô Trúc cho hay. Cô Trúc cũng cho rằng: “Sổ sách của các cô giáo hiện nay rất nhiều, tôi nghĩ nên giảm tải những sổ sách để giáo viên có thời gian làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Ví dụ đã có phần mềm điểm danh thì có cần thiết phải ghi sổ ghi tay?”

Cô Lê Thị Kiều Trinh- giáo viên Trường Mầm non 3 vừa đạt danh hiệu “Viên phấn vàng”- cười và cho rằng mình có thể nói về cô Trúc “cả buổi” vì “cô có nhiều ưu điểm lắm, cô là tấm gương cho giáo viên chúng tôi”.

Tập thể Trường Mầm non 3 đoàn kết một lòng, cán bộ quản lý, giáo viên cùng phấn đấu chăm sóc, giáo dục trẻ.
Tập thể Trường Mầm non 3 đoàn kết một lòng, cán bộ quản lý, giáo viên cùng phấn đấu chăm sóc, giáo dục trẻ.

Để đạt được danh hiệu “Viên phấn vàng”, cô Trinh không quên sự dìu dắt của các cô trong trường, đặc biệt là cô Trúc. Cô Trinh nói: “Những bài giảng, hồ sơ đều nhờ cô Trúc hướng dẫn chỉnh sửa cho chỉn chu. Cô góp ý cụ thể, hướng dẫn cách dạy, cách làm đồ dùng rất tinh tế. Cô Trúc rất khéo tay, hiện nay tôi đang học trung cấp chính trị tập trung nên cô Trúc hỗ trợ lớp, hỗ trợ tôi làm đồ dùng, đồ chơi cho bé nữa. 

Cô cũng là người có kỹ năng lãnh đạo rất tâm lý và tư vấn rất nhiệt tình. Sự năng động của cô dường như không liên quan đến tuổi càng khiến chúng tôi ngưỡng mộ cô hơn. Cô vực dậy tinh thần phấn đấu dạy giỏi của chúng tôi, để chúng tôi tự soi mình vì mình còn trẻ, còn khỏe hơn phải cố gắng cho xứng đáng”.

35 năm gắn bó với nghề, cô Trúc hạnh phúc khi đời sống giáo viên mầm non đã được Đảng, Nhà nước quan tâm hơn, cuộc sống các cô ổn định hơn. Bậc học mầm non cũng được quan tâm đầu tư và cơ sở vật chất cho các bé có điều kiện học tốt hơn.

Nói về quan niệm làm việc của mình, cô Trúc cười: “Cái tính tôi nó vậy, dường như ở không không chịu nổi. Sáng đi kiểm tra các lớp, kiểm tra bếp ăn, trưa làm giấy tờ sổ sách, chiều loay hoay phụ các cô làm đồ dùng,… Công việc bận rộn nhưng vui lắm”.

Cô Lương Phượng Khánh- Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non 3- cho biết: “Tôi và cô Trúc biết nhau được khoảng 30 năm rồi, cô Trúc là người năng nổ, nhiệt tình luôn giúp đỡ các chị em. Khi gặp khó khăn cô luôn tiên phong đi đầu. Điểm đặc biệt của cô là rất cần cù, chăm chỉ, giờ nghỉ trưa cô Trúc cũng làm nên chúng tôi đặt biệt danh cho cô là “cô ong chăm chỉ” của Mầm non 3”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN