"Đội quân tóc dài " huyền thoại

Kỳ cuối: Nữ tướng Nguyễn Thị Định

Cập nhật, 14:11, Thứ Hai, 02/11/2020 (GMT+7)
Bà Nguyễn Thị Định và các đại biểu phụ nữ. Ảnh: Tư liệu
Bà Nguyễn Thị Định và các đại biểu phụ nữ. Ảnh: Tư liệu

Khi nói về người phụ nữ miền Nam trong “Đội quân tóc dài” đấu tranh chính trị trực diện với địch hay chiến đấu trong các đơn vị vũ trang, các nhà nghiên cứu lịch sử hay nhắc đến bà Nguyễn Thị Định- 1 trong 24 vị tướng của quê hương Đồng Khởi Bến Tre và cũng là nữ thiếu tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Người con cũng là niềm tự hào của xứ dừa Đồng Khởi Bến Tre ấy sinh năm 1920, con út trong một gia đình nông dân có truyền thống cách mạng ở xã Lương Hòa (Giồng Trôm).

Năm 1936, tuy mới 16 tuổi, bà Nguyễn Thị Định đã tham gia kháng chiến chống Pháp và 2 năm sau bà đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Chồng của bà cũng là người đồng chí tên Nguyễn Văn Bích- bị địch bắt đày ra Côn Đảo và hy sinh ở đó. Sau khi chồng mất, bà gửi con cho mẹ thoát ly kháng chiến.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, tháng 3/1946, tuy mới 26 tuổi nhưng bà được Tỉnh ủy Bến Tre tin tưởng giao làm thuyền trưởng dẫn đầu một đoàn cán bộ theo đường biển ra miền Bắc báo cáo tình hình Bến Tre với Bác Hồ và xin vũ khí cho miền Nam.

Mục đích chuyến đi như mong đợi và đoàn cũng đã an toàn mang về cho miền Nam 12 tấn vũ khí, đồng thời chuyến đi cũng manh nha một con đường tiếp tế từ hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam về sau được gọi là “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, bà Nguyễn Thị Định là một trong những người góp công rất lớn trong sự thành công của cuộc Đồng khởi Bến Tre nổ ra từ ngày 17/1/1960, để từ đó lan nhanh ra toàn miền Nam. Sau Đồng khởi Bến Tre thành công, bà là Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, Khu ủy viên Khu 8.

Đầu năm 1965, bà là Phó Tư lệnh Lực lượng vũ trang Giải phóng miền Nam, Ủy viên Quân ủy miền Nam Việt Nam phụ trách phong trào du kích chiến tranh, trong đó có nhiệm vụ phát triển “Đội quân tóc dài” làm nòng cốt trong đấu tranh chính trị với địch. Sau ngày đất nước thống nhất, bà về Hà Nội công tác với nhiều trọng trách khác nhau, nhiệm vụ nào bà cũng hoàn thành xuất sắc.

Bà Nguyễn Thị Định là một cán bộ cách mạng tài giỏi luôn gần gũi với mọi người nên được mọi người tin yêu gọi với cái tên thân thương là “cô Ba Định”. Ký ức về bà và “Đội quân tóc dài” được bà Trương Mỹ Hoa- nguyên Phó Chủ tịch nước- nhắc đến: “Ngoài sự kiên cường, anh dũng cùng những chiến công vang dội, Đội quân tóc dài còn có hình ảnh người phụ nữ nhân hậu, tiêu biểu là cô Ba Định”.

Có lần một đoàn khách nước ngoài sang thăm Việt Nam, sau khi được gặp bà, họ đã phát biểu: “Bây giờ chúng tôi đã hiểu cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam chẳng qua là để tự vệ chớ họ hoàn toàn không muốn chiến tranh”. Họ chỉ vào bà rồi nói tiếp: “Tôi nghe bà ấy là một nữ tướng, nghĩ rằng bà là người dễ sợ, khô cứng lắm, nhưng không ngờ bà ấy lại dịu dàng, xinh đẹp và nhân hậu thế kia”.

Bà Valentina Tereshkova- Chủ tịch Ủy ban Phụ nữ Xô Viết từng nói: “Ở Liên Xô nhân dân chúng tôi biết rõ về chị là chiến sĩ xuất sắc trong chiến tranh giải phóng dân tộc, người lãnh đạo phong trào phụ nữ Việt Nam”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”.

Bà mất ngày 26/8/1992 và năm 1995 bà được truy phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Ngày 26/12/2000, tỉnh Bến Tre đã quyết định xây dựng khu tưởng niệm bà tại ấp Phong Điền (xã Lượng Hòa, huyện Giồng Trôm- Bến Tre). Trên đất nước Cuba anh em, có một ngôi làng được vinh dự mang tên Nguyễn Thị Định.

 Hồng Vân 

* Bài có sử dụng tư liệu của Báo Đồng Khởi, Cổng thông tin điện tử Bến Tre và Trung tâm Giáo dục Việt Nam và nhiều tư liệu khác.

 

 Hồng Vân