Hiểm họa tai nạn giao thông tại các nhánh sông

Cập nhật, 05:31, Thứ Ba, 01/10/2019 (GMT+7)

Tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn tỉnh thời gian qua tương đối được đảm bảo, an toàn. Tuy nhiên, vào mùa mưa bão, nước nổi thì vấn đề ATGT cần được quan tâm nhiều hơn, cả đường bộ lẫn đường thủy nhằm hạn chế các vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra. 

Đoạn cua nguy hiểm, thường xuyên xảy ra va chạm giao thông nếu không giảm tốc độ, thiếu quan sát.
Đoạn cua nguy hiểm, thường xuyên xảy ra va chạm giao thông nếu không giảm tốc độ, thiếu quan sát.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, người tham gia giao thông đường thủy nội địa hiện nay chưa chấp hành nghiêm quy định về ATGT, điều khiển phương tiện sai quy định- đặc biệt là tại các nhánh sông, cửa sông ra vào TP Vĩnh Long.

Mặc dù phía trước các cửa sông, nhánh sông hay ngã ba, ngã tư tại các đoạn giao nhau được lắp đặt các biển báo cảnh báo nguy hiểm hay đèn tín hiệu giao thông nhưng người điều khiển phương tiện qua khu vực này thường hay bất chấp các biển cảnh báo nguy hiểm, lưu thông theo kinh nghiệm là chính nên các vụ va chạm giao thông thường xuyên xảy ra. Đa phần là va chạm nhỏ, cứ giải quyết thỏa đáng là đi tiếp, nên ít ai quan tâm đến vấn đề nguy hiểm.

Bà Trương Thị Ngân (Phường 5- TP Vĩnh Long) bức xúc nói: “Ngay ngã ba sông này, tôi thường chứng kiến cảnh mấy ghe lớn, xà lan chở cát chạy không giảm tốc độ làm ảnh hưởng mấy phương tiện nhỏ.

Tôi cũng đề nghị mấy ghe, tàu lớn chạy ngang mấy ngã ba sông cần giảm tốc độ để tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc, vì không xử lý kịp tình huống làm ảnh hưởng đến các phương tiện nhỏ”.

Như vào khoảng 6 giờ ngày 20/9, ghe chở trấu do anh Lê Ngọc Nhanh (48 tuổi, ngụ xã Tân Hạnh- Long Hồ) điều khiển, chở anh Võ Thành Mong (52 tuổi, cùng ngụ xã Tân Hạnh) lưu thông đến ngã ba sông gần cầu Lộ, đoạn giao nhau giữa Phường 1, Phường 2 và Phường 3 thì bị xà lan chở cát va chạm vào phần lái, làm ghe trấu bị chìm.

Theo chủ ghe trấu này, trị giá trấu và tài sản bị mất trên ghe là hơn 8 triệu đồng nhưng còn may là vụ va chạm giao thông trên không gây thiệt hại về người.

Anh Võ Thành Mong cho biết: “Ghe trấu này trong cầu Đôi (xã Tân Hạnh) đi ra nước ngược, xà lan chạy nước xuôi tốc độ cao để có trớn ôm cua nên nó tấp vô làm chìm ghe tôi.

Anh Lê Thái Bình- tài công xà lan chia sẻ: “Lúc nào trên các đoạn sông góc cua cũng có biển cảnh báo nguy hiểm. Ban đêm thì chớp đèn, ban ngày thì hú còi. Nếu trường hợp 2 phương tiện đều có còi thì đáp trả với nhau bằng còi.

Khi qua các vùng có nước xoáy thì cẩn trọng cao, phải có người đứng phía trước tàu để quan sát 2 bên. Nếu không có tàu nào thì khoát tay cho thuyền trưởng biết để phía sau chạy tới rồi tăng tốc hay giảm tốc tùy theo địa hình tại chỗ đó”.

Để các nhánh sông, cửa sông được thông suốt, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua khu vực này thì rất cần sự chấp hành nghiêm các quy định, quy tắc khi tham gia giao thông của các thuyền trưởng, tài công, người điều khiển các phương tiện thủy nội địa.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tăng cường công tác tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm nhằm lập lại trật tự ATGT, đảm bảo an toàn bình yên sông nước tại các nhánh sông, cửa sông trên địa bàn.

Bài, ảnh: HOÀNG THÂN