Chổi quê "lên đời"

Cập nhật, 07:01, Chủ Nhật, 05/01/2020 (GMT+7)

Lau sậy là loài cây dại có sức sống mãnh liệt. Thân sậy thường được dùng làm hàng rào hoặc bện đăng bắt cá, còn bông sậy qua đôi tay khéo léo của người thợ, được bó thành chổi- một vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình.

Ông Nguyễn Ngọc Ẩn được xem là người tiên phong đưa chổi Cồn Nhỏ tiêu thụ ở thị trường nước ngoài.
Ông Nguyễn Ngọc Ẩn được xem là người tiên phong đưa chổi Cồn Nhỏ tiêu thụ ở thị trường nước ngoài.

Vào những ngày cận tết, có dịp đến làng nghề bó chổi bông sậy Cồn Nhỏ (thuộc ấp Bình Thành, xã Phú Bình, huyện Phú Tân- An Giang) chứng kiến nhịp độ làm việc tất bật của người dân nơi đây mới cảm nhận hết sức sống của một làng nghề đã hơn 50 năm tuổi.

Khá giả nhờ chổi bông sậy

Qua phà Thuận Giang đến cù lao huyện Phú Tân, chúng tôi tìm đến làng nghề bó chổi bông sậy Cồn Nhỏ ở xã Phú Bình. Nằm nép mình bên bờ sông Hậu, làng nghề này có những cơ sở sản xuất khá lớn hoặc nhỏ theo hộ gia đình, tập trung chủ yếu tại ấp Bình Thành.

Gắn bó lâu năm với nghề, nhiều hộ dân đã trở nên khá giả khi chổi bông sậy Cồn Nhỏ dần khẳng định được tên tuổi trên thị trường nhờ vào chất lượng và sự đa dạng về mẫu mã.

Trong số này, phải kể đến hộ ông Nguyễn Ngọc Ẩn- với hơn 30 năm theo nghề và cũng là người tiên phong đưa chổi Cồn Nhỏ tiêu thụ ở thị trường nước ngoài.

Những ngày cận tết, đơn đặt hàng nhiều gấp mấy lần ngày thường nên nhịp độ làm việc càng thêm tất bật.
Những ngày cận tết, đơn đặt hàng nhiều gấp mấy lần ngày thường nên nhịp độ làm việc càng thêm tất bật.

Ông Ẩn kể, trước đây cuộc sống người dân địa phương rất khó khăn. Nhiều hộ lấy bông sậy hoang làm chổi rồi truyền nghề cho nhau và dần phát triển thành làng nghề, nhờ vậy mà giờ đây đời sống người dân đã đổi thay.

Nhưng ít ai biết khi mới bắt đầu với nghề, bà con phải rong ruổi rất xa, tới miệt thứ tận Kiên Giang, Cà Mau để bẻ bông sậy mang về phơi khô, bó chổi.

“Giờ có thể mua nguyên liệu từ các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung nên tụi tui làm chổi quanh năm. Ngoài chổi bông sậy còn có chổi làm từ cỏ đót, mỗi cây chổi chỉ lời chút đỉnh nhưng nhờ làm số nhiều.

Quan trọng là tạo việc làm cho bà con”- ông Ẩn vui vẻ cho biết thêm- Tính riêng cơ sở của ông đã có hơn 30 nhân công, họ đang miệt mài làm việc để kịp các đơn hàng tết.

Ngoài thị trường trong nước, hàng năm ông Ẩn còn xuất hàng sang các nước Australia, Malaysia, Lào… mỗi đợt lên đến hàng trăm ngàn cây chổi bông sậy. Cũng vậy, nhiều gia đình khác ở ấp Bình Thành đều “ăn nên làm ra” với nghề bó chổi.

Theo bà Trần Thị Kim Pha- Phó Chủ tịch UBND xã Phú Bình, làng nghề bó chổi bông sậy Cồn Nhỏ tuy có lúc thăng trầm nhưng đến nay đã phát triển và giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo.

Sức sống làng nghề

Theo UBND xã Phú Bình, nghề bó chổi bông sậy Cồn Nhỏ đã hình thành hơn 50 năm và được công nhận là làng nghề thủ công truyền thống vào năm 2006.

Đến nay, có hơn 300 hộ theo nghề, tạo việc làm cho hơn 850 lao động địa phương, không chỉ giúp các hộ có thu nhập ổn định mà còn gìn giữ nghề truyền thống của quê hương.

Đến làng nghề bó chổi Cồn Nhỏ vào những ngày cận tết, mới thấy hết không khí tất bật. Theo các cơ sở sản xuất, nếu ngày thường làm ra khoảng hơn 1.000 cây chổi, thì đến thời điểm cận tết số lượng có thể tăng gấp nhiều lần, nên thường phải thuê thêm nhân công và làm việc liên tục từ sớm đến tối. Tuy vất vả nhưng ai nấy đều vui vì có được khoản thu nhập “kha khá” ăn tết.

Ngoài xuất khẩu, chổi bông sậy còn được người tiêu dùng trong nước lựa chọn vì là vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình.
Ngoài xuất khẩu, chổi bông sậy còn được người tiêu dùng trong nước lựa chọn vì là vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình.

Hơn 20 năm theo nghề cha truyền lại, chị Huỳnh Thị Út (ngụ ấp Bình Thành) mạnh dạn đầu tư mở rộng cơ sở, thuê thêm nhân công rồi còn giao nguyên liệu cho các hộ xung quanh nhận bó chổi thành phẩm, trung bình sản xuất 10.000- 15.000 cây chổi/tháng, tháng cận tết có thể làm gần 30.000 cây.

“Ngoài chổi được làm bằng cán trúc, người dùng có thể lựa chọn chổi cán nhựa với độ bền và có thẩm mỹ cao hơn. Tùy vào nhu cầu khách hàng, tôi làm nhiều loại chổi khác nhau, thường chổi bỏ sỉ có giá 16.000- 40.000 đ/cây”- chị Út cởi mở cho biết.

Vừa thoăn thoắt bện chổi, chị Nguyễn Thị Nhành cho biết, trước đây gia đình rất khó khăn: “Hồi còn nhỏ xíu, tui đã biết phụ gia đình bó lọn bông sậy cho người lớn bện thành chổi. Giờ đã lành nghề nên tui làm luôn mái chổi, buộc cán. Thu nhập 150.000- 300.000 đ/ngày, thời điểm cận tết thì nhiều hơn”- chị Nhành xởi lởi.

Theo các cơ sở sản xuất, dù hiện nay việc làm chổi được hỗ trợ bởi máy móc nhưng người thợ vẫn phải thực hiện các công đoạn thủ công, như: vào lọn, bó, bện, gianh. Hiện nay, đã có chổi nhựa nhưng nhiều người vẫn thích dùng chổi bông sậy vì đặc tính mềm mại, giúp quét dọn sạch hơn, do vậy sản phẩm làm ra bán khá chạy.

Để gìn giữ và phát triển nghề làm chổi ở xã Phú Bình, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất vay vốn và đào tạo nghề nhằm nhân rộng cho bà con trong các ấp, để họ có thể làm ra được những sản phẩm chất lượng cao, tạo thêm thu nhập.

Bài, ảnh: PHẠM PHONG