Đồng bằng sông Cửu Long

Sinh vật quý hiếm bị đe dọa

Cập nhật, 12:46, Thứ Bảy, 24/12/2016 (GMT+7)

Nhiều địa phương ở ĐBSCL đã lên tiếng cảnh báo điều này và cho rằng nguyên nhân chủ yếu do phần lớn bị giảm không gian sinh sống, nơi cư trú và việc mở rộng diện tích nuôi thủy sản.

Mở rộng nuôi thủy sản cũng khiến nhiều sinh vật quý hiếm bị đe dọa.
Mở rộng nuôi thủy sản cũng khiến nhiều sinh vật quý hiếm bị đe dọa.

Theo số liệu báo cáo điều tra của các địa phương và phỏng vấn người dân, nhiều loại sinh vật quý hiếm, trong đó có những loài sinh vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Tại An Giang, theo báo cáo, có 6 nhóm sinh vật quý hiếm gồm: thực vật, chim, cá, động vật có vú, bò sát và lưỡng cư.

Theo thống kê năm 2012, nơi đây có 17 loài sinh vật bị đe dọa, trong đó có số loài sinh vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam là 17 loài, Sách đỏ IUCN (danh sách về tình trạng bảo tồn và đa dạng của các loài động vật và thực vật trên thế giới) là 10 loài.

Tuy nhiên, đến năm 2016, tổng số loài sinh vật nằm trong danh sách bị đe dọa tăng lên đến 72 loài. Trong đó, có số loài sinh vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam là 63 loài, Sách đỏ IUCN là 40 loài.

Tại Vĩnh Long, bao gồm 6 nhóm: thực vật, chim, cá, bộ cánh thẳng, bò sát, lưỡng cư. Năm 2016, tổng số loài sinh vật bị đe dọa có xu hướng tăng lên 27 loài, trong đó số loài nằm trong Sách đỏ của Việt Nam là 25 loài, Sách đỏ IUCN là 15 loài.

Nhiều sinh vật quý hiếm bị đe dọa do phần lớn bị giảm không gian sinh sống, nơi cư trú.
Nhiều sinh vật quý hiếm bị đe dọa do phần lớn bị giảm không gian sinh sống, nơi cư trú.

Còn tại Đồng Tháp, năm 2012 trong 7 nhóm sinh vật quý hiếm thì có 30 loài sinh vật bị đe dọa. Đến năm 2016, số loài sinh vật bị đe dọa đến 35 loài (Sách đỏ Việt Nam là 34 loài, Sách đỏ IUCN là 21 loài).

TS. Dương Trí Dũng- Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (ĐH Cần Thơ), đại diện nhóm nghiên cứu về các sinh vật quý hiếm ở ĐBSCL (do Tổ chức phi Chính phủ WWF- Việt Nam tài trợ) cho biết, giai đoạn 2012- 2016, vùng ĐBSCL có 129 loài sinh vật quý hiếm đang bị đe dọa.

Trong quá trình thu thập thông tin, nhóm nghiên cứu phát hiện một số loài sinh vật rất cần được tìm hiểu thêm hoặc có kế hoạch, hành động bảo vệ như: An Giang có loài mang lớn, TP Cần Thơ và Hậu Giang có lúa ma, Kiên Giang và Cà Mau có nưa chân vịt. Đặc biệt ở Long An còn có cả rùa vàng.

PSG.TS. Nguyễn Văn Công- Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (ĐH Cần Thơ), nguyên nhân các loài sinh vật bị đe dọa phần lớn là bị giảm không gian sống, nơi cư trú từ việc mở rộng diện tích nuôi thủy sản.

Quá trình chuyển sử dụng đất hiện có sang ao nuôi thủy sản khi bơm bùn, cải tạo ao đã làm ảnh hưởng đến môi trường sống của thủy sinh vật quý hiếm. Ngoài ra, quá trình nuôi người dân mắc lưới tại ao, các sinh vật tìm thức ăn đã bị vướng chết hoặc không an toàn nên di cư.

Để bảo vệ, PSG.TS. Nguyễn Văn Công cho rằng, cần trồng, duy trì thảm thực vật ở những khu vực hợp lý nhất trong trang trại nuôi thủy sản để tạo nơi cư trú tạm thời cho các loài quý hiếm.

Đại diện của Tổ chức WWF- Việt Nam cũng khuyến cáo, phải làm rõ các quy định trong việc xử lý vi phạm trong việc bắt, vận chuyển các loài sinh vật quý hiếm cũng như có chế tài cụ thể để các cơ quan chức năng dễ xử lý.

Bên cạnh, nhiều ý kiến cũng đề xuất, Nhà nước cần ban hành những quy định và hướng dẫn cứu hộ các loài, nâng cao nhận thức cứu hộ sinh vật quý hiếm cho các địa phương.

Đồng bằng cũng cần phải có các nghiên cứu về khu vực sống thích hợp của từng loài sinh vật, để từ đó có sự phân bố rõ ràng, hợp lý và tránh trường hợp không biết đưa về đâu khi phát hiện có một loài sinh vật nào đó xuất hiện sau thời gian dài… mất tích.

Tại hội thảo “Sự phân bố và bảo tồn các loài đang bị đe dọa ở ĐBSCL đáp ứng yêu cầu các tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản bền vững” do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức mới đây tại TP Cần Thơ, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có biện pháp quản lý chất thải đúng quy định, có bố trí ao trữ nước thải cũng như có nơi trữ bao bì hóa chất sử dụng trong quá trình nuôi.

™Bài, ảnh: HOÀNG MINH