Tất bật sản xuất hàng hóa tết

Cập nhật, 14:05, Thứ Năm, 15/12/2016 (GMT+7)

Càng gần đến Tết Đinh Dậu 2017, không khí sản xuất hàng hóa ở các tỉnh ĐBSCL diễn ra sôi động. Nếu như các làng nghề tập trung lo nguồn nguyên liệu nhằm đảm bảo đủ sản lượng hàng tết thì nhiều nhà vườn trồng hoa kiểng và cây ăn trái phập phồng lo lắng nguy cơ bị mất mùa bởi thời tiết không thuận lợi...

Số lượng bưởi tạo hình tết này có giảm do ảnh hưởng thời tiết.
Số lượng bưởi tạo hình tết này có giảm do ảnh hưởng thời tiết.

Thời tiết gây khó cho trái cây

Tại các tỉnh Hậu Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang… dù đang vào cao điểm chăm sóc vụ xoài tết, thế nhưng các nhà vườn thở dài bởi tình trạng thất mùa. Ông Đặng Phước Hơn, ở xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, chua chát nói: “10 công xoài của tôi vụ tết trước bán được hàng trăm triệu đồng, nhưng vụ tết 2017 này chẳng được bao nhiêu”.

Theo ông Hơn, giữa tháng 8 âm lịch thì gia đình ông cũng như nhiều hộ khác tập trung xử lý cho xoài tết ra bông. Thế nhưng, mưa ập đến liên tục khiến xoài bị bệnh thán thư, không thụ phấn và không đậu trái được.

Ông Trần Hữu Tâm, cán bộ nông nghiệp xã Hòa An cho biết, toàn xã có hơn 480ha xoài - đây là loại cây thế mạnh của địa phương.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng thời tiết không thuận lợi nên vụ xoài tết 2017 sản lượng giảm thê thảm. Hiện tại, thương lái về mua xoài tết, nhưng nhiều hộ không có để bán.

Tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, vùng trồng xoài cát Hòa Lộc nổi tiếng của tỉnh Tiền Giang, hàng loạt nông dân đứng ngồi không yên vì xoài tết “không chịu” đậu trái.

Ông Nguyễn Văn Thực, Phó Giám đốc HTX Xoài cát Hòa Lộc, xã Hòa Hưng, rầu rĩ: “Xoài Hòa Hưng được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới và được thị trường rất chuộng, bởi chất lượng tuyệt hảo. Riêng vụ tết hàng năm tiêu thụ cả chục tấn.

Dù vậy, vụ tết 2017 xem như trắng tay do thời tiết khắc nghiệt khiến 60-70% diện tích bị thất mùa. Do sản lượng xoài tết không bao nhiêu nên HTX chẳng dám ký hợp đồng trước dù khách hàng đặt mua giá cao từ 100.000-120.000 đồng/kg”.

Ở “vương quốc quýt hồng” huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, tình hình sản xuất quýt tết cũng bị tác động tiêu cực của thời tiết. Phòng NN&PTNT huyện Lai Vung, cho biết chưa có thống kê chính xác nhưng ước đoán sản lượng quýt hồng giảm không dưới 30% so mọi năm.

Vấn đề hiện nay là tập trung o bế cho màu sắc đẹp nhằm hy vọng bán được giá cao, bù cho mất mùa. Trong khi đó, những hộ sản xuất trái cây “độc” cũng kêu than vì sự đỏng đảnh của thời tiết.

Ông Võ Trung Thành, Chủ nhiệm CLB trái cây tạo hình Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, nhìn nhận: Nếu như mọi năm sản xuất 9.000- 10.000 trái bưởi tạo hình thì năm nay chỉ làm được khoảng 2.400-2.500 trái.

Nguyên nhân bởi mưa dầm khiến bưởi ra trái sớm không trùng khớp với thời điểm lên khuôn. Thế là CLB phải chạy sang “xứ bưởi Năm Roi” ở Bình Minh (Vĩnh Long) phối hợp với nhà vườn làm bưởi tạo hình phục vụ tết, nhưng kết quả không như mong muốn.     

Nỗ lực ổn định hàng tết

Thời tiết không thuận lợi nhưng nhà vườn và các ngành chức năng vẫn nỗ lực sản xuất phục vụ thị trường tết. Ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở kinh doanh trái cây Hương Miền Tây (tỉnh Bến Tre), cho biết: “Đầu năm 2016, tình trạng xâm nhập mặn khiến nhiều vườn bưởi ở ĐBSCL bị xơ xác.

Ngay sau đó, ngành nông nghiệp, nhà vườn… khẩn trương khôi phục và rất may là nhiều vườn bưởi da xanh phát triển trở lại. Chúng tôi vừa khảo sát thấy rằng sản lượng bưởi da xanh dịp tết tuy có giảm nhưng không nghiêm trọng.

Về cơ bản vẫn đảm bảo phục vụ tết và giá cả có thể dao động từ 45.000-60.000 đồng/kg”. Theo Sở Công thương tỉnh Trà Vinh, đơn vị đang đôn đốc các cơ sở sản xuất nhiều đặc sản phục vụ thị trường tết 2017; đồng thời cố gắng ổn định giá so với năm trước.

Điển hình như tôm khô Vinh Kim loại 1 có giá từ 1,1-1,2 triệu đồng/kg, tôm khô còn vỏ giá 550.000 đồng/kg, tôm tẩm giá 550.000 đồng/kg; khô cá dứa giá 350.000-500.000 đồng/kg, khô cá khoai từ 400.000-500.000 đồng/kg; bánh tét Trà Cuôn từ 50.000-70.000 đồng/đòn (tùy loại); chả Hoa Năm Thụy giá dao động từ 50.000-160.000 đồng/kg…

Theo Sở Công thương tỉnh An Giang, ngành chức năng cùng doanh nghiệp nỗ lực lo hàng tết với số lượng dự kiến tăng khoảng 5% so năm trước.

Tỉnh sẽ dành một khoản ngân sách nhất định cho các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa tết nhằm đảm bảo bình ổn giá.

Còn ở Vĩnh Long, ngành công thương phối hợp cùng ngành nông nghiệp chuẩn bị khoảng 15.000 tấn dưa hấu và hàng trăm ngàn tấn trái cây, rau màu các loại… đáp ứng nhu cầu tiêu thụ từ nay đến tết.

Bên cạnh đó, sẽ tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn và các khu công nghiệp nhằm phục vụ đa dạng việc mua sắm tết của người dân.

Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An, tiết lộ: “Tỉnh dành kinh phí khoảng 122 tỉ đồng dự trữ hàng hóa cung ứng tết. Đồng thời, tăng cường kiểm tra hàng giả, hàng kém chất lượng, cũng như việc tự ý tăng giá trong dịp tết.

Cái mới năm nay là Sở Công thương tỉnh Long An và các tỉnh ĐBSCL sẽ phối hợp chặt với Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh trong việc hỗ trợ nhau về nguồn hàng phục vụ tết.

Theo đó, nếu địa phương nào xảy ra thiếu hàng, sốt hàng… thì sẽ được các địa phương khác tiếp ứng ngay. Phương châm là cố gắng đảm bảo đầy đủ hàng hóa tết chất lượng, giá cả hợp lý…”.

Theo Báo Hậu Giang Online