Câu chuyện nông thôn

Cần quan tâm giống cây trồng

Cập nhật, 08:30, Thứ Tư, 19/06/2019 (GMT+7)

Một bộ phận nông dân mình hiện nay có 2 dạng “ứng xử” với giống cây trồng: hoặc là sử dụng một loại giống lâu năm, không có sự thay đổi, cải tiến; hoặc là chạy theo những loại giống cây trồng mới đang tạo cơn sốt trên thị trường. 

Cả 2 thái cực này đều có những cái hay, cái dở của nó; nhưng Hai Lúa tui thấy thì cái dở là phần nhiều, vì nó có thể mang lại hiệu quả nhưng không bền vững, khoa học.

Câu chuyện một nông dân ở trong xóm Hai Lúa tui đã trải qua mấy năm trồng rau trong nhà lưới nhưng cho đến giờ này vẫn… thất bại, vì chưa có được chứng nhận hệ thống rau an toàn, nên nông sản không ra được thị trường và đương nhiên là thua lỗ.

Tuy nhiên, anh ấy vẫn tiếp tục giữ vững cách sản xuất hướng đến nông sản sạch và tìm tòi những loại giống mới có khả năng chống dịch bệnh cao.

Anh đã dám cất công lên tận Đà Lạt tìm mua giống hành lá và học hỏi kỹ thuật; đây là giống hành lá nhỏ có khả năng đề kháng cao với sâu bệnh, nên có thể triển khai trồng ngoài trời vẫn không phải xịt thuốc nhiều. Đây là giống hành đạt chuẩn xuất khẩu đi Nhật Bản với giá rất cao.

Ví dụ này để Hai Lúa tui nhắc nhở bà con vùng chuyên canh hành lá, thật ra bà con mua giống cũng không có xác định mà chỉ toàn là theo thói quen, mua trôi nổi hoặc tự mình gầy giống lại trồng tiếp.

Điều này tạo ra sự thoái hóa giống, do đó rất dễ bị sâu bệnh, nên cần phải phun xịt thuốc rất nhiều, dù là mùa mưa hay mùa nắng đều cần có thuốc thì cây hành mới tốt.

Ngược lại, có một tâm lý chạy theo đám đông sẵn sàng đốn hạ cả vườn cây để trồng loại cây mới. Việc chuyển đổi cây trồng tạo hiệu quả kinh tế là đúng; nhưng cái cách chuyển đổi của bà con chưa khoa học chút nào.

Nhất là đối với loại cây trồng lâu năm, việc đầu tư ban đầu tốn kém, thời gian thu hoạch dài hạn, nên một giống cây không được xác nhận, hoặc chạy theo số đông mà chưa xác định được thị trường thì ảnh hưởng lớn đến hiệu quả năng suất, ảnh hưởng đến giá cả đầu ra nông sản.

Như những cơn sốt trồng mít siêu sớm, cũng chẳng ai xác định được giống ra sao, cứ mua theo sự quen biết. Một loại cây lâu năm là cam sành cũng vậy, chưa có việc thẩm định giống một cách bài bản, khoa học. Cây không hiệu quả, mau thoái hóa là những hậu quả bà con mình gánh chịu.

Một tâm lý rất không hay là người trồng cũng như người tiêu dùng có tâm lý sính giống cây ngoại, cây lạ, chưa biết ra sao nhưng tạo nên những cơn sốt giá cực cao, rồi kéo theo cơn sốt cây giống, rất dễ tạo điều kiện cho những kẻ lợi dụng làm giàu trên niềm tin của nông dân.

Có những giống trái gì cứ nghe nhập ở Úc, ở Nhật về là có giá cả triệu bạc một ký lô, rồi thì bà con săn tìm cây giống, giá cả cũng trên trời. Khi đã bão hòa, qua thời thì những người đi sau gánh lấy hậu quả.

Giống cây trồng khi chưa được quan tâm và cái tâm lý của bà con đối với giống cây trồng còn quá dễ dãi thì rất khó mà có được sự sản xuất bền vững, ổn định được.

Hailua@.com