Đậu nành rau trên đất Cái Dầu

Cập nhật, 14:01, Thứ Tư, 27/03/2013 (GMT+7)

Đây là năm thứ hai, nông dân Cái Dầu (Châu Phú) tiếp tục giành thắng lợi lớn, khi mỗi héc-ta đất trồng đậu nành rau lãi từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Kết quả sản xuất này vừa góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, vừa thúc đẩy kế hoạch chuyển đổi cây trồng và tổ chức lại sản xuất theo mô hình “1 vụ màu + 2 vụ lúa” trên địa bàn thị trấn.

Thu hoạch đậu nành rau tại Đội sản xuất số 1.

Theo anh Tống Hồ Thi Thơ, Kỹ thuật nông nghiệp thị trấn, vụ đông xuân 2012-2013, nông dân Cái Dầu trồng hơn 100 héc-ta đậu nành rau (tăng gấp 1,5 lần so cùng kỳ năm ngoái), do Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp An Giang tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng ký kết, với giá 14.500đ/kg loại 1 và 4.500đ/kg loại 2; năng suất bình quân đạt 11 tấn/héc-ta.

“Trên lý thuyết, cây đậu nành rau năng suất khoảng 10 tấn/héc-ta, nhưng thực tế vượt 1 tấn/héc-ta, có nhiều đám ruộng trúng còn trên 1,5 tấn đến 3 tấn/héc-ta” – anh Thơ cho hay. Song, thời vụ sản xuất loại cây trồng này chỉ thích hợp với vụ đông xuân, còn hè thu và thu đông sẽ gặp nhiều rủi ro do thời tiết.

Diện tích sản xuất trên địa bàn Cái Dầu trên 340 héc-ta đất trồng lúa và rau màu, các loại bắp thu trái non và đậu nành rau cũng đã xuất hiện. Đến năm 2012, đậu nành rau mới bắt đầu phát triển quy mô trên 40 héc-ta và tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng.

Ông Hoàng Văn Thương, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn cho rằng, đây là cơ hội tốt để hội viên, nông dân thị trấn mở ra mô hình sản xuất mới và nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích canh tác bình quân đạt 130 triệu đồng/héc-ta (năm 2012).

Dự kiến năm 2013, gieo trồng 85 héc-ta đậu nành rau, đưa giá trị bình quân đạt 150 triệu đồng/héc-ta. Thế nhưng, kết thúc vụ đông xuân 2012-2013 này, đậu nành rau ở Cái Dầu đã giành thắng lợi trên cả ba mặt (diện tích, năng suất và sản lượng), giúp người nông dân lãi từ 30 triệu đến 50 triệu đồng/héc-ta/vụ.

Ông Thương nói: “Đảng ủy, UBND thị trấn chọn đậu nành rau làm cây chủ lực để chuyển đổi cây trồng, cơ cấu lại mùa vụ sản xuất trên vùng đất 3 vụ/năm”.

Rút kinh nghiệm từ sản xuất năm 2012, vụ đông xuân 2012-2013, Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp An Giang không ký hợp đồng trực tiếp với nông dân, mà thông qua Hợp tác xã Nông nghiệp Thành Lợi.

Căn cứ vào lịch thời vụ đưa ra, đơn vị này chịu trách nhiệm bố trí khu vực sản xuất, tổ chức bốc thăm xuống giống từ chỗ khó khăn đến nơi thuận lợi, cung ứng nguồn nước tưới và 60% – 70% phân bón.

Ông Huỳnh Văn A, Trưởng ban Quản trị Hợp tác xã cho biết: “Hợp tác xã tham gia chỉ làm lợi trực tiếp cho xã viên nhiều hơn, chứ còn lợi cho hợp tác xã chẳng đáng kể”. Ngay cả việc quản lý, tu sửa hệ thống đê đập, kênh mương, nhận chuyển tiền từ công ty và cấp trả lại xã viên… cũng do Hợp tác xã đứng ra lo.

Chỉ tính công đoạn chặt cây và hái trái phải từ 200 – 300 lao động ngoài đồng, đó là chưa kể khoảng 100 lao động tham gia phân loại, nếu tính bình quân thu nhập không dưới 100.000đ/người/ngày.


Phân loại đậu nành rau trước khi giao nộp sản phẩm theo hợp đồng ký kết.

Đậu nành rau ở Cái Dầu bố trí xuống giống 20 công/ngày, khi thu hoạch cũng đều như vậy và kéo dài trong vòng 50 ngày. Đến ngày 25- 3, đậu nành rau trên địa bàn thị trấn thu hoạch cơ bản dứt điểm, người trồng loại nông sản xuất khẩu này giành thắng lợi lớn.

Ông Trần Minh Phương, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cái Dầu, thừa nhận: “Điều thắng lợi lớn nhất là nông dân Cái Dầu đồng tình rất cao, tạo điều kiện thuận lợi cho định hướng chuyển đổi cây trồng và tổ chức lại sản xuất trên địa bàn thị trấn theo mô hình 2 vụ lúa + 1 vụ màu”.

Với kết quả rực rỡ từ vụ đậu nành rau đông xuân 2012-2013, chắc chắn “4 nhà” cùng vui, người ta hy vọng mối liên kết này tiếp tục gắn chặt và phát triển bền vững, để “cánh đồng mẫu” rau màu xuất khẩu không chỉ có ở Cái Dầu, mà lan tỏa khắp các xã, thị trấn ở huyện Châu Phú trong tương lai không xa.

Theo An Giang Online