Đi chợ với phiếu

Cập nhật, 06:10, Thứ Sáu, 23/07/2021 (GMT+7)

Ngành chức năng tăng cường kiểm tra việc cung ứng hàng hóa, giá cả tại chợ để góp phần ổn định thị trường.
Ngành chức năng tăng cường kiểm tra việc cung ứng hàng hóa, giá cả tại chợ để góp phần ổn định thị trường.

(VLO) Để giảm áp lực về lượng người tập trung ở các chợ truyền thống, nhiều chợ trên địa bàn tỉnh đã triển khai phương án phát phiếu đi chợ 2 ngày/lần cho người dân. Những ngày đầu triển khai, chủ trương này nhận được sự đồng thuận và ý thức chấp hành của người dân.

Ghi nhận tại một số chợ nông thôn, nhiều ngày qua, các tiểu thương và người dân đến chợ đều tuân thủ quy định “5K”, đo thân nhiệt và đeo khẩu trang.

Trong chợ, các tiểu thương chỉ bán các mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, thực phẩm tươi sống. Người đến chợ mua sắm cũng được nhắc nhở đứng giãn cách nhau khi mua hàng và chỉ mua đủ số lượng dùng trong 2-3 ngày.

Tại chợ Tân An Luông (Vũng Liêm), chỉ khi người dân xuất trình được phiếu ra vào có ghi rõ ngày chẵn, lẻ do xã cấp, người dân mới được vào bên trong chợ.

Theo một số người dân tại khu vực chợ, chợ Tân An Luông nằm ở địa bàn giáp ranh, phục vụ nhu cầu mua bán thông thương hàng hóa cho người dân 4 huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, Tam Bình và Mang Thít.

Từ trước đến nay, chưa khi nào chợ Tân An Luông lại thưa thớt khách như hiện tại, nguyên nhân là do người dân tuân thủ giảm tần suất đi chợ.

Tại chợ Vũng Liêm, khi triển khai phát phiếu đi chợ, ông Nguyễn Văn Tươi- Giám đốc HTX chợ Vũng Liêm- cho biết: “Hầu như ý thức bà con đều chấp hành tốt, đến thời điểm này, lượng người dân đi chợ mua sắm những mặt hàng thiết yếu đã giảm 80% so trước đây. Thời gian qua, tiểu thương lẫn người ra vào chợ chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh”.

Nhiều nơi triển khai hình thức phát phiếu đi chợ cho người dân.
Nhiều nơi triển khai hình thức phát phiếu đi chợ cho người dân.

Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Vũng Liêm Nguyễn Văn Hải cho hay: “Vũng Liêm có 13 chợ, trong đó có 1 chợ hạng 2 và 12 chợ hạng 3, để giảm áp lực cho các chợ truyền thống, huyện chỉ đạo 13/13 chợ thực hiện phát phiếu ra vào chợ theo phương thức ngày chẵn- lẻ.

Những xã không có chợ cũng được cấp phiếu để đi mua hàng hóa ở chợ liền kề xã. Theo đánh giá, tình hình sử dụng phiếu đi chợ phần lớn được người dân đồng tình”.

Được phát phiếu đi chợ vào ngày chẵn, chị Nguyễn Thị Hạnh (xã Hiếu Phụng- Vũng Liêm) cho hay: “Tôi vừa đi chợ để mua thịt, rau củ, trái cây để gia đình sử dụng trong vòng 3 ngày.

Tôi thấy việc phát phiếu đi chợ cho người dân trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay là rất cần thiết, vì chợ là một trong những nơi rất dễ lây lan dịch bệnh nếu không kiểm soát tốt.

Người dân như chúng tôi khi đến chợ mua đồ cũng yên tâm hơn. Hy vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát để cuộc sống trở lại bình thường”.

Phát phiếu phân chia tần suất đi chợ để giảm tập trung đông người.
Phát phiếu phân chia tần suất đi chợ để giảm tập trung đông người.

Tại chợ Vĩnh Long, Sở Công thương cũng đã triển khai phát phiếu đi chợ theo ngày chẵn-lẻ tại chợ Vĩnh Long để phòng chống dịch COVID-19. Bà Nguyễn Thị Tố Quyên- Trưởng Ban quản lý chợ Vĩnh Long- cho biết: Việc phát phiếu đi chợ mỗi ngày sẽ góp phần giúp chợ kiểm soát tốt hơn lượng người ra vào chợ, giảm áp lực cho chợ trung tâm.

Chợ sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định, bắt buộc người ra vào chợ phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, khai báo y tế, sát khuẩn tay, giữ khoảng cách tối thiểu 2m, thực hiện tốt thông điệp “5K” của Bộ Y tế,...

Đồng thời, sắp xếp, bố trí các hộ tiểu thương đảm bảo giữ khoảng cách giữa các hộ tiểu thương với khách hàng khi mua- thanh toán theo quy định.

Bên cạnh, các chợ thực hiện phát phiếu, một số chợ không có phiếu đi chợ nhưng vẫn tuân thủ nghiêm các quy định, biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Tại chợ Song Phú (Tam Bình), tiểu thương bán các mặt hàng rau, củ, thực phẩm tươi sống cũng được bố trí ngồi xen kẽ chứ không sát nhau như trước để bảo đảm giãn cách.

Anh Trần Thanh Vang- Phó Ban quản lý chợ Song Phú- cho hay: Chợ có 3 khu, thực hiện Chỉ thị 16, chợ đã tạm ngưng hoạt động khu bách hóa và khu ăn uống, chỉ cho khu thực phẩm tươi sống hoạt động.

Theo đó, để kiểm soát lượng người ra vào chợ, Ban quản lý chợ đã rào xung quanh khu vực chợ thực phẩm, đồng thời có chốt chặn để kiểm soát, đảm bảo sao cho người dân lẫn tiểu thương trong chợ giữ khoảng cách an toàn, thường lượng người trong khu vực chợ từ 50- 60 người tùy thời điểm.

“Trước đây khu chợ thực phẩm có khoảng 120 hộ tiểu thương nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 40- 50 hộ. Do đó, ban quản lý cũng đã bố trí các hộ giãn cách. Sức mua chợ vài ngày nay giảm, lượng người mua ổn định. Hàng hóa trong chợ cũng đảm bảo, không có tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến”- anh Vang cho biết thêm.

Theo nhiều tiểu thương, phát phiếu đi chợ đã điều tiết được lượng khách mua hàng tại cùng một thời điểm phù hợp điều kiện không gian, diện tích của chợ, đảm bảo khoảng cách khi mua bán. Sức mua có giảm đáng kể, nên tiểu thương cũng chủ động giảm lượng hàng.

Tuy sức mua giảm 60- 70% so với bình thường nhưng chị Đặng Thị Công- tiểu thương chợ Hiếu Phụng (Vũng Liêm)- nói rằng: “Ảnh hưởng chút xíu cũng hổng sao, tuy bán có chậm, nhưng miễn sao chống dịch tốt là được”.

Có thể thấy, việc phát phiếu phân chia tần suất đi chợ để giảm tập trung đông người là một trong những giải pháp kiểm soát tình trạng người dân tập trung đông người hiện nay.

Việc kiểm tra người và phương tiện ra vào chợ vẫn được tổ kiểm soát dịch, ban quản lý chợ thực hiện, song song với việc loa phát thanh tuyên truyền, nhắc nhở thực hiện khuyến cáo “5K” mỗi ngày.

Nhiều người dân mong rằng, khi các biện pháp được triển khai đồng bộ, công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn sẽ đạt hiệu quả tốt nhất.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương- Nguyễn Trung Kiên, toàn tỉnh hiện có 115 chợ. Một số địa phương đã triển khai phát phiếu đi chợ để kiểm soát lượng người ra vào chợ, tránh tập trung đông người, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Theo đánh giá, số tiểu thương kinh doanh tại các chợ giảm nhiều, do cho ngừng hoạt động kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu, chỉ còn khoảng 20- 30% bán hàng thực sự thiết yếu. Sức mua tại các chợ giảm, người dân đi chợ ít hơn. Nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại các chợ được bảo đảm, đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân. Tuy nhiên, giá một số mặt hàng rau, củ tăng bình quân từ 20- 30% do tăng chi phí vận chuyển, nhân công thu hoạch.  

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN