Gắn tăng trưởng với hỗ trợ khách hàng

Cập nhật, 15:10, Thứ Năm, 22/07/2021 (GMT+7)

 

Hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn trong dịch COVID-19, rất cần những chính sách tín dụng hỗ trợ kịp thời.
Hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn trong dịch COVID-19, rất cần những chính sách tín dụng hỗ trợ kịp thời.

(VLO) Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Vĩnh Long, trong 6 tháng đầu năm, hệ thống ngân hàng trên địa bàn hoạt động an toàn, ổn định và phát triển. Các tổ chức tín dụng (TCTD) tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế

Đánh giá của NHNN chi nhánh Vĩnh Long, 6 tháng đầu năm 2021, các mặt hoạt động của TCTD được giám sát thông qua hoạt động của NHNN tỉnh và của Hội sở.

Trong đó, huy động vốn vẫn duy trì ổn định và tăng trưởng, dư nợ cho vay tăng vào các lĩnh vực sản xuất đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ được kiểm soát trong mức cho phép...

Trong kỳ, mặt bằng lãi suất huy động có sự biến động nhẹ, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến mặt bằng lãi suất huy động.

Mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục ổn định và có xu hướng giảm, nhất là nhóm các đối tượng ưu tiên, nhóm khách hàng đáp ứng các gói tín dụng trong hỗ trợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19...

Trong đó, lãi suất cho vay VND ổn định: lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên tối đa 4,5%/năm; các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường phổ biến: ngắn hạn 6-9%/năm, trung và dài hạn 9-10%/năm (khối ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước), khối ngân hàng thương mại cổ phần ngoài nhà nước cao hơn 0,5-1%/năm.

Số dư nguồn vốn huy động đến ngày 31/5/2021 đạt 42.837 tỷ đồng, tăng 629 tỷ đồng (+1,49%) so với đầu năm 2021. Ước đến 30/6/2021, số dư nguồn vốn huy động đạt 43.500 tỷ đồng, tăng 1.292 tỷ đồng (+3,06%) so với đầu năm 2021.

Trong đó, tiền gửi tiết kiệm ước đạt 33.000 tỷ đồng, tăng 1.694 tỷ đồng (+5,41%) so với đầu năm, chiếm 75,9%/tổng vốn huy động; tiền gửi thanh toán ước đạt 9.950 tỷ đồng, giảm 270 tỷ đồng (-2,64%) so với đầu năm. Phát hành giấy tờ có giá 550 tỷ đồng, giảm 19,35% so với đầu năm.

Bên cạnh, ước đến 30/6/2021, dư nợ cho vay đạt 34.950 tỷ đồng, tăng 812 tỷ đồng (+2,38%) so với đầu năm 2021.

Trong đó, dư nợ ngắn hạn ước đạt 19.750 tỷ đồng, tăng 5,08% so với đầu năm, chiếm 56,5%/tổng dư nợ; dư nợ trung, dài hạn ước đạt 15.200 tỷ đồng, giảm 0,93% so với đầu năm, chiếm 43,4%/tổng dư nợ.

Cùng với đó, theo NHNN chi nhánh Vĩnh Long, công tác triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ khách hàng vay gặp khó khăn, nhất là chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được tiếp tục thực hiện quyết liệt, nhanh chóng và đã hỗ trợ cho khách hàng vượt qua khó khăn.

Đáng chú ý là các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ quy định tại Thông tư số 01, Thông tư số 03 của NHNN.

Đến 30/6/2021, qua rà soát đánh giá các TCTD, tổng dư nợ cho vay lũy kế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn là 8.042 tỷ đồng, với 5.532 khách hàng (trong đó có 176 doanh nghiệp với dư nợ 4.670 tỷ đồng).

Đồng thời đã triển khai các gói tín dụng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19, lũy kế đã giải ngân từ 23/1/2020 đến nay được hơn 12.000 tỷ đồng cho gần 2.600 khách hàng.

Đẩy mạnh tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh

Tuy nhiên, NHNN chi nhánh Vĩnh Long cũng nhận định tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài tác động tiêu cực đến nền kinh tế, qua đó sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng và chất lượng tín dụng năm 2021.

Mặt khác, dự báo tình hình sản xuất kinh doanh người dân, doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường tiêu thụ nên khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng gặp khó.

Do đó, bên cạnh tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, ngành ngân hàng tỉnh chú trọng thực hiện tốt chính sách điều hành lãi suất của NHNN, giám sát TCTD thực hiện nghiêm các quy định trần lãi suất, thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí để ổn định lãi suất cho vay, nếu điều kiện thuận lợi giảm lãi suất cho vay, nhất là đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Đa dạng hóa hình thức huy động, kỳ hạn huy động ổn định nguồn vốn huy động để đạt chỉ tiêu cuối năm tăng 10%.

Quan trọng là đẩy mạnh tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các nhu cầu tiêu dùng hợp lý của người dân. Hạn chế tín dụng tiềm ẩn rủi ro theo các lĩnh vực cảnh báo của NHNN… Tăng trưởng tín dụng phải đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng.

Ngành ngân hàng tiếp tục triển khai thực hiện tốt Thông tư số 01 và Thông tư số 03 của NHNN trong việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Tăng cường kết nối đối thoại nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của người dân, doanh nghiệp để phục hồi, ổn định sản xuất; đẩy mạnh cải cách thủ tục trong thực hiện dịch vụ và vay vốn.

Căn cứ vào tình hình diễn biến dịch bệnh, có những kiến nghị, đề xuất về mặt chính sách cho phù hợp, đồng thời phối hợp với các ngành có liên quan để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Để không bỏ sót việc hỗ trợ khách hàng

Định hướng giải pháp thời gian tới, NHNN chi nhánh Vĩnh Long cho biết: Tăng cường chỉ đạo các TCTD tiếp tục đánh giá rà soát, phối hợp với khách hàng để áp dụng các chính sách để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19 vượt qua khó khăn, duy trì và phụ hồi sản xuất kinh doanh, trong đó tập trung thực hiện 3 nội dung cơ bản: xem xét cơ cấu lại khoản nợ, giảm lãi vay và xem xét cho vay mới; tăng cường công tác thanh- kiểm tra việc thực hiện các chính hỗ trợ theo quy định tại Thông tư 01 và Thông tư 03 nhằm không bỏ sót việc hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng thực sự, đồng thời đảm bảo không lợi dụng chính sách để trục lợi theo đúng chỉ đạo của Thống đốc NHNN.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC