Thị trường bánh trung thu: hy vọng "phút 89"

Cập nhật, 05:53, Thứ Sáu, 18/09/2020 (GMT+7)

 

Nhiều cơ sở sản xuất bánh trung thu chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhiều cơ sở sản xuất bánh trung thu chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Làm tới đâu, bán tới đó là tâm lý của nhiều cơ sở sản xuất bánh trung thu hiện nay, bởi nhiều cơ sở dự đoán thị trường sẽ bị ảnh hưởng của dịch bệnh khiến sức mua giảm nên đã giảm sản lượng sản xuất 40- 50% so với năm trước. Nhưng đến thời điểm hiện tại, sức mua còn khá đìu hiu.

Sức mua, sản lượng giảm 50%

Thị trường bánh trung thu năm nay đã khởi động sớm từ cuối tháng 6- đầu tháng 7 âl. Theo ghi nhận của phóng viên, thị trường bánh trung thu năm nay ngoài những loại bánh nướng truyền thống, bánh dẻo, bánh chay... có giá dao động từ 35.000- 250.000 đ/bánh, thì một số cơ sở còn sản xuất thêm bánh nhân mới, vị mới để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nhiều chủ cơ sở sản xuất cho biết, năm nay kinh tế chịu nhiều biến động do dịch bệnh, thị trường nguyên liệu cũng có nhiều biến động, nên giá bánh cũng thay đổi theo, tăng 5- 8% so với năm trước, trong đó, giá nguyên liệu thịt heo là tăng nhiều nhất.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, còn chưa đầy 2 tuần nữa là đến Tết Trung thu, nhưng sức mua bánh trung thu từ chợ thành đến chợ nông thôn rất thưa thớt khiến nhiều người từ người sản xuất đến người kinh doanh không khỏi lo lắng.

“Làm bánh mấy chục năm nay nhưng chưa thấy năm nào thị trường “xìu” như năm nay” là chia sẻ của anh Chung Minh Khai- Chủ Cơ sở sản xuất bánh trung thu Tân Mỹ Hương (Phường 5- TP Vĩnh Long).

Anh Khai cho biết: “Năm nay, tôi đã giảm nguyên liệu làm bánh phân nửa so với năm rồi vì thấy thị trường còn hiu quá. Giờ đơn đặt hàng đến đâu thì làm đến đó. Thời điểm này năm rồi là 4- 5 người làm không nghỉ tay, còn năm nay có 2 người làm mà còn thảnh thơi”.

Tương tự, giảm 50% sản lượng sản xuất là tình trạng tại Cơ sở sản xuất bánh trung thu Tân Hòa (Phường 5- TP Vĩnh Long).

Anh Lưu Quốc Khương- Chủ cơ sở sản xuất- cho biết, năm nay không chỉ sức mua giảm mà đơn đặt hàng cũng giảm 20- 30% so với năm trước. Nhiều người đặt hàng giải thích do tình hình kinh tế khó khăn nên cũng giảm lượng bánh quà tặng hơn.

Còn tại các quầy bán bánh trung thu, sức mua cũng không mấy khả quan. Trưng bày gian hàng từ đầu tháng 7 âl, nhưng nhiều gian hàng bánh trung thu trên đường Nguyễn Huệ (Phường 2- TP Vĩnh Long) cho hay lượng khách lẻ mua bánh rất ít.

Nhân viên một quầy bánh trung thu cho biết: “Thời điểm này năm trước khách sỉ đã mua nhiều nhưng năm nay có khi cả buổi sáng không người khách nào ghé hỏi. Khách mối cũng chưa thấy đặt hàng, khách lẻ thì cũng chỉ vài người. Hy vọng từ đây đến rằm tháng 8 âm lịch, lượng khách mua sẽ đông hơn”.

Dự đoán thị trường tiêu thụ năm nay, nhiều chủ cơ sở sản xuất lẫn kinh doanh cho hay, khác với những năm trước, dù mọi năm thị trường có “ăn chậm” nhưng cũng ước được lượng hàng tiêu thụ nhưng năm nay dù đoán trước sức mua sẽ giảm nhưng cũng không thể làm liều sản xuất hay nhập hàng. “Không sản xuất đại trà nếu không sẽ rất dễ ôm hàng”- là tâm lý của không ít chủ cơ sở.

Đánh giá “năm nay sức mua khó tăng đột biến”, nên anh Chung Minh Khai không sản xuất hàng để sẵn để đón đầu thị trường mà luôn làm sản phẩm mới, “bánh mới theo đơn hàng, vừa đảm bảo chất lượng bánh vừa đảm bảo hạn sử dụng, đồng thời cũng hạn chế rủi ro tồn hàng”.

Chú trọng chất lượng

Theo ghi nhận, năm nay bên cạnh những cơ sở cải tiến mẫu mã, đa dạng mặt hàng sản phẩm thì vài năm nay nhiều cơ sở cũng đã chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới trong quy trình sản xuất bánh trung thu để thu hút người tiêu dùng.

Đáng chú ý là sự tự giác của các cơ sở sản xuất trong việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, không còn mang tính đối phó khi có ngành chức năng kiểm tra.

Anh Lưu Chung Hiền- Chủ Cơ sở sản xuất bánh trung thu Tân Quang (Phường 1- TP Vĩnh Long) cho biết: “Dù hiện tại sức mua chưa mấy khả quan nhưng cơ sở cũng sản xuất đầy đủ mặt hàng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng đồng thời cũng nghiên cứu ra dòng bánh mới.

Bên cạnh đó, mỗi năm tôi đều thay đổi mẫu bánh, khuôn bánh cho tới bao bì để tạo sự mới lạ, thu hút người tiêu dùng”.

“Mình làm không phải chỉ để bán mà còn để ăn nên phải chú trọng đến chất lượng, an toàn sức khỏe, cho mình và cho cả người tiêu dùng. Nhiều năm nay tôi không sử dụng phẩm màu mà chủ yếu màu tự nhiên của bánh. Bên cạnh đó, chú trọng nhập nguồn nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”- anh Chung Minh Khai cũng cho biết.

Để đảm bảo an toàn, ổn định thị trường trong dịp Tết Trung thu, Cục Quản lý thị trường tỉnh sẽ tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm đối với mặt hàng bánh trung thu lưu thông trên thị trường.

Theo đó, chú ý kiểm tra các loại bánh trung thu được sản xuất theo phương thức cổ truyền, bánh trung thu tự làm không công bố chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đồng thời, phối hợp kiểm tra các cơ sở kinh doanh, bày bán bánh trung thu về hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, việc thực hiện các quy định về ghi nhãn, niêm yết giá, quảng cáo, khuyến mãi,....

Ông Lê Thanh Phong- Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh- cho biết: Cục sẽ có phương án kiểm tra đột xuất nhằm ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về vận chuyển, kinh doanh các loại bánh trung thu giá rẻ, bánh nghi ngờ có nguồn gốc từ nước ngoài nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm đưa vào thị trường trong tỉnh tiêu thụ, chú ý các dấu hiệu vi phạm về quảng cáo, kinh doanh trái phép qua các website thương mại điện tử và mạng xã hội để xác minh làm rõ và kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm.

Để đón Tết Trung thu an toàn, ý nghĩa, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra thị trường bánh trung thu của ngành chức năng, để tự bảo vệ mình, người tiêu dùng nên mua bánh trung thu ở các cơ sở uy tín, chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, chú ý thời hạn sử dụng, không nên mua bánh trôi nổi, bánh không nhãn mác trên thị trường.

 Bài, ảnh: TRÀ MY