Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó

Cập nhật, 05:47, Thứ Năm, 17/09/2020 (GMT+7)

 

Nhiều cơ sở, doanh nghiệp nỗ lực tìm hướng đi trong khó khăn.
Nhiều cơ sở, doanh nghiệp nỗ lực tìm hướng đi trong khó khăn.

Trong khi có nhiều cơ sở, doanh nghiệp (DN) bị “giậm chân tại chỗ” thậm chí sản xuất bị đình trệ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì cũng có không ít cơ sở, DN đã nỗ lực, tự tìm hướng đi mới, linh hoạt hơn để duy trì, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Trong cái khó có đường đi

Ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều cơ sở, DN gặp khó bởi đầu ra chậm, buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm giờ làm, cho nhân viên nghỉ làm luân phiên hoặc nghỉ tạm thời. Tuy nhiên, cũng có DN nỗ lực tìm đường đi trong cái khó.

Giảm 70- 80% năng suất, sản lượng sản phẩm là tình trạng của Công ty TNHH 1TV Bột Mì Đại Nam (Phường 8- TP Vĩnh Long) trong những tháng đầu năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Ông Phạm Minh Hiền- Giám đốc công ty- cho biết: DN đã phải tạm ngưng hoạt động một thời gian, nhưng không phải giậm chân tại chỗ mà vẫn tìm cách kết nối với người tiêu dùng, nhà phân phối bằng cách chú trọng khâu chăm sóc khách hàng, tăng cường bán hàng online qua các sàn giao dịch thương mại điện tử để người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Hiện DN cũng đang từng bước khôi phục với những đơn hàng xuất khẩu.

Không chỉ riêng những DN lớn chịu sức ép nghiêm trọng từ dịch bệnh mà những cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ cũng đang dần đuối sức bởi không chỉ khó về đầu ra mà còn về nhân công, chi phí mặt bằng, vốn,…

Và để tăng sức mua, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải chủ động nhiều giải pháp kích cầu qua việc triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá.

Theo đó, các cơ sở, nhất là cơ sở kinh doanh về thực phẩm, mỹ phẩm, điện máy, nội thất,… tăng cường thực hiện nhiều chính sách khuyến mãi như: giảm giá, tri ân khách hàng, “bão sale” nhằm thu hút người mua, tăng lợi nhuận kinh doanh.

Đồng thời cũng tự “nâng cấp” mở rộng thị trường tiêu thụ kênh mua sắm online qua điện thoại, website thương mại điện tử. Đây được xem là bước đi để vượt khó mà không phải cơ sở nào cũng làm được.

Là một cơ sở sản xuất nhỏ, thành lập hơn 1 năm nay, sản phẩm tung ra thị trường chưa bao lâu thì dịch bệnh xuất hiện nhưng sản phẩm gia vị Thuận Duyên của chị Nguyễn Thị Trúc Linh- Chủ Cơ sở sản xuất và phân phối Tuấn Linh (xã Tân Phú, Tam Bình) vẫn tiêu thụ đều trên thị trường.

Chị Linh chia sẻ: “Gặp khó nhưng tôi không chịu thua. Bên cạnh việc nghiên cứu dòng sản phẩm mới để đa dạng mặt hàng đáp ứng thị trường, tôi còn chủ động tìm mối tiêu thụ qua online. Không thể chờ khách hàng tự tìm đến mình mà mình phải chủ động, nhất là trong giai đoạn này.

Chỉ cần khách hàng ở nhà click chuột thì tìm thấy sản phẩm của mình liền. Dĩ nhiên, sản phẩm phải an toàn, chất lượng thì khách hàng mới tin dùng lâu dài”.

Vừa là thách thức vừa là cơ hội

Không ít cơ sở, DN cho rằng dịch bệnh vừa là thách thức, vừa là cơ hội để thay đổi bộ máy vận hành, là động lực nhưng cũng là lý do buộc cơ sở DN phải suy nghĩ nhiều hơn, sáng tạo nhiều hơn.

Chị Nguyễn Thị Thanh Loan- Chủ Cơ sở sản xuất Kim chi Loan’s (xã Tân Lược- Bình Tân) chia sẻ: “Không thể chờ hết dịch mới khởi động lại mà phải vận động, tự tìm lối thoát, đường đi cho riêng mình, không đi theo lối mòn, cũng không thể đứng yên một chỗ bởi sản phẩm là tâm huyết gầy dựng nhiều năm”.

Nghĩ vậy nên ngoài giảm giá sản phẩm, chị Loan còn tích cực tham gia các chương trình kết nối, học hỏi thêm kỹ năng bán hàng qua online, qua các kênh phân phối hiện đại “không sợ thất bại chỉ sợ mình không cố gắng làm”- chị Loan nói.

Nhận định, ảnh hưởng dịch COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN chịu tác động không nhỏ nên thời gian qua, ngành chức năng trong tỉnh luôn có những giải pháp chia sẻ, đồng hành cùng DN tháo gỡ những khó khăn, tạo mọi điều kiện để DN ổn định sản xuất, phát triển kinh doanh.

Ông Trương Thanh Sử- Phó Giám đốc Sở Công thương- cho biết: Thời gian qua, Sở Công thương tỉnh cũng đã phối hợp tổ chức kết nối cung cầu, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ DN đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ các tỉnh bạn tiêu thụ để giúp cơ sở, DN có thêm cơ hội hợp tác, giao thương để phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững.

Có thể thấy, cùng với các giải pháp linh hoạt, năng động nên hiện đã có không ít DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh vẫn cầm cự, thậm chí là tăng trưởng ổn định trong giai đoạn còn nhiều khó khăn do dịch bệnh như hiện nay.

Tuy nhiên, để phục hồi và phát triển bền vững hơn, các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn rất cần sự trợ sức kịp thời của các ngành chức năng trong việc hỗ trợ tiếp cận vốn vay ưu đãi, mở rộng thị trường, quy mô sản xuất, để góp phần tăng năng lực cạnh tranh và góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương.

Bài, ảnh: TRÀ MY