"Cứu" nông sản trước nạn dịch bệnh do vi rút corona

Cập nhật, 05:36, Thứ Năm, 06/02/2020 (GMT+7)

Ảnh hưởng của dịch bệnh do vi rút corona, xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc đang gặp khó. Tại ĐBSCL, nhiều hàng nông sản đã tới ngày thu hoạch có nguy cơ “đổ bỏ” vì chưa tìm được đầu ra.

Nhiều loại trái cây Vĩnh Long gặp khó trong tiêu thụ.
Nhiều loại trái cây Vĩnh Long gặp khó trong tiêu thụ.

Mít tuột giá, khoai lang “neo” chưa dám thu hoạch

Những năm trước tại vùng khoai lang huyện Bình Tân (Vĩnh Long), thời điểm này ngoài đồng bắt đầu chộn rộn cảnh thu hoạch, còn năm nay khá vắng vẻ. Nhiều diện tích khoai tới thời điểm thu hoạch nhưng phải nằm chờ, bởi giá cả sụt giảm, trong khi tìm thương lái “muốn hụt hơi”.

Ông Sơn Văn Luận- Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Khoai lang Thanh Ngọc (xã Thành Trung- Bình Tân) cho biết, hợp tác xã hiện có 14 xã viên, canh tác hơn 30.000ha khoai.

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá khoai liên tục sụt giảm, nhất là sau tác động của dịch bệnh do vi rút corona gây ra làm nhu cầu tiêu thụ bị đình trệ và giá cả ngày càng sụt giảm nghiêm trọng.

“Thương lái giờ giảm 90% so năm trước. Nếu năm ngoái thời điểm này, 1 tạ khoai lang tím Nhật (60kg) hơn 1 triệu đồng thì hiện chỉ trên dưới 400.000đ”- ông buồn bã nói.

Ông Sơn Văn Luận cho biết, hiện gia đình còn 7 công nhưng “nằm đồng” hơn tháng nay, bởi “thu hoạch thì không ai mua, mà có mua giá cũng rẻ bèo”.

Trong khi, nhiều nông dân khác “tưởng như mọi năm” không chuyển đổi cây trồng khác mà “đeo” khoai lang nên năm nay phải khóc ròng.

Giải pháp chống chế lúc này là neo ngoài đồng, chờ giá. Nhưng theo ông Luận, đó chưa phải là giải pháp tốt, bởi đặc điểm khoai lang tới thu hoạch có thể neo thêm 1- 2 tháng được nhưng lâu hơn sẽ “lên da”- không có màu sắc đẹp và lúc đó bán cũng chưa chắc ai mua!

Những năm gần đây, Bình Tân nổi lên là địa phương chuyển đổi sang trồng nhiều mít Thái. Và không ít vụ bà con trúng mùa, được giá. Còn đầu năm nay, nhất là khi thị trường Trung Quốc “đóng cửa” thì giá bán hiện chỉ còn khoảng 10.000 đ/kg, trong khi trước tết giá bán 60.000- 70.000 đ/kg.

Trong khi đó, liên hệ qua điện thoại với anh Bùi Công Mến- trồng hơn 3 công mít Thái ở Châu Thành A- Hậu Giang- mới biết tại đây giá mít “tệ hơn”, hiện chỉ 7.000 đ/kg.

“Đợt tuột giá lần này quá nhanh, bà con không ai lường trước được. Năm 2019, cũng có một đợt mít sụt giá nhưng cũng còn 18.000- 20.000 đ/kg, còn hiện nay giá thấp hơn vài chục lần”- anh Mến nói chua chát.

Không như nhiều cây trồng khác, mít tới chín phải thu hoạch chứ không “neo” được, điều này khiến không ít người trồng đau đầu.

Theo anh Nguyễn Minh Thế- thương lái mua nông sản ĐBSCL xuất bán sang thị trường Trung Quốc, tác động của dịch bệnh vi rút corona cũng như các biện pháp ngăn chặn dịch đã khiến việc xuất bán qua thị trường Trung Quốc bị đình trệ và tụt giảm nghiêm trọng.

Một số doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu nông sản từ Việt Nam cung cấp cho TP Vũ Hán buộc phải hủy đơn hàng do ảnh hưởng của dịch bệnh. “Mấy container chở thanh long, dưa hấu của tui tới cửa khẩu Lạng Sơn phải quay đầu trở lại, đành bán đổ, bán tháo tại nhiều tỉnh- thành phía Bắc”- anh Thế nói.

Nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản

Nông dân trồng khoai lang Bình Tân gặp khó do giá cả sụt giảm.
Nông dân trồng khoai lang Bình Tân gặp khó do giá cả sụt giảm.

Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp- PTNT đã có văn bản đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát toàn bộ thời vụ thu hoạch, sản lượng, chủng loại các vùng, tới từng huyện, xã sản xuất các mặt hàng trái cây chủ lực xuất khẩu sang Trung Quốc nhằm sớm có giải pháp chủ động tiêu thụ.

Và mới đây, 2 Bộ Nông nghiệp- PTNT và Bộ Công thương đồng chủ trì hội nghị thúc đẩy thương mại phát triển sản xuất nông sản trước tác động của dịch bệnh corona.

Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, dịch viêm phổi cấp do vi rút corona gây ra tác động đến các ngành kinh tế, nhưng nông nghiệp chịu tổn thương lớn bởi Trung Quốc là thị trường lớn của nông sản Việt Nam, chiếm 22- 24% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản nước ta.

Tuy các địa phương đã hướng dẫn, chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất nhưng tình trạng ùn tắc, dư cung cục bộ sẽ diễn ra.

Vì vậy, về giải pháp trước mắt, Bộ Nông nghiệp- PTNT chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y phối hợp các lực lượng chức năng tại biên giới tăng cường công tác kiểm dịch động thực vật, tuân thủ các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và các cục chuyên ngành sẽ chủ động xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng từ đầu năm 2020.

Nếu dịch kéo dài nhiều tháng, Bộ Nông nghiệp- PTNT sẽ phối hợp các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, các đơn vị ngành công thương các địa phương đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa nông sản vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn.

Ngoài ra, ưu tiên thị trường nội địa; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản. Bộ Nông nghiệp- PTNT cũng tập trung chỉ đạo điều chỉnh một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ và lợi thế so sánh của từng địa phương.

Vĩnh Long- nhiều vùng cây ăn trái “thấm đòn”

Không riêng khoai lang, mít Thái mà cam sành Tam Bình, Trà Ôn và bưởi Mỹ Hòa (TX Bình Minh) cũng đang chịu cảnh rớt giá. Cùng thời điểm năm trước, chôm chôm Java giá 25.000- 30.000 đ/kg, thì hiện chỉ còn 7.000- 8.000 đ/kg. Nhà vườn thu hoạch nhỏ giọt, ngồi bán lẻ mong “giá đỡ hơn chút đỉnh”.

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG