Những đầu tàu tạo động lực phát triển kinh tế

Cập nhật, 06:06, Thứ Ba, 27/08/2019 (GMT+7)

Lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp ở khu vực nông thôn ĐBSCL là vấn đề chính quyền, đoàn thể các cấp quan tâm, bởi đặc thù mỗi địa phương có điều kiện sinh sống, sản xuất canh tác, trình độ văn hóa… rất khác nhau. Thực tế, người dân đã chủ động tìm tòi, sáng tạo, tận dụng thế mạnh sẵn có của mình để vươn lên làm giàu. Chúng tôi gọi những con người tiên phong gắn với mô hình tổ chức sản xuất, tư duy mới là những đầu tàu- từng bước làm giàu cho gia đình, hỗ trợ tích cực cộng đồng và góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Họ là những con người năng động, đột phá trong cách nghĩ, cách làm đã tạo ra những mô hình hay giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập ổn định cho cộng đồng. Họ biết tận dụng cơ chế, chính sách, sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể để khơi dậy ý chí thoát nghèo và cùng gắn kết mọi người chung tay xây dựng đời sống mới ở nông thôn.

Kỳ 1: Đầu lân về làng và chuyện làm ăn của phụ nữ Trà Vinh

Những câu chuyện cho thấy sự chủ động vươn lên làm giàu trong cộng đồng dân tộc Khmer, phụ nữ là rất đáng ghi nhận.

Những người phụ nữ Khmer được tạo việc làm, thu nhập ổn định tại cơ sở của anh Huyền- chị Hà.
Những người phụ nữ Khmer được tạo việc làm, thu nhập ổn định tại cơ sở của anh Huyền- chị Hà.

“Xé” đầu lân học nghề

Ngày cuối tháng 6, theo hướng dẫn của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Cầu Ngang (Trà Vinh), chúng tôi “đội mưa” tìm nhà của vợ chồng anh Kiên Huyền, cũng là địa điểm cơ sở sản xuất đầu lân ở ấp Lạc Thạnh B, xã Thạnh Hòa Sơn (huyện Cầu Ngang).

Trong nhà chất đầy nguyên liệu, nhiều phụ nữ đang tỉ mỉ chăm chút từng công đoạn cho đầu lân, vừa vui vẻ giới thiệu hàng trăm mẫu đầu lân lớn nhỏ, đính kim sa đủ màu.

“Hồi tui đem đầu lân về quê làm, cả làng ai cũng cười bảo: chở củi về rừng, rồi làm bán cho ai, ai mà mua! Vợ chồng chỉ có cái nhà lá, thuê người ta không dám làm vì sợ mình không có tiền trả công.

Dần dần mới bán 2 con bò, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hỗ trợ vay tiền cất nhà cấp 4 này…”- anh Kiên Huyền bắt đầu câu chuyện mà “nghĩ lại gian nan dữ lắm, vợ chồng tui vượt qua và quyết về quê lập nghiệp”.

Trước đây, vợ chồng anh Kiên Huyền ở nhà trọ làm đầu lân gia công ở khu Chợ Lớn (TP Hồ Chí Minh). “Họ giao từng công đoạn cho mình làm, lúc dồn dập, khi ngồi chơi xơi nước. Không ổn định. Tui suy nghĩ, mua cái đầu lân thành phẩm về xé ra để học nghề”- anh Kiên Huyền nói.

Từ việc “xé đầu lân”, anh quyết chí làm cho được các công đoạn, mất hơn 1 năm mày mò, thử nghiệm khuôn, nước sơn, giấy vẽ… mới cơ bản làm được.

Thời gian này, chị Thạch Thị Thu Hà- vợ anh Huyền, phải đi phụ quán ăn để có tiền trang trải chi phí, hỗ trợ anh. Năm 2013, khi đã chắc ăn, anh chị bàn tính về quê lập nghiệp để ít tốn chi phí.

Quan trọng hơn là “về quê mở cơ sở cho hàng xóm, bà con có chuyện vừa làm, vừa trông con cũng được”- chị Thu Hà tiếp lời chồng- “hơn 6 năm mới đi vào ổn định đó chứ! Cứ 2 tuần chúng tôi giao 1.000 đầu lân thành phẩm đi Sài Gòn”.

Từ cơ sở sản xuất nhỏ 10- 20 cái/ngày, đến nay, cơ sở đã ra 60 cái/ngày, giải quyết việc làm gần 20 lao động, thu nhập trên 100.000 đ/ngày/người. Theo chị Thu Hà, nghề đầu lân làm quanh năm, đặc biệt mùa Trung thu, Tết Nguyên đán “ăn hàng rất mạnh. Nhờ hàng đẹp, chất lượng, nên cơ sở được mối lớn tiêu thụ, phân phối khắp cả nước”.

Để có chiếc đầu lân đẹp và sống động “ai nhìn cũng thích chơi với nó”, theo anh Kiên Huyền “phụ thuộc vào sự khéo léo, tỉ mỉ của người thợ, vì các khâu đều làm thủ công”. Đến nay, tại cơ sở nhiều người phụ nữ “vừa làm nghề rất thạo, chăm lo tốt cho gia đình”.

Có 2 năm theo nghề, chị Thạch Thị Kim Thay ở ấp Lạc Thạnh B cho hay: “Tui vừa làm vừa học hỏi, quen nghề rồi rất thích nghề này. Lúc trước tui chỉ ở nhà, không có việc làm. Nhờ nghề đầu lân thu nhập ổn định 100.000 đ/ngày, gia đình có thêm tiền chợ”.

Tương tự, chị Thạch Thị Út Lan- nhà gần đó cũng chia sẻ: “Trước đây tôi làm ruộng, giặm lúa, ai thuê gì làm nấy. Giờ tôi đưa cháu đi học xong về làm, trưa về nhà nấu cơm, tiện hơn nhiều”.

Theo chị Thạch Thị Thu Hà, với sự tự lực vươn lên của vợ chồng quyết tâm đem nghề về làng tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con; thì sự hỗ trợ của Hội LHPN xã “luôn gần gũi, động viên”, nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay xây nhà, mua nguyên liệu, sự định hướng của các tổ chức, đoàn thể,… đã hỗ trợ cơ sở gia đình phát triển ổn định.

Nghe phụ nữ bàn chuyện làm ăn

Phụ nữ ấp Trường Bắn giúp nhau đan lục bình lúc nhàn rỗi.
Phụ nữ ấp Trường Bắn giúp nhau đan lục bình lúc nhàn rỗi.

Từ câu chuyện vợ chồng anh Kiên Huyền- chị Thu Hà về quê lập nghiệp và giúp cho phụ nữ trong xóm “vừa làm vừa trông con”.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Duyên- Chủ tịch Hội LHPN xã Thạnh Hòa Sơn, cho biết: “Đây là xã đặc biệt khó khăn của tỉnh, điều kiện cơ sở hạ tầng rất hạn chế, rất khó mời doanh nghiệp về đầu tư.

Vì thế, cơ sở nhỏ tạo việc làm cho bà con rất được xã quan tâm, tạo thuận lợi phát triển. Vì rất phù hợp với phụ nữ trông con tại nhà, người lớn tuổi tại địa phương”.

Chị Ngọc Duyên còn đưa chúng tôi vào thăm địa điểm đan thảm, giỏ lục bình tại ấp Trường Bắn, thu hút rất đông phụ nữ địa phương.

Đang dạy cách đan giỏ cho chị em trong xóm, chị Phan Thị Mỹ Duyên chia sẻ: “Cần chút khéo léo và chịu học thì 2 ngày đan được. Tui đã hướng dẫn cho hơn 10 chị, rồi các chị này tiếp tục hướng dẫn cho các chị khác làm theo”.

Là một trong những người tay nghề “có hạng” trong xóm, chị Lâm Thị Việc vui vẻ: “Mấy chị em ở xóm ham lắm. Trước đây chỉ quanh quẩn trong nhà, giờ có việc làm thêm thu nhập, có dịp gặp gỡ chị em”.

Các địa điểm như cơ sở làm đầu lân, dạy nghề thủ công mỹ nghệ thật sự đã tạo “làn gió mới” cho vùng nông thôn. Phụ nữ có việc làm, không chỉ giải quyết thời gian nhàn rỗi ở địa phương, mà còn giúp các chị có thêm thu nhập, thêm tự tin khi giao tiếp, mở rộng mối quan hệ.

Khơi dậy ý chí cầu tiến, chủ động của chị em phụ nữ, chị Kiên Thị Minh Nguyệt- Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trà Vinh cho rằng: “Từ những chương trình hỗ trợ thiết thực, phụ nữ Trà Vinh đã từng bước vươn lên. Nhiều chị có tinh thần học hỏi cao, chủ động ứng dụng các cách làm hay để phát triển kinh tế gia đình”.

Đó là một tinh thần mới mẻ, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Nói như chị Minh Nguyệt: “Những mô hình như cơ sở làm đầu lân của chị Thu Hà, đã tạo hứng khởi cho nhiều chị em mạnh dạn phát huy lợi thế sẵn có của địa phương như: sản xuất và chế biến đậu phộng, làm khô cá, bánh tét,... Những chị em đó đã thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của phụ nữ ngày càng phát triển”.

Chị Minh Nguyệt cũng cho biết, để hỗ trợ chị em, từ 2017, Hội LHPN tỉnh đã có nhiều chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp như: tập huấn nâng cao năng lực, hỗ trợ vốn, thành lập câu lạc bộ phụ nữ khởi nghiệp.

Trong đó, chú trọng và khuyến khích chị em học nghề phải theo truyền nghề. Đáng phấn khởi là, vừa qua sơ kết đào tạo nghề cho lao động nhàn rỗi ở địa phương, có 75% chị em theo nghề thủ công mỹ nghệ đan lục bình.

“Chúng tôi xây dựng chương trình, rồi phối hợp với các đơn vị chức năng truyền nghề cho chị em, gắn kết doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm…

Chúng tôi chọn đối tượng phụ nữ lớn tuổi, nhàn rỗi để tham gia các lớp nghề và học nghề xong phải làm nghề. Mô hình này rất thành công ở Cầu Ngang, tạo sinh kế ổn định cho bà con”- chị Minh Nguyệt chia sẻ kinh nghiệm.

Chị Kiên Thị Minh Nguyệt: Để giúp phụ nữ thoát nghèo bền vững

Thời gian qua, hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế ổn định đời sống rất được lãnh đạo Trà Vinh quan tâm, làm đòn bẩy thúc đẩy các phong trào khác của Hội. Để thực hiện có hiệu quả giúp chị em hội viên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống, góp phần tham gia xây dựng xã nông thôn mới, thời gian qua Hội đã tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ để cho chị em vay vốn phát triển kinh tế. Đồng thời, phối hợp cùng Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Trà Vinh (Dự án SME Trà Vinh) để hỗ trợ phụ nữ. Những cơ sở như của anh Huyền- chị Hà rất cần ở nông thôn, bởi không chỉ giúp giải quyết lao động nhàn rỗi mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Ông Tống Minh Viễn- cố vấn chiến lược Dự án SME Trà Vinh

Nhiều phụ nữ đã đi lên từ sự tác động của chương trình, từ nghèo vươn lên khá. Từ những chính sách, chương trình hỗ trợ của dự án, đã góp phần tạo ra các mũi đột phá, tác động đến sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Đồng thời, tạo cho người dân đồng bào dân tộc, nhất là phụ nữ độc lập, tự tin bởi đối tượng hưởng lợi không thể thiếu của dự án là phụ nữ và dân tộc thiểu số. Dự án đưa ra những giải pháp hỗ trợ phụ nữ, người dân tộc trong kinh doanh, lao động để phát triển sản xuất kinh doanh bình đẳng và hiệu quả.

Kỳ sau: Vào hợp tác xã để làm giàu

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO LY