Blog thị trường

Sức ép cho nông sản nhà

Cập nhật, 13:23, Thứ Sáu, 23/08/2019 (GMT+7)

Thay vì phải đặt hàng trước nhiều ngày, thậm chí cả tháng để có thể mua được nông sản nhập khẩu từ Mỹ với giá cao, thì giờ đây các mặt hàng này được nhiều cửa hàng, siêu thị, đặc biệt là ở các “chợ mạng” bán khá phổ biến, người mua cũng dễ dàng...

Chị T.D. (Phường 3- TP Vĩnh Long) cho biết, người mua chỉ cần đảo qua các trang web bán hải sản trên mạng là có thể đặt mua tôm hùm Alaska, cua hoàng đế... với giá mềm hơn trước đây.

Theo đó, tôm hùm Alaska hàng đông lạnh được chào bán chỉ 1,38 triệu đồng/combo (3 con loại 500 g/con).

Cùng với đó, các mặt hàng trái cây cũng khá dễ mua. Điển hình như trái cherry đã xuất hiện trên nhiều tuyến đường TP Vĩnh Long gần đây, với giá 280.000- 350.000 đ/kg.

Theo người bán, trái này được quảng cáo là “được chở thẳng từ nhà vườn ở Mỹ về Việt Nam trong vòng… 24 giờ kể từ khi được thu hoạch, đảm bảo tươi ngon”.

Trong khi tại các diễn đàn trên mạng xã hội, nhiều người chia sẻ thông tin các loại trái cây nhập khẩu như cherry, việt quất... đang được bày bán tại các siêu thị cũng chỉ 250.000- 270.000 đ/kg.

Theo các chuyên gia, một số trái cây ngoại xuất hiện phổ biến ở Việt Nam gần đây là kết quả của hội nhập, quan hệ trao đổi mua bán hai chiều.

Nếu xoài Việt Nam vào thị trường Mỹ, thì phía Việt Nam cũng mở cửa cho nông sản Mỹ tiếp cận người tiêu dùng Việt Nam.

Và người tiêu dùng trong nước được hưởng lợi khi có cơ hội được thưởng thức các sản phẩm vốn được coi là xa xỉ.

Tuy nhiên, điều này cũng là áp lực cạnh tranh không nhỏ cho nông sản nhà, khi từ trước tới nay, về mặt chất lượng các nông sản nhập khẩu luôn được đánh giá cao bởi sự nghiêm ngặt trong quy trình sản xuất.

Vì vậy, trước sức ép cạnh tranh lớn, đòi hỏi khâu sản xuất trong nước phải mở rộng quy mô, hạ giá thành, nâng cao chất lượng, đặc biệt là kết nối được với hệ thống phân phối uy tín để khẳng định thương hiệu nông sản Việt trên thị trường.

HOÀNG MINH