Hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ

Làm sao diệt tận gốc?

Cập nhật, 05:54, Thứ Sáu, 05/04/2019 (GMT+7)

Hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ đang gây ra nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, phát triển kinh tế. Làm thế nào để loại trừ tận gốc?

Thời gian qua, ngành chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Thời gian qua, ngành chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ.

Hàng giả, hàng nhái tràn về nông thôn

Theo Cục Quản lý thị trường, thời gian qua, tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn xảy ra với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện, chưa xóa bỏ triệt để.

Đáng nói là không chỉ xuất hiện tại các chợ, trung tâm thương mại ở các thành phố lớn mà hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn được đưa về đến tận các chợ nông thôn, chợ truyền thống, khu vực xung quanh các khu công nghiệp.

Các mặt hàng thường được các đối tượng sản xuất, kinh doanh giả là những mặt hàng có thương hiệu nổi tiếng và được tiêu thụ nhiều trên thị trường như đồng hồ, mắt kính, túi xách, quần áo, giày dép,...

Các đối tượng kinh doanh xen lẫn hàng hóa có chứng từ, hàng thật với hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa thiếu thông tin trên nhãn hàng hóa, vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa.

Theo đó, các ngành chức năng cũng đã tăng cường kiểm tra và phát hiện nhiều sai phạm, thu giữ rất nhiều sản phẩm giả mạo các nhãn hiệu.

Cụ thể như năm 2018, Đội Quản lý thị trường số 4 đã kiểm tra 2 nhà phân phối tại TP Vĩnh Long và Long Hồ, phát hiện 150 thùng sản phẩm chất tẩy rửa toilet nhãn hiệu Okay của Công ty Hoa Sen và Công ty Liên Minh (có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) là sản phẩm giả mạo nhãn hàng hóa của Công ty TNHH Hà Nam Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy xác nhận bảo hộ độc quyền tại Việt Nam.

Ghi nhận của phóng viên, tại nhiều chợ nông thôn, có không ít mặt hàng giả, hàng nhái tên các sản phẩm chính hãng được cửa hàng “trộn” với hàng thật để đánh lừa người mua, từ các loại bột ngọt, nước uống tăng lực, giấy vệ sinh,...

Từng mua phải hàng nhái, chị Lê Yến Lan (xã Trà Côn- Trà Ôn) cho hay: “Tôi hỏi mua bánh Danisa để đãi khách đến chơi, chủ cửa hàng giới thiệu là “hàng xịn”, bánh nhập, ăn ngon, tôi nhìn thấy mẫu cũng giống nên mua về. Ai ngờ đâu lúc lấy ra thì chỉ có 2 bịch bánh quy rẻ tiền. Nhìn kỹ lại mới biết mua lầm bởi tên bánh rất là giống!”

Đó là chưa kể, hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp đã dần tiếp cận với thương mại điện tử thông qua việc thành lập các website để quảng cáo, bán hàng qua mạng.

Đây là kênh phân phối hiện đại và ngày càng phổ biến nhưng cũng có rất nhiều đối tượng đã lợi dụng thương mại điện tử để rao bán, quảng cáo, khuyến mại nhiều hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...

Song, cơ quan chức năng rất khó để phát hiện nơi kinh doanh hoặc kho chứa trữ hàng hóa của các đối tượng này để xử lý.

Vai trò quan trọng của doanh nghiệp

Có rất nhiều nguyên nhân khiến hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn đất sống, thậm chí “sống khỏe” ở nông thôn.

Trong đó, phải kể đến là do hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thường rất đa dạng về mẫu mã, giá cả và không ít người tiêu dùng mua lầm hàng vì thấy phù hợp với túi tiền.

Song song đó, mặc dù đã bị xử phạt nhưng vì hám lợi và hình thức xử phạt còn nhẹ, nên các đối tượng vi phạm vẫn tìm mọi cách tuồn hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa vì những nơi này “dễ ăn” hơn.

Tiêu hủy hàng hóa vi phạm.
Tiêu hủy hàng hóa vi phạm.

Theo đánh giá của ngành chức năng, việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm quy định về nhãn hàng hóa chưa có dấu hiệu giảm.

Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Sở Công thương)- Lê Thanh Phong cho hay: “Dự báo tình hình hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và vi phạm về nhãn hàng hóa trong thời gian tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp”.

Để đẩy lùi hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, phải kể đến vai trò đặc biệt quan trọng là doanh nghiệp- đơn vị bị ảnh hưởng trực tiếp và bị thiệt hại nhiều nhất.

Doanh nghiệp không được buông lỏng trong quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hóa của mình, không nên xem việc chống hàng giả là của các lực lượng chức năng.

Khi bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cần chủ động gửi đơn khiếu nại để cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý theo quy định.

Đồng thời, phải tích cực nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào việc chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (như sử dụng tem chống giả công nghệ cao, sử dụng mã hàng hóa để truy xuất nguồn gốc trên các thiết bị thông minh), cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu và tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.

Từ đó, sẽ góp phần không nhỏ vào việc đẩy lùi nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thị trường hiện nay.

Song song đó, người tiêu dùng cần nâng cao tinh thần cảnh giác, trách nhiệm khi mua hàng và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là việc làm rất cần thiết, bởi đây là việc làm không chỉ để bảo vệ quyền và lợi ích của mình mà còn bảo vệ sự phát triển của nền kinh tế nước nhà.

Năm 2018, các đội quản lý thị trường đã phối hợp với các doanh nghiệp, các đại diện chủ sở hữu quyền tăng cường kiểm tra về hàng giả và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, kết quả đã phát hiện và xử lý gần 30 hành vi vi phạm bao gồm: kinh doanh hàng giả không có giá trị công dụng sử dụng, chủ yếu là nhóm hàng thực phẩm: cà phê, nước tăng lực,…; sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, giả mạo về chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, chủ yếu là nhóm hàng đồng hồ, thực phẩm đóng gói sẵn, rượu,… đã xử phạt hành chính trên 350 triệu đồng, hàng hóa vi phạm trị giá trên 300 triệu đồng.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN

TIN LIÊN QUAN