Blog thị trường

Bán lẻ không còn "một mình một chợ"

Cập nhật, 07:12, Thứ Sáu, 08/03/2019 (GMT+7)

Mặc dù các chuyên gia dự báo, thị trường bán lẻ có nhiều dư địa phát triển, song sẽ không còn cảnh “một mình một chợ” khi có sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, doanh nghiệp bán lẻ trực tiếp và bán hàng qua mạng (online).

Năm 2018, thị trường bán lẻ tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng cao với tổng doanh thu hơn 142 tỷ USD (tăng 12,4% so với năm trước). Đây là mức tăng trưởng khá cao, khi năm 2016 mức doanh thu này đạt khoảng 118 tỷ USD, tăng 10,2%; năm 2017 đạt 129,56 tỷ USD, tăng 10,9%.

Thị trường này cũng đã có sự góp mặt của nhiều tên tuổi bán lẻ lớn trên thế giới. Hiện, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã chiếm 17% thị phần siêu thị và trung tâm thương mại, 50% bán hàng trực tuyến, 15% siêu thị mini, 70% cửa hàng tiện lợi. Gần đây thị trường cũng đã chứng kiến sự trỗi dậy của một số doanh nghiệp bán lẻ trong nước, tạo ra cuộc cạnh tranh thực sự sôi động.

Tuy vậy, cũng theo các chuyên gia, đây cũng chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu và cơ hội vẫn còn nhiều cho người đến sau biết ứng dụng công nghệ, tạo sự khác biệt để thu hút khách hàng. Thêm nữa, kinh tế tăng trưởng ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng cũng sẽ là những yếu tố giúp ngành này phát triển.

Tuy nhiên, để tận dụng các cơ hội phải hết sức cảnh giác với các hiện tượng báo lỗ để chuyển giá, trốn thuế. Muốn vậy, cần kiểm toán, thanh tra làm rõ các trường hợp doanh nghiệp bán lẻ báo lỗ, để tạo môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng và lành mạnh.

Thêm vào đó, các nhà bán lẻ trực tiếp phải chuyển đổi mạnh mẽ từ phong cách phục vụ, chất lượng hàng hóa, giá cả, tốc độ thanh toán… để cạnh tranh, hoặc có thể chuyển sang bán hàng đa kênh, có thể cả trực tiếp và bán online. 

HOÀNG MINH