Đừng quay lưng với thịt heo sạch, an toàn!

Cập nhật, 11:34, Thứ Năm, 07/03/2019 (GMT+7)

Bệnh dịch tả heo đã lan rộng ra nhiều tỉnh- thành khiến người chăn nuôi đứng ngồi không yên, còn người tiêu dùng thì hoang mang, lo lắng. Hiện giá heo hơi đã chững lại, còn sức mua thịt heo tại các chợ cũng đã giảm 40- 50%. Công tác phòng chống bệnh dịch cũng đã được các địa phương triển khai gấp rút.

Nhiều người tiêu dùng vẫn tin dùng thịt heo sạch, an toàn.
Nhiều người tiêu dùng vẫn tin dùng thịt heo sạch, an toàn.

Tăng cường ứng phó, phòng chống dịch

Tại cuộc họp bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình ứng phó với bệnh dịch tả heo Châu Phi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Nguyễn Xuân Cường lo ngại dịch tả heo Châu Phi đang có nguy cơ ảnh hưởng nặng nề đến ngành chăn nuôi.

Nếu không quyết liệt khống chế thì nguy cơ nhiều năm sau mới có thể hồi phục được. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định: thời điểm này đang là giai đoạn dịch có nguy cơ tiếp tục bùng phát trên diện rộng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ở nước ta hiện nay, phần lớn vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, các hộ chăn nuôi heo đan xen trong các khu dân cư và các hộ chăn nuôi này khó hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, tình trạng sử dụng thực phẩm dư thừa trong chăn nuôi khá phổ biến, dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh.

Do bệnh dịch tả heo Châu Phi không lây nhiễm và gây bệnh ở người, nên nhiều người chăn nuôi heo vì lợi ích kinh tế trước mắt và vì giá heo hơi các tháng cuối năm 2018 cao nên đã không khai báo khi có dịch, bán thương lái để vận chuyển giết mổ tiêu thụ heo chết, heo bệnh, heo không rõ nguồn gốc làm cho dịch bệnh lây lan khó kiểm soát.

Một nguyên nhân khiến bệnh dịch có nguy cơ lây lan nhanh nữa là do giá hỗ trợ chăn nuôi có heo buộc phải tiêu hủy theo quy định hiện nay là 38.000 đ/kg heo hơi, thấp hơn so với giá thị trường (nhiều nơi chỉ hỗ trợ khoản 27.000 đ/kg), thời gian hỗ trợ kéo dài nhiều tháng, thủ tục hỗ trợ vướng, mất nhiều thời gian.

Vĩnh Long tăng cường  phòng chống dịch

Tại Vĩnh Long, để phòng chống dịch, các ngành chức năng đã gấp rút thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm tránh bệnh dịch xâm nhiễm vào tỉnh. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi cũng chủ động thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, kiểm soát chặt chẽ chuồng trại, theo sát mọi thông tin về diễn biến dịch.

Song song đó, Vĩnh Long cũng tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo từ các địa phương khác qua địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Bá Tuấn- Trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Mỹ Thuận- cho biết: Ngay sau khi miền Bắc xuất hiện các ổ dịch, trạm kiểm dịch đã tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát nguồn heo qua trạm.

Phối hợp với lực lượng thú y còn có lực lượng công an giao thông và quản lý thị trường trong công tác kiểm tra nhằm đảm bảo không để các xe chở động vật và sản phẩm động vật chưa được kiểm tra hoặc heo có dấu hiệu bị bệnh vượt trạm.

Ông cho biết thêm: Trước đây, heo từ miền Bắc không vào thị trường Vĩnh Long nhưng sau khi có thông tin bệnh dịch, lượng heo về Vĩnh Long tăng nhiều do có sự chênh lệch giá giữa 2 miền.

Trung bình mỗi ngày có 2- 3 xe tải chở heo (khoảng 180 con heo/xe) từ Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thái Bình,... vào Vĩnh Long tiêu thụ. Về cơ bản, các xe này đều đảm bảo giấy tờ kiểm dịch, niêm phong hợp lệ.

Không gây bệnh trên người

Đang dừng tại Trạm Kiểm dịch động vật Mỹ Thuận để khử trùng tiêu độc, trình giấy tờ kiểm dịch, dấu niêm phong, anh Đinh Công Thắng (xã Hiếu Phụng- Vũng Liêm) cho hay:

Từ khi có thông tin bệnh dịch, giá heo đã giảm 300.000- 400.000 đ/tạ, còn 5- 5,1 triệu đồng/tạ. Anh Thắng cho biết thêm: Xe hiện chở 60 con heo được thu mua từ Bến Tre đi An Giang tiêu thụ. Những ngày gần đây, sức tiêu thụ cũng giảm, lúc trước xuất 90- 100 con/ngày, giờ còn 50- 60 con/ngày.

Tại chợ Vĩnh Long, cô Bùi Kim Nguyệt- tiểu thương bán thịt heo cho biết: “Từ khi có thông tin dịch bệnh, sức mua giảm rõ rệt. Bình thường tôi bán được 100kg thịt/ngày, nhưng nhiều ngày nay chỉ bán chừng 50- 60 kg/ngày, giá thịt heo cũng có giảm đôi chút, khoảng 2.000- 5.000 đ/kg. Heo tôi mua từ các lò giết mổ trong tỉnh, có kiểm dịch đóng dấu đàng hoàng, mong người tiêu dùng đừng quay lưng với thịt heo”.

Theo nhiều người bán, dịch bệnh đang tác động nặng nề đến thị trường tiêu thụ thịt heo và đề xuất ngành chức năng cần có chính sách quyết liệt hơn trong việc giám sát vận chuyển, kiểm soát nguồn heo, để ngăn chặn rủi ro lây lan dịch bệnh.

Bên cạnh đó, ngành chức năng khẳng định, dịch bệnh này không gây bệnh trên người. Do đó, người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng thịt heo tại các cơ sở uy tín, có kiểm soát giết mổ, dán dấu, lăn dấu, dán tem kiểm định, đồng thời chế biến kỹ trước khi ăn.

Không nên tẩy chay thịt heo, góp phần hạn chế làm biến động thị trường và ảnh hưởng đến người chăn nuôi- vốn đã nhiều phen lận đận vì heo.

“Chống dịch như chống giặc”

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai các giải pháp cấp bách khống chế dịch tả heo Châu Phi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương phải tuyên truyền để người dân không hoang mang, bán tháo heo hay quay lưng với thịt heo sạch.

Một khẩu hiệu đặt ra là “chống dịch như chống giặc”. Nếu chúng ta có biện pháp ngăn chặn tốt, kịp thời hơn, dịch không lây lan rộng. Đề nghị các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người chăn nuôi phải triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế dịch; các cấp, các ngành theo chức năng được phân công, phải xắn tay áo vào cuộc bao gồm: cử cán bộ, cung cấp phương tiện, có những biện pháp, hướng dẫn hành động kịp thời.

Đề nghị các địa phương kịp thời hỗ trợ người dân trong việc tiêu hủy heo. Đồng thời, đồng ý theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp- PTNT là hỗ trợ 80% giá thị trường đối với heo con, heo thịt và mức cao hơn đối với heo giống.

Bài, ảnh: THẢO LY