Về Đông Thuận, nghe chuyện "phất lên" từ mận xanh đường

Cập nhật, 12:35, Thứ Tư, 29/08/2018 (GMT+7)

Đông Thuận là 1 trong 3 phường của TX Bình Minh với diện tích đất nông nghiệp 159,3ha, trong đó diện tích trồng cây ăn trái tới 94,2ha. Câu chuyện về cây mận xanh đường mang lại thu nhập khá, góp phần thay đổi đời sống người dân đang râm ran khắp phường.

Nhiều nông dân ở Đông Thuận ổn định cuộc sống, vươn lên khá giàu nhờ mận xanh đường.
Nhiều nông dân ở Đông Thuận ổn định cuộc sống, vươn lên khá giàu nhờ mận xanh đường.

Nếu như trước đây, cây mận xanh đường được trồng số ít “để ăn chơi” thì nay đã lên tới 48ha, chiếm hơn 51% diện tích đất trồng cây ăn trái của phường.

Đưa chúng tôi đi giữa màu xanh của những vườn mận xanh đường nối tiếp nhau bên con rạch nhỏ Bằng Lăng, ông Nguyễn Chánh Thuấn- Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường- giới thiệu: “Xóm nhà giàu” này có gần 20 hộ, trước đây đa số nhà cửa xụp xệ, nhưng nhờ trồng mận xanh đường mà nhiều hộ đã vươn lên khá giả, nhà cửa khang trang.

Theo người dân địa phương, trước đây “xứ này” chỉ có một hộ trồng, trái mận xanh bắt mắt lại giòn giòn mà ngọt như đường được chủ nhà mang ra đãi đám tiệc, bà con hàng xóm “ăn thấy ngon” nên có người xin chiết nhánh về trồng.

Dần dần, nhận thấy trái mận mang lại giá trị kinh tế cao nên nhiều hộ trồng và nhân rộng ra như bây giờ.

Không chỉ mang lại lợi nhuận cho nhà vườn, mận xanh đường còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với các công đoạn như: bao trái, hái trái, lột vỏ, đóng thùng… cho thu nhập khoảng 130.000 đ/ngày. Trong đó, có cả những tổ bao mận “chuyên nghiệp” tới mùa là đi hết vườn này sang vườn khác.

Đang thu hoạch 5 công mận vụ nghịch với giá 11.000 đ/kg, ông Hồ Văn Chợ ở khóm Đông Thuận vui vẻ: “Tui trồng mận xanh đường từ năm 2000. Với 5 công này, tui lời 150- 200 triệu đồng/năm, cũng... kiếm ăn được”.

Cùng ngụ khóm Đông Thuận, mấy năm gần đây, ông Nguyễn Văn Quyên “nổi tiếng” ăn nên làm ra nhờ mận xanh đường, thu lời hàng trăm triệu đồng/năm, thu hút nhiều hộ trong vùng đến tham quan, học hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm.

Hiện, ông Quyên là Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng mận xanh đường của phường. Bên cạnh, có rất nhiều hộ nhờ chuyển qua trồng mận xanh đường mà “mua sắm đầy đủ tiện nghi trong nhà”, “cất nhà gần cả tỷ đồng”.

Ông Nguyễn Chánh Thuấn cho biết, hiện có 48ha mận xanh đường, cho trái 3 vụ/năm, năng suất vụ thuận khoảng 22- 24 tấn/ha, giá bán 7.000- 9.000 đ/kg; vụ nghịch khoảng 6 tấn/ha, giá 11.000- 12.000 đ/kg. Trừ chi phí khoảng 100 triệu đồng/ha/năm, nông dân thu lời 300- 400 triệu đồng/ha/năm.

Cũng theo ông Nguyễn Chánh Thuấn, cây mận từ khi trồng đến 8 tháng thì bắt đầu ra hoa, cho trái. Để năng suất cao và đảm bảo chất lượng trái, những năm gần đây, nông dân bao trái bằng túi ny lông để tránh ruồi đục trái.

Còn ông Nguyễn Chí Thuận- Chủ tịch Hội Nông dân phường- cho biết: Từ cuối năm 2016, Tổ hợp tác Trồng mận xanh đường ra đời với 8 thành viên, đến nay đã tăng lên 22 thành viên với diện tích 11,8ha. Việc ra đời tổ hợp tác nhằm hỗ trợ nhau về kỹ thuật, đảm bảo đầu ra dễ dàng, không bị ép giá…

Dự kiến, sắp tới sẽ tiếp tục mở rộng diện tích tổ hợp tác vì nhiều hộ dân thấy hiệu quả của mô hình kinh tế tập thể này nên muốn tham gia. Hiện mận xanh đường tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ...

Những năm gần đây, khi ngang qua TX Bình Minh (đoạn từ đường dẫn lên cầu Cần Thơ tới chân cầu Cần Thơ) dịp tết, người đi đường có thể dễ dàng mua mận xanh đường từ những chị bán trái cây ven đường.

Trong đó, mận xanh đường Đông Thuận góp mặt trên “mâm trái cây” của người bán với vai trò là một trong 3 “sản vật” của TX Bình Minh bên cạnh thanh trà Đông Thành, vú sữa Đông Thạnh.

Để trái mận xanh đường đi xa hơn, thời gian qua, nhiều hộ đã cho trái vào bọc xốp, đóng thùng… Tuy nhiên, ông Nguyễn Chí Thuận cho biết: “Trái mận chỉ mới đi xa được cỡ 3- 4 ngày chớ chưa đến một tuần. Để đi xa hơn nữa, rất cần nghiên cứu thực hiện các khâu bảo quản, xây dựng thương hiệu…”

Theo ông Lê Văn Biên- Phó Phòng Kinh tế TX Bình Minh, từ năm 2013 đến nay, phường Đông Thuận có nhiều diện tích lúa kém hiệu quả chuyển qua trồng màu hoặc vườn cây ăn trái kém hiệu quả chuyển qua mận xanh đường.

Do ổn định về giá cả, năng suất… nên nhà vườn trồng mận xanh đường có thu nhập cao, cải thiện cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương.

Ông Nguyễn Chí Thuận- Chủ tịch Hội Nông dân phường Đông Thuận:

Do mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao đời sống người dân nên từ 6- 7ha, diện tích mận xanh đường hàng năm đều tăng thêm. Đảng ủy phường chủ trương vận động chuyển đổi hết diện tích lúa còn lại sang trồng mận xanh đường. Nếu hộ nào trồng từ 1ha trở lên sẽ có hướng hỗ trợ (cây giống, tiền công lên liếp…)

Ông Hồ Văn Chợ:

Thông thường, vào tháng 10- 11 âm lịch, khi có gió chướng, nắng nhiều và lượng nước vừa đủ, cây sẽ ra hoa tự nhiên và cho sản lượng cao, trái có vị ngọt hơn các tháng khác trong năm. Cho nên tết về, bà con ngang qua TX Bình Minh, mua mận bán dọc đường dẫn cầu Cần Thơ là mận ngon ngọt nhất.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- XUÂN TƯƠI