Bảo vệ lúa Thu Đông mới xuống giống

Cập nhật, 05:25, Thứ Ba, 28/08/2018 (GMT+7)

Vừa qua, Sở Nông nghiệp- PTNT có công văn hỏa tốc chỉ đạo việc tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp phòng chống ngập lụt do ảnh hưởng của lũ khu vực ĐBSCL.

Theo đó, nhấn mạnh việc tiếp tục triển khai khẩn cấp các giải pháp bảo vệ an toàn diện tích lúa Thu Đông mới xuống giống, nhất là ở những vùng kém an toàn với lũ, đồng thời nâng cấp các đoạn đê, bờ bao xung yếu, có nguy cơ xảy ra tràn, bể, sạt lở trong mùa lũ.

Triển khai khẩn cấp các giải pháp bảo vệ an toàn diện tích lúa Thu Đông mới xuống giống.
Triển khai khẩn cấp các giải pháp bảo vệ an toàn diện tích lúa Thu Đông mới xuống giống.

Đảm bảo an toàn trong lũ

Đến nay, lúa Thu Đông toàn tỉnh đã cơ bản xuống giống xong, nhờ triển khai thực hiện đồng bộ các công trình thủy lợi, lúa được xuống giống trong ô bao chắc chắn nên lúa được đảm bảo an toàn trong đợt triều cường vừa qua.

Ông Nguyễn Minh Luân (xã Trung Hiệp- Vũng Liêm) cho biết: Đợt triều cường vừa qua, nước lên khá cao nhưng không ảnh hưởng đến lúa do đảm bảo đê bao ngăn lũ.

Bên cạnh hệ thống thủy lợi được Nhà nước đầu tư thì người dân nơi đây cũng đã chủ động gia cố các đê bao tiểu vùng để bảo vệ diện tích lúa Thu Đông vừa xuống giống.

Theo ông Lưu Nhuận- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp- PTNT), để chủ động ứng phó với lũ, chi cục đã kết hợp với các địa phương rà soát lại các vị trí xung yếu có nguy cơ xảy ra sạt lở, tràn trong vụ Thu Đông.

Song song đó là việc thường xuyên cập nhật các hệ thống thông tin tuyên truyền để có thông báo cụ thể đến các địa phương, đặc biệt là hệ thống tin nhắn SMS để chủ động ứng phó các tình huống xấu.

Để bảo đảm an toàn cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh, giảm thiểu thiệt hại do lũ đang lên nhanh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương tổ chức duy tu, sửa chữa nâng cấp các đoạn đê, bờ bao xuống cấp, xung yếu, có nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở trong mùa lũ.

Bố trí cơ cấu mùa, vụ hợp lý để tránh nguy cơ ảnh hưởng của ngập lũ, nhất là ở các diện tích canh tác trong vùng kém an toàn với lũ, đồng thời đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình thủy lợi để đảm bảo ngăn lũ hiệu quả.

Đề phòng sâu bệnh hại lúa

Vụ lúa Thu Đông năm nay, huyện Trà Ôn xuống giống 8.869ha. Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện, do thời tiết mưa nhiều, lúa Thu Đông nhiễm một số loại sâu bệnh như: đốm vằn, đạo ôn lá, sâu cuốn lá, rầy nâu,… nhưng với mật độ thấp đến trung bình, ít ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của cây lúa.

Ông Lê Văn Thắng (xã Thiện Mỹ- Trà Ôn) cho biết, 6 công lúa của ông thời gian gần đây bị sâu cuốn lá tấn công trên lúa giai đoạn đẻ nhánh, ngoài ra do thời tiết mưa nhiều nên lúa của ông còn xuất hiện bệnh đạo ôn lá, ông đã phun thuốc đặc trị kịp thời nên lúa đã phục hồi tốt.

Còn tại TX Bình Minh, đến nay, bà con nông dân tập trung cày xới, làm đất xuống giống gần 2.700ha lúa Thu Đông. Do sản xuất trong điều kiện mưa bão, thời tiết không thuận lợi, tình hình sâu bệnh gia tăng… ngành nông nghiệp TX Bình Minh khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa chủ lực và triển vọng để gieo sạ như:

OM 5451, OM 6976, OM 4900,… Các trà lúa xuống giống sớm đang ở giai đoạn mạ và đẻ nhánh, cây lúa sinh trưởng tốt.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện toàn tỉnh xuống giống 51.341ha lúa Thu Đông, đạt 109% kế hoạch. Trà lúa sớm đã thu hoạch trên 1.000ha, năng suất trung bình 5,3 tấn/ha.

Trà lúa còn lại phát triển tốt. Sinh vật gây hại trên lúa từ ngày 17- 24/8 ghi nhận 478ha, trong đó, lúa nhiễm rầy nâu 21ha, chủ yếu rầy tuổi 3, 4 mật số từ 800- 1.000 con/m2.

Lúa nhiễm bệnh đạo ôn 308ha và nhiễm sâu cuốn lá 21ha, trên trà lúa đẻ nhánh, mật số nhẹ 10- 15 con/m2.

Dự báo đến 31/8, rầy nâu có thể nhiễm trên trà lúa Thu Đông nhưng mức độ nhiễm nhẹ, rầy xuất hiện ở tuổi 4, 5. Sâu cuốn lá gây hại chủ yếu ở mức nhẹ trên lúa giai đoạn đẻ nhánh- đòng trổ, những ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm, phun thuốc trừ sâu sớm đầu vụ có khả năng bị hại nặng.

Riêng bệnh đạo ôn và cháy bìa lá diện tích và mức nhiễm nhẹ có thể tăng do điều kiện thời tiết xuất hiện mưa nhiều và giai đoạn lúa thích hợp cho bệnh phát sinh phát triển, đặc biệt lưu ý trên những ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm và ruộng canh tác giống nhiễm như: ML 202, Jasmine 85, IR 50404, OM 4218, OM 4900,… có thể nhiễm trung bình.

Biện pháp quản lý- canh tác lúa

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện tại ngoài đồng chủ yếu rầy tuổi 3, 4, giai đoạn này rầy rất mẫn cảm với thuốc, rầy nhiễm nhẹ với mật số thấp 800- 1.000 con/m2, chỉ nên can thiệp thuốc đặc trị khi rầy có mật số cao trên 2.500 con/m2.

Còn lúa trổ- chín về sau thì không nên phun thuốc trừ rầy có hoạt chất Acetamiprid, do những loại thuốc chứa hoạt chất này lưu tồn rất lâu trong hạt lúa, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Với thời tiết phức tạp, mưa nắng xen kẽ như hiện nay, để phòng ngừa bệnh đạo ôn, nông dân cần thăm đồng thường xuyên.

Khi thấy có dấu hiệu chớm bệnh thì ngưng bón phân đạm, không để ruộng khô nước, phun thuốc đặc trị đạo ôn kịp thời, không pha chung với phân bón lá, riêng đối với bệnh đạo ôn cổ bông phải phun ngừa 2 lần, trước khi lúa trổ và sau khi lúa đã trổ đều.

Để phòng trừ hiệu quả sâu cuốn lá nông dân cần tích cực kiểm tra, theo dõi sự phát triển của sâu cuốn lá. Hạn chế phun thuốc trừ sâu cho lúa dưới 40 ngày để bảo tồn thiên địch. 

Trong giai đoạn lúa đẻ nhánh, chỉ nên phun thuốc khi mật độ sâu xuất hiện khoảng 30- 40 con/m2.

Trong giai đoạn đòng- trổ mật độ khoảng 15- 20 con/m2 phải tiến hành phun đúng thuốc. Quan sát đồng ruộng khi thấy xuất hiện sâu tuổi 1- 2 thì phun thuốc hiệu quả sẽ cao hơn.

Bài, ảnh: LÊ SƠN